Thời gian qua, Công an các tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, TP Cần Thơ… triệt phá hàng loạt vụ án tình, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua các mạng xã hội như: facebook, Zalo nhiều “nam thanh, nữ tú” đã lên kế hoạch giăng bẫy chiếm đoạt xe máy, laptop, điện thoại và tiền bạc.
Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, các đối tượng lừa đảo trên mạng cực kỳ tinh vi, dựa vào những kịch bản soạn sẵn đưa nạn nhân vào tròng. Gây án xong, đối tượng xóa dấu vết bằng cách cắt đứt liên lạc với nạn nhân, thay đổi số điện thoại, trang cá nhân để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội với nạn nhân mới.
Đỗ Thị Trúc Ly (25 tuổi, ngụ xã Tân Phước, huyện Lai Vung) bị bắt vào cuối tháng 2-2016, chỉ hơn nửa năm, Ly thực hiện 23 vụ lừa đảo trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ và tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh với số tiền hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng: Trúc Ly, Hôn và Triều. |
Thủ đoạn của Ly khá mới mẻ tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận. Quá trình gây án, đối tượng chủ động tìm hiểu, tiếp cận và làm quen với nạn nhân, rồi rủ đi ăn uống. Ly luôn rộng rãi tiền bạc để nạn nhân không nghi ngờ.
“Để tránh gặp lại “cố nhân”, Ly không bao giờ nói chuyện với người khác khi chủ động vào làm quen với mình trước. Sau mỗi lần gây án, Ly đổi sim và tìm nạn nhân mới, chủ yếu những người có điện thoại đắt tiền hoặc xe tay ga. Ly rủ nạn nhân vào nhà nghỉ chờ sơ hở chiếm đoạt tài sản hoặc kêu nạn nhân đến đón để đi cùng xe, sau đó xin cầm lái rồi giả vờ làm rớt chai nước, cạc điện thoại để nhờ bước xuống lấy giùm, còn mình ngồi trên xe tăng ga bỏ chạy”, một điều tra viên PC45 – Công an tỉnh Đồng Tháp cho hay.
Giữa tháng 1-2016, Nguyễn Hoàng Hôn (27 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) bị Công an xã Khánh Hoà (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) mời về trụ sở làm việc khi có hành vi giả mạo, tự xưng là “cán bộ công tác tại Bộ Công an”.
Hôn khai, có quen người bạn gái qua mạng xã hội nên từ Cần Thơ, chạy xe xuống xã Khánh Hoà chơi. Nghi ngờ cách nói chuyện của Hôn khi hứa hẹn này nọ, người nhà cô gái đã âm thầm báo Công an.
Qua làm việc, Hôn không phải là cán bộ Công an. Chiếc xe máy Hôn đang sử dụng là lừa lấy của một người bạn gái cũng quen qua mạng, làm việc tại cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn phường An Hoà (quận Ninh Kiều) vào ngày hôm trước. Sau đó, Hôn được di lý về Công an quận Ninh Kiều để điều tra.
Lúc này, Hôn thừa nhận bản thân không có việc làm ổn định và thường lên mạng kết bạn với những cô gái trẻ. Trước khi bị lật tẩy, Hôn đã giả danh Công an lừa lấy xe và điện thoại của một cô gái...
Một trường hợp khác, Lê Phước Triều (37 tuổi, ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) bị Công an huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) bắt giữ. Triều có 1 tiền án về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và được tha tù vào năm 2002. Triều không có nghề nghiệp ổn định, ra tù sống bằng nghề môi giới máy gặt đập liên hợp.
Khoảng tháng 5-2015, Triều lên mạng xã hội làm quen với chị D, nữ giáo viên ở Châu Phú. Chị D từng có chồng và 2 người con. Nhưng do chung sống không hạnh phúc, bị bạo hành nên ly hôn, dẫn con về nhà cha mẹ ruột. Nghe câu chuyện của chị D, Triều tỏ ra thông cảm và động viên rất nhiều. Sau đó, Triều tìm đến nhà chị D chơi, ở lại vài ngày và hứa sẽ xây tặng “người yêu” căn nhà mới.
Thấy Triều đẹp trai, nói chuyện khéo léo và rộng rãi nên chị D mừng thầm. Sau đó, Triều hỏi mượn xe tay ga (Air Blade) của chị D để đi công việc và chạy thẳng tới tiệm cầm đồ, cầm cố 15 triệu đồng. Để tránh bị phát hiện, Triều nói là do say rượu nên bị Công an giữ phương tiện và nhờ chị D lấy một xe tay ga khác của gia đình ra đón. Sau đó, Triều rủ chị D lên Bình Dương chơi và tiếp tục lừa lấy tiến chiếc xe thứ 2 mang đi cầm cố và bỏ trốn.
Qua điều tra, ngoài việc lừa chị D, Triều đang bị truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi lừa lấy xe SH của anh Nguyễn Thanh Hà (ngụ tỉnh Kiên Giang).
“Trong thời gian trốn truy nã, Triều làm quen và lừa đảo nhiều người. Triều tạo vỏ bọc hiền lành, cư xử khéo léo, hứa hẹn để lừa nạn nhân vào bẫy”, cán bộ điều tra Công an huyện Châu Phú cho hay.