Gia đình xã hội

Nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình: Động thái tích cực

15:47, 26/07/2016 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với mục tiêu lớn nhất là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, năm 2014, Bộ Y tế ban hành Thông tư 16 về triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ). Theo đó, mạng lưới chăm sóc sức khoẻ theo hình thức này đã được triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Nghệ An và đến nay đã khẳng định tính hiệu quả cao; đặc biệt là thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên trong những trường hợp không cần thiết.

Hiệu quả thiết thực

Sáng 15/7 vừa qua, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai kế hoạch phát triển phòng khám BSGĐ” tại điểm cầu 63 tỉnh, thành.

Bác sĩ Phòng khám bác sĩ gia đình Nghệ An tiếp khách hàng đến đăng ký các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Bác sĩ Phòng khám bác sĩ gia đình Nghệ An tiếp khách hàng đến đăng ký các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Đây được đánh giá là động thái tích cực nhằm góp phần nhân rộng mô hình BSGĐ, qua đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, đồng thời giảm tình trạng quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên.

Việc triển khai có hiệu quả các mục tiêu đưa ra tại Hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện Đề án: “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2020” của Bộ Y tế.

Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta là mô hình bệnh tật kép; các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng vẫn ở mức khá cao. Nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh kéo theo nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Do đó, việc sàng lọc, theo dõi, điều trị bệnh mãn tính tại cộng đồng là hết sức cần thiết. Thực tế này đang đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Tháo gỡ vướng mắc

Không chỉ riêng tại Nghệ An, mô hình BSGĐ còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Thậm chí, nhiều người còn nhầm tưởng về chức năng, nhiệm vụ của loại hình này.

Qua tìm hiểu thực tế, được biết, số đông người dân vẫn chưa hiểu rõ hình thức hoạt động, chức năng của mô hình BSGĐ, trong đó nhiều người vẫn nhầm tưởng dịch vụ gọi bác sĩ đến nhà và mô hình BSGĐ là một. BS - Thầy thuốc nhân dân Dương Công Hoạt, phụ trách Phòng khám BSGĐ Nghệ An cho biết: Nhiều người cho rằng BSGĐ chỉ có vai trò hỗ trợ tạm thời cho các bệnh nhân trong công tác dự phòng, khám, chữa bệnh thông thường. Tuy nhiên, thực tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, đảm đương 3 vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân.

Theo quy định, phòng khám BSGĐ phải có hồ sơ quản lý toàn diện về sức khỏe của cá nhân, hộ gia đình. Trên cơ sở nắm rõ tình trạng sức khỏe cũng như tiền sử bệnh lý của từng bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra những liệu pháp điều trị phù hợp, kịp thời, đỡ tốn kém. Khi bệnh nhân chuyển viện, BSGĐ sẽ liên hệ với hệ thống y tế tiếp nhận bệnh nhân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình khám, chữa bệnh.

Hoạt động của mô hình BSGĐ còn giúp hạn chế áp lực về thời gian, khối lượng công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm kinh phí nằm viện cho bệnh nhân; đồng thời đảm bảo sự hợp tác trong phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, qua đó góp phần giảm thiểu một số vấn đề tiêu cực trong quá trình hoạt động của các bệnh viện.

Tính đến tháng 6/2016, đã có 336 phòng khám BSGĐ được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám. Tại Nghệ An, phòng khám BSGĐ được thành lập từ sự chung tay phối hợp của Công ty cổ phần Dưỡng lão và Chăm sóc phục hồi sức khỏe, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.

Qua nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của người dân, hiện đơn vị đang triển khai nhiều gói dịch vụ y tế như: Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, gói lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và trả kết quả tại nhà, theo dõi và điều trị các bệnh mãn tính… Số lượng người dân đăng ký sử dụng các dịch vụ trên ngày càng tăng, tuy nhiên còn khá khiêm tốn so với nhu cầu khám, chữa bệnh và những ưu thế nổi trội của mô hình BSGĐ.

Theo bác sĩ Dương Công Hoạt, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình triển khai hoạt động của phòng khám BSGĐ là chưa có cơ chế định giá cũng như thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ của mô hình này.

Theo kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020: Đến năm 2017, 100% các trường đại học y có đào tạo bác sĩ đa khoa phải thành lập, kiện toàn bộ môn hoặc khoa Y học gia đình, có phòng khám BSGĐ; đến năm 2020, 100% phòng khám BSGĐ ứng dụng phần mềm tin học quản lý hoạt động và sử dụng hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, có ít nhất 80% tỉnh, thành triển khai phòng khám BSGĐ.

Để “cán đích” mục tiêu trên, đồng thời kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế cho mô hình mới này, ngành y tế cần sớm hoàn chỉnh mô hình, xác định phạm vi, quy mô, chức năng nhiệm vụ của phòng khám BSGĐ và các điều kiện đảm bảo hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế…; trong đó việc thay đổi cơ chế tài chính được đánh giá là chìa khóa mở ra hướng phát triển mới cho mô hình BSGĐ.

Ngoài ra, biện pháp lâu dài là cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết và hiểu rõ những ưu điểm của loại hình mới này trong việc chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện và lâu dài cho bản thân và gia đình. Với đặc thù mạng lưới trạm y tế phủ khắp các xã, phường… trên địa bàn, có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và hệ thống cơ sở vật chất sẵn có, tin tưởng rằng, khi mô hình BSGĐ được lồng ghép vào hoạt động của trạm y tế, dịch vụ này sẽ trở thành sự lựa chọn của đông đảo người dân.

Hồng Hạnh

Các tin khác