Gia đình xã hội
Lao động di cư: Còn nhiều nỗi lo
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, lao động ở các địa phương khác đến Nghệ An, đặc biệt là TP Vinh làm việc đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, một bộ phận trong số này đang trở thành mối lo, nguy cơ tiềm ẩn về ANTT, tạo ra nhiều áp lực trong công tác quản lý Nhà nước về ANTT, nhất là những đối tượng làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức như phụ hồ, bốc vác, bán hàng rong, đánh giày…
Từ rào cản trong tiếp cận chính sách an sinh xã hội…
Theo khảo sát, hiện, phần lớn lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức trên địa bàn tỉnh là những người từ các tỉnh khác và cả từ nhiều địa phương trên địa bàn toàn tỉnh về TP Vinh làm việc nhưng không có công việc ổn định, phải sống trong những khu nhà trọ xuống cấp. Mức thu nhập cơ bản của họ chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Tính chất công việc bấp bênh, mang tính thời vụ cao.
Lao động tự do chờ việc trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP Vinh |
Trong khi đó, do đặc thù, họ không được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ vay vốn nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, thậm chí không đủ ăn.
Theo quy định, những người thuộc diện hộ nghèo có hộ khẩu thường trú mới có cơ hội tiếp cận với các khoản tiền cho vay, còn những người tạm trú không có chỗ ở cố định, thường thay đổi địa điểm làm việc nên khả năng tiếp cận vốn vay rất thấp.
Trên thực tế, hầu hết trong số họ đều không có bảo hiểm xã hội để hỗ trợ giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động và bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc mất đi do các rủi ro trên.
Đơn cử như tại Bến xe Vinh, trong số 10 lao động di cư mà phóng viên tiếp cận, chủ yếu là đối tượng bán hàng rong, đánh giày, bán vé số…, có tới 8 người không có bảo hiểm xã hội. Đa số họ không hiểu biết đầy đủ về các quyền, lợi ích của mình tại nơi làm việc và nơi cư trú. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng này là do công tác tuyên truyền về các chính sách an sinh xã hội còn hạn chế, hoặc các hoạt động truyền thông không đến được với họ.
Cuối năm 2015, Oxfam tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội”. Tại Hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị cần phải rà soát, loại bỏ các quy định hưởng chính sách an sinh xã hội gắn với hộ khẩu vì đây là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận an sinh xã hội của lao động di cư.
Các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng khả năng tiếp cận thông tin cho lao động di cư; đồng thời nhân rộng các mô hình hỗ trợ lao động di cư phát huy hiệu quả trong thời gian qua.
… Đến nguy cơ phạm tội
Theo báo cáo từ Hội thảo “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội”, tỉ lệ thất nghiệp của lao động di cư cao gấp 5 lần tỉ lệ thất nghiệp của lao động từ 15 tuổi trở lên. Trên thực tế, thất nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản.
Mới đây, Công an phường Hưng Dũng, TP Vinh bắt giữ nhóm đối tượng gồm: Võ Đình Thảo (SN 1998), Hoàng Bá Sơn (SN 1997) và Nguyễn Văn Quyền Linh (SN 1998) cùng trú tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông về hành vi cướp giật tài sản tại TP Vinh và các địa bàn lân cận.
Theo tài liệu của cơ quan Công an, trong thời gian từ cuối năm 2015 đến thời điểm bị bắt, 4 đối tượng này đã gây ra 5 vụ cướp giật trên địa bàn TP Vinh và các vùng phụ cận với tổng giá trị tài sản lên tới hàng chục triệu đồng.
Ngoài ra, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Vinh xuất hiện nhiều đối tượng là lao động tự do, đến từ các địa phương khác để làm việc, sinh sống nhưng do công việc bấp bênh nên để có tiền trang trải cuộc sống, họ đành “nhắm mắt làm liều”, dấn thân vào con đường phạm tội. Ngoài ra, còn có một số đối tượng phạm tội hoạt động dưới vỏ bọc là lao động tự do, làm các công việc chân tay như bán hàng rong, đánh giày, bán vé số…, lợi dụng sơ hở, thiếu cảnh giác của người dân để thực hiện hành vi trộm cắp, cướp giật; thậm chí trở thành “mắt xích” quan trọng trong các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Nút thắt cần tháo gỡ
Hỗ trợ lao động di cư làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, tránh trở thành tội phạm là vấn đề đáng được quan tâm trong công tác đảm bảo chính sách an sinh xã hội.
Để tránh tình trạng thất nghiệp dẫn đến phạm tội ở bộ phận này, thiết nghĩ, điều quan trọng là cần tạo sinh kế ổn định, môi trường sống lành mạnh để họ yên tâm làm việc.
Thực tế, trong thời gian qua, đã xuất hiện khá nhiều mô hình hỗ trợ lao động di cư phát huy hiệu quả, điển hình như mô hình HTX di cư Ngày mới. HTX này được thành lập với mục đích tập hợp, liên kết lao động di cư làm các công việc chân tay như xe ôm, bốc vác, bán hàng rong… để giúp đỡ nhau trong công việc và cuộc sống.
Theo đó, mỗi người đóng góp số tiền ban đầu là 300.000 đồng/người để làm cơ sở thực hiện các cam kết khi tham gia HTX. Nguồn quỹ này được hỗ trợ dưới hình thức quay vòng cho 30 lượt hộ di cư với số vốn vay từ 1 - 4 triệu đồng. Với phương thức này, lao động di cư sẽ có điều kiện từng bước giải quyết khó khăn trước mắt, đồng thời tránh tình trạng vì lâm vào “bước đường cùng” mà dính vào các tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình tư vấn pháp luật cho lao động di cư để họ có cơ hội tiếp cận các thông tin liên quan đến chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội như: BHYT, BHXH; từ đó hiểu rõ quyền lợi chính đáng của bản thân.
Nếu các mô hình trên phát huy hiệu quả, sẽ giải quyết đồng thời 2 “bài toán” khó là giảm thiểu tình trạng phạm tội ở một bộ phận lao động di cư và tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình thực thi các chính sách an sinh xã hội; đồng thời góp phần hỗ trợ, giúp đỡ họ từng bước vượt qua những khó khăn ban đầu để dần ổn định cuộc sống.
Hồng Hạnh