Gia đình xã hội
Lan toả những nghĩa cử tri ân
(Congannghean.vn)-Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nghệ An có hàng vạn thanh niên lên đường nhập ngũ. Và để có được ngày đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, không thể không nhắc đến sự hy sinh anh dũng của 45.016 người con quê hương xứ Nghệ. Trong đó, hiện nay vẫn còn gần 20.000 liệt sỹ chưa xác định được tên tuổi, quê quán, năm sinh… Có người may mắn trở về nhưng mang trên mình thương tật vĩnh viễn do chiến tranh để lại. Nhiều gia đình có chồng, cha bị nhiễm chất độc da cam khiến nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần vẫn còn dai dẳng mãi...
Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho mẹ liệt sỹ Phạm Thị Nghi ở xã Công Thành, huyện Yên Thành |
Những ngày tháng Bảy tưởng nhớ - tri ân cũng là dịp để thế hệ hôm nay thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương để gìn giữ nền độc lập cho dân tộc. Những bó hoa tươi thắm đã được dâng lên các liệt sỹ bằng cả tấm lòng thành kính thiêng liêng cảm tạ thế hệ cha ông đã ngã xuống.
Để làm tốt công tác xã hội hoá, giúp đỡ gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn, thực hiện tốt hơn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”, ngày 15/4/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1514/QĐ-UBND đồng ý cho phép thành lập Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ.
Ông Hồ Đức Thành, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Nghệ An cho biết: “Đến nay, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những mất mát, đau thương vẫn còn đó. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các gia đình chính sách, người có công. Ở Nghệ An, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội nhưng các cấp, ngành… đã trích hàng chục tỉ đồng mỗi năm để hỗ trợ, động viên các gia đình thương binh, liệt sỹ bằng việc xây dựng nhà tình nghĩa, trao tặng sổ tiết kiệm, nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng. Thời gian tới, để hỗ trợ hơn nữa các gia đình thương binh, liệt sỹ, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân gần xa”.
Tại Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào, nơi an nghỉ của hơn 11.000 cán bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trên chiến trường nước bạn, những ngày này, dòng người vẫn nối tiếp nhau về đây để tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những ngôi mộ được quét dọn sạch sẽ với khói hương nghi ngút, các gia đình khắp mọi miền đất nước đã về đây thăm lại nơi người thân của mình an nghỉ.
Ở Khu di tích lịch sử Truông Bồn - nơi có 13 chiến sỹ của Đại đội Thanh niên xung phong 317 đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau khi khánh thành và đưa vào hoạt động, Khu di tích đã đón hàng nghìn lượt khách đến thăm viếng.
Ông Chu Vĩnh Hiệp, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết: Trong những ngày qua, Khu di tích đã đón hàng chục đoàn đến thăm viếng mỗi ngày. Có thời điểm, Ban quản lý phải sắp xếp cán bộ trực 24/24 giờ để đón tiếp các đoàn khách.
Tháng Bảy không chỉ là dịp để hàng triệu con người Việt Nam tri ân, tưởng nhớ mà còn là dịp để cho thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi công lao của thế hệ cha ông đi trước. Chính vì vậy, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cần được lan tỏa hơn nữa bằng những hành động thiết thực, ý nghĩa...
Đăng Quang