Gia đình xã hội
Kiếm tiền tỷ từ việc 'phù phép' thịt trâu thành thịt bò
Cuối tháng 5-2016, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TPHCM xử phạt Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ An Thái vì sử dụng nguyên liệu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thực phẩm; che giấu hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng, với mức phạt là 45 triệu đồng.
Mỗi tháng sản xuất cả tấn thịt bò giả
Trước đó, Đội 4 - Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường CATP nhận được tin báo về việc Công ty An Thái (địa chỉ tại Khu chế xuất Linh Trung 2, Q.Thủ Đức) sử dụng thịt trâu đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ chế biến thực phẩm thịt bò giả, cung cấp cho khách hàng theo hình thức suất ăn công nghiệp.
Sau hơn 4 tháng theo dõi, các trinh sát xác định tin báo có cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện Công ty An Thái đang cho nhân viên chế biến 40kg thịt trâu trong bọc nilon nhãn hiệu Allana thành món bò xào để bán cho khách hàng. Chẳng hạn thịt trâu được đông khoảng 15 phút, cho vào máy thái thịt hoặc thái bằng tay, ướp gia vị… thành món bò xào.
Nhân viên công ty An Thái đang chế biến thịt trâu thành thịt bò |
Các nhân viên tổ chế biến khai nhận công ty mua thịt trâu về chế biến thành các món: bò kho, bò xào… từ 5 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng chế biến khoảng 1.000kg thịt trâu. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 20kg chả lụa, 30kg chả cá hấp không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Trong kho công ty có 120kg thịt trâu nhãn hiệu Allana, nguồn gốc từ Ấn Độ do Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu K.H (địa chỉ tại Q.Thủ Đức) nhập khẩu và được cơ sở sản xuất thực phẩm T.L bán lại cho Công ty An Thái với giá như sau: trâu 11 (thịt trâu thường) 88.000 đồng/kg, trâu 45 (thịt trâu bắp) 98.000 đồng/kg.
Công ty An Thái được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 24-9-2013, ngành nghề kinh doanh là sản xuất các món ăn, thức ăn chế biến sẵn, buôn bán nông sản nguyên liệu, cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng, nhưng không thường xuyên. Hàng ngày, công ty cung cấp khoảng 16.000 suất ăn công nghiệp cho 9 công ty.
Làm giả giấy kiểm dịch
Làm việc với cơ quan chức năng, đại diện Công ty An Thái giải trình việc công ty chế biến thịt trâu thành các món ăn thịt bò thì khách hàng cũng biết, vì vào thứ năm hàng tuần, khi thông báo thực đơn cho khách, công ty phải xuất trình giấy kiểm dịch thú y đối với thịt trâu. Tuy nhiên, khách hàng của công ty đều không biết công ty cung cấp các món ăn thịt bò được làm bằng thịt trâu như giải trình của công ty. Họ rất bất bình với hành vi gian dối này và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định.
Đặc biệt, hai công ty lớn ở Bình Dương ký hợp đồng với Công ty An Thái từ năm 2014 - 2015 đến nay đều yêu cầu Công ty An Thái xuất trình giấy tờ về nguồn gốc nguyên liệu, thực phẩm và giấy kiểm dịch đối với những món ăn liên quan đến thịt gia súc, gia cầm. Như Công ty Y. cung cấp cho cơ quan điều tra nhiều giấy kiểm dịch do Công ty An Thái gửi đến, trong đó có một mẫu cùng số seri cấp cho nhiều ngày trong năm 2016.
Qua xác minh tại các trạm thú y, những mẫu giấy kiểm dịch trên đều do các đơn vị này cấp, nhưng có nhiều thông tin sai lệch với bản gốc như: ngày, tháng, năm cấp bị sửa đổi; sai về mặt hàng kiểm dịch (có giấy ghi chả lụa bị sửa thành thịt bò, thịt trâu đông lạnh Ấn Độ thành thịt bò, đùi gà thành thịt bò).
Ông Vy Cường Thịnh - Giám đốc Công ty An Thái thừa nhận với cơ quan chức năng về việc công ty có sai phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm như: sử dụng cá trê, thịt gà, đường cát nhập khẩu nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt; trứng gà, chả cá, chả lụa không rõ nguồn gốc.
Đặc biệt, ông Thịnh còn chỉ đạo nhân viên sơ chế thịt trâu Ấn Độ thành các món thịt bò rồi bán cho khách hàng từ năm 2008 đến nay vì giá thịt trâu thấp hơn thịt bò 1,5 lần. Các giấy kiểm dịch thú y về thịt bò do Công ty An Thái cung cấp cho một số khách hàng có ký hợp đồng đều được làm giả, nhằm che giấu việc bán thịt bò giả, hưởng lợi bất chính.
Mỗi tháng, Công ty An Thái chỉ sử dụng khoảng 10kg thịt bò tươi để chế biến món phở tái, còn lại các món thịt bò như: bò lagu, bò xào, bò kho… được sử dụng 100% từ thịt trâu Ấn Độ. Căn cứ theo hóa đơn và tường trình của ông Thịnh, cơ quan chức năng xác định tổng số tiền chênh lệch, thu lợi bất chính từ việc bán thịt bò giả là hơn 2 tỷ đồng.
Qua vụ việc trên, phần nào trả lời được câu hỏi hàng tấn thịt trâu được nhập về TP.HCM mỗi ngày đi đâu và bị “hô biến” thành những món ăn gì? Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại kiểu như trên. Các công ty, xí nghiệp và công nhân cần tự bảo vệ mình bằng cách kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm cẩn trọng hơn.
Nguồn: Báo CA TP Hồ Chí Minh