Gia đình xã hội

Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

08:34, 05/01/2016 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động đến nay đã trải qua 20 năm. Nhìn lại những kết quả mà tỉnh ta đã đạt được trong thời gian qua, mới thấy rõ những nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác mặt trận trên địa bàn. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp của chính quyền và các tổ chức thành viên, cuộc vận động đã được Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai thực hiện tại 100% khu dân cư, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong nhân dân.

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc                         trong thực hiện cuộc vận động
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động

Để cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” phát triển sâu rộng và thực sự đi vào cuộc sống, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của cuộc vận động tới cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức. Đồng thời, gắn công tác triển khai cuộc vận động với việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương. Sau 20 năm, với những cách làm sáng tạo, cuộc vận động đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong nhân dân, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế và chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp, vận động nhân dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục và mở rộng các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, nâng cao năng suất lao động, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt đời sống ở khu dân cư.

Tiêu biểu như cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, đề án xóa nhà dột nát, tạm bợ cho hộ nghèo. Toàn tỉnh đã huy động được trên 300 tỉ đồng, hỗ trợ xóa nhà tạm bợ cho 250.000 hộ nghèo và hỗ trợ về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc chữa bệnh, phục vụ quá trình học tập cho hàng chục nghìn người nghèo. Riêng giai đoạn 2013 - 2015, đã vận động số tiền gần 100 tỉ đồng phục vụ chăm lo Tết cho hơn 80.000 hộ nghèo, góp phần giảm hộ nghèo.  Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2005 là 32%, đến năm 2015 giảm xuống còn 7,5%.

Gắn cuộc vận động với phong trào xây dựng nông thôn mới, Ủy ban MTTQ các cấp đã lựa chọn những nội dung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình để phát động phong trào thi đua; vận động nhân dân hiến đất mở đường, xây dựng đời sống văn hóa, cơ sở hạ tầng, giữ gìn vệ sinh môi trường, qua đó từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 ước đạt trên 19.000 tỉ đồng. Nhân dân tự nguyện hiến trên 4,3 triệu m² đất để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng và công trình công cộng. Đến hết năm 2015, dự kiến 1 đơn vị cấp huyện và 114 xã (chiếm 27% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 12,5 tiêu chí/xã. 

Thông qua công tác tuyên truyền, Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động nhân dân tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, thực hiện quy ước, hương ước, tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở khu dân cư. Đến nay, nhiều khu dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đã xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; việc tổ chức cưới hỏi, ma chay và lễ hội có nhiều tiến bộ, theo hướng trang nghiêm, tiết kiệm và phù hợp với phong tục, tập quán địa phương. Bên cạnh đó, chú trọng chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện công tác dân số-KHHGĐ.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục không ngừng được nâng cao, số trường đạt chuẩn quốc gia tăng từ 41,9% năm 2010 lên 65% năm 2015. Đến nay, toàn tỉnh có 4.800 chi hội khuyến học, hơn 2.000 dòng họ thành lập ban khuyến học. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và thi đỗ vào các trường đại học ở Nghệ An luôn chiếm tỉ lệ cao, thuộc tốp đầu của cả nước. Công tác y tế, dân số, gia đình và trẻ em được Ủy ban MTTQ phối hợp với các cấp, các ngành quan tâm tuyên truyền và thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, duy trì tốc độ tăng dân số đạt hàng năm trên 1%.

Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh
Xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn tỉnh

Trong thời gian qua, thực hiện tốt Nghị định 79/CP của Chính phủ (nay là Pháp lệnh 34 của UBTV Quốc hội) về thực hiện dân chủ cơ sở, giữ gìn kỷ cương, sống và làm việc theo pháp luật, nhân dân ngày càng phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Công tác vận động chức sắc, chức việc; tiếp xúc, đối thoại, cung cấp thông tin chính thống cho các chức sắc tôn giáo nhằm hướng các hoạt động của họ tuân thủ pháp luật được chú trọng và đạt hiệu quả. Nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tôn giáo của bà con giáo dân ngày càng được đáp ứng một cách thiết thực, phù hợp với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng.

Tính đến tháng 3/2015, đã có 5.899/5.899 khu dân cư có quy ước được phê duyệt thực hiện; trong hệ thống Ủy ban MTTQ và các đoàn thể toàn tỉnh, có 346 mô hình được củng cố, xây dựng và đưa vào sử dụng ở các cấp. Ở cấp cơ sở, có 4.993 mô hình tự quản ANTT được duy trì và hoạt động tốt. Các tổ hòa giải, tổ liên gia tự quản ở địa bàn dân cư luôn phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ANTT. Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, các ngành thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền các cấp để có biện pháp giải quyết. Đồng thời, kịp thời phối hợp hòa giải một số vụ việc xảy ra đảm bảo có lý, có tình, góp phần làm giảm những bất hòa trong gia đình, nhờ đó tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt.

Hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”  đã được các cấp, các ngành quan tâm phối hợp thực hiện và trở thành phong trào của toàn dân. Bình quân mỗi năm, cả tỉnh đã ủng hộ, quyên góp quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền từ 12 - 15 tỉ đồng để xây mới, sửa chữa, nâng cấp hàng nghìn ngôi nhà tình nghĩa, tặng gần 50.000 sổ tiết kiệm cho các gia đình thương binh, người có công, phụng dưỡng suốt đời mẹ Việt Nam anh hùng. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện phát triển ngày càng rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng để ủng hộ, giúp đỡ những người thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống, nhất là những người già neo đơn, người tàn tật và trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam, người dân các vùng bị thiên tai, lũ lụt với số tiền hàng trăm tỉ đồng.

Thông qua các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đã hình thành lực lượng làm công tác xã hội ngày càng đông đảo mà nòng cốt là Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người mù… Nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo… ở trong và ngoài tỉnh đã tích cực hưởng ứng và có nhiều đóng góp quan trọng.

Nhìn lại 20 năm qua, có thể thấy, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ngày càng phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân hưởng ứng tham gia và đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trở thành động lực phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nghệ An ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Hằng Nga

Các tin khác