Theo một thông báo mới được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hôm 26/10, thịt đã qua chế biến có thể dẫn tới ung thư ruột trong khi thịt đỏ rất có thể là một nguyên nhân gây ra căn bệnh này.
Đồ nướng là thứ gây ung thư nhanh nhất |
Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), một đơn vị của WHO, đã đặt các món thịt qua chế biến như xúc xích và thịt nguội trong danh sách các chất có thể gây ung thư loại một. Danh sách này bao gồm cả các chất "có đủ chứng cớ gây ung thư" như thuốc lá, mi-ăng và khói xăng dầu.
"Với từng người, nguy cơ bị ung thư ruột khi ăn thịt qua chế biến sẽ là khá nhỏ, nhưng nguy cơ này sẽ gia tăng khi lượng thịt tiêu thụ tăng lên", tiến sĩ Kurt Straif của IARC khẳng định trong thông báo mới.
Thịt qua chế biến là gì?
Thịt đã qua chế biến (hoặc chế biến sẵn) là loại thịt đã được chế biến nhằm tăng thời hạn sử dụng hoặc thay đổi khẩu vị của món ăn chế biến từ thịt thông qua các phương pháp thủ công như hun khói, phơi khô, ướp muối hoặc chất bảo quản…
Tất nhiên, nếu bạn chỉ bỏ miếng thịt bò vào máy xay nhuyễn hay lấy dao bằm vụn ra thì không việc gì phải quan ngại vì đó không phải là loại thịt đã chế biến hoặc "biến đổi" trong ngữ cảnh mà WHO đề cập tới.
Lạp xưởng, một loại thịt đã qua chế biến | Bản quyền ảnh: Thinkstock |
Thịt chế biến ở đây bao gồm thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng, xúc xích chiên (nói chung là các loại xúc xích), thịt muối, thịt bò khô, thịt sấy / giăm bông, thịt hộp, các loại thịt nguội… và các loại thịt chế biến sẵn trong công nghiệp thực phẩm nói chung cũng như nước sốt chứa thịt đã chế biến.
Phân loại tác nhân gây ung thư
Cụ thể ở đây là các hóa chất được dùng trong quá trình chế biến sẽ tăng nguy cơ gây ung thư. Ở nhiệt độ cao khi nấu nướng, như sử dụng trong lò nướng, cũng có thể tạo ra các chất gây ung thư.
Các món thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu đã được xếp vào nhóm 2A bao gồm các chất "có thể gây ung thư, với số lượng bằng chứng chưa nhiều", vốn bao gồm cả glyphosate, một loại chất diệt cỏ khá phổ biến. Các loại thịt đỏ có liên quan chủ yếu tới ung thư ruột, song theo nghiên cứu của IARC các chất này có liên hệ cả với ung thư tủy và ung thư tuyến tiền liệt.
Phân loại các sản phẩm thịt đỏ và thịt đã qua chế biến. |
Theo thông báo của IARC, "các chuyên gia đưa ra kết luận rằng 50 gram thịt đã qua chế biến mỗi ngày sẽ khiến tăng nguy cơ ung thư kết tràng tăng lên 18%". Thông báo này được đưa ra sau khi IARC thực hiện thống kê 800 nghiên cứu độc lập. Trong lần đầu tiên so sánh nguy cơ ung thư đến từ thịt, IARC không so sánh mức độ gây ung thư của các vật phẩm, do đó thông báo này không bao gồm các kết luận dạng như "ăn thịt thì nguy hiểm tương tự hút thuốc".
Hiện tại, một số nước đã đề ra các chính sách sức khỏe kêu gọi người dân hạn chế thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, nhưng IARC cho biết các chính sách này chủ yếu được đề ra để giải quyết các vấn đề về bệnh tim và bệnh béo phì.
Theo một thông báo mới được tổ chức Y tế Thế giới WHO, thịt đã qua chế biến có thể dẫn tới ung thư ruột, trong khi thịt đỏ rất có thể là một nguyên nhân gây ra căn bệnh này. |
Tệ đến mức nào?
WHO đưa ra bản báo cáo này dựa trên những khuyến cáo của Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc tế, nơi đã đưa ra các đánh giá và chứng cứ khoa học tốt nhất hiện nay.
Giờ đây thịt chế biến sẵn được liệt vào trong danh mục nguy hiểm tiềm tàng tương tự như chất phóng xạ plutonium, trước đó rượu cũng được họ đích danh chỉ rõ là tác nhân gây ung thư.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thịt chế biến sẵn quá nguy hiểm tương tự như rượu hay chất phóng xạ. Một miếng sandwich xông khói không tệ hại như những gì mà một điếu thuốc.
"Về phương diện cá nhân, nguy cơ phát triển ung thư ruột/trực tràng xuất phát từ thịt chế biến sẵn vẫn còn nhỏ, nhưng nguy cơ này sẽ tăng nhanh cùng với số lượng thịt (chế biến sẵn) mà bạn tiêu thụ hằng ngày", tiến sỹ Kurt Straif của Tổ chức WHO cho biết.
Khi chuẩn bị thực hiện nghiên cứu này, IARC đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ ngành chế biến thịt. Theo các công ty của ngành này, thịt là một phần quan trọng trong một chế độ dinh dưỡng cân bằng, và các nguy cơ ung thư phải được đánh giá ở mức độ rộng hơn, bao gồm cả các yếu tố môi trường và cách sống.
Thống kê tỷ lệ gây ung thư từ các tác nhân. Nguồn: Trung tâm nghiên cứu ung thư Anh |
Một nghiên cứu được IARC trích dẫn từ Dự án Gánh nặng Sức khỏe Toàn cầu bao gồm 1.000 nhà nghiên cứu cho thấy, ước tính mỗi năm trên thế giới có khoảng 34.000 ca ung thư có liên quan tới chế độ dinh dưỡng có quá nhiều thịt đã qua chế biến.
Con số này vẫn khá nhỏ so với mức 1 triệu ca tử vong vì ung thư do hút thuốc lá, 600.000 ca tử vong do nghiện rượu và 200.000 ca do ô nhiễm không khí. Trong trường hợp xác nhận được mối liên hệ giữa thịt đỏ và ung thư, Dự án Gánh nặng Sức khỏe Toàn cầu cho rằng loại thực phẩm này có thể gây ra khoảng 50.000 ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu.
Tác hại ít nhưng cần phải có chế độ ăn uống hợp lý
Giáo sư Tim Key của Trung tâm Nghiên cứu Ung thư nước Anh và Đại học Oxford cho biết: "Phát hiện này không có nghĩa là bạn buộc phải dừng ăn các loại thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn, mà chỉ đưa ra cảnh báo cho biết, nếu bạn đang ăn nhiều thịt chế biến sẵn thì bạn cần tìm cách cắt giảm và cân bằng lại chế độ ăn uống.
Ăn một miếng thịt xông khói một lúc nào đó thì không có gì đáng phải lo ngại. Thứ bạn cần là phải tạo ra một thói quen và một chế độ ăn uống lành mạnh, có kiểm soát".
Chế độ ăn uống giàu chất xơ và rau quả tốt cho sức khỏe |
Tiến sỹ Teresa Norat, đến từ trường Imperial College London và cũng là một trong những cố vấn của bản báo cáo mà WHO vừa đưa ra cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra ung thư đường ruột chứ không chỉ liên quan tới thịt đã qua chế biến.
Cô chia sẻ trên trang BBC News: "Mọi người không chỉ cần phải điều tiết và giới hạn mức tiêu thụ thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, mà chúng ta còn phải có một chế độ ăn uống giàu chất xơ từ cây trái và rau quả, duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp với cuộc sống, hạn chế tiêu thụ rượu beer và tăng cường các hoạt động thể chất, đó là những thứ thực sự mang lại lợi ích cho sức khỏe lâu dài".
Trong khi đó, Cơ quan về thực phẩm thịt của Mỹ cũng đưa ra lời khuyên, "tránh thịt đỏ trong chế độ ăn uống không phải là một chiến lược bảo vệ bạn tránh khỏi ung thư". Trọng tâm của tác nhân gây ung thư vẫn nằm ở rượu beer, thuốc lá và cân nặng cơ thể của bạn.