Gia đình xã hội

'Gia đình tốt thì xã hội mới tốt'

10:27, 27/06/2015 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Gia đình là tế bào của xã hội. Một nền tảng gia đình tốt và hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hòa, bền vững của xã hội. Vì vậy, việc xây dựng gia đình mới là một trong những vấn đề quan trọng của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài chức năng duy trì nòi giống, thì chức năng giáo dục, hình thành nhân cách và chức năng xã hội của gia đình là những yếu tố quyết định giúp các thành viên tìm được chỗ đứng của mình trong cộng đồng xã hội. Đó cũng chính là nhân tố thúc đẩy xã hội ngày càng đi lên, nghĩa là “gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.

Chính vì vậy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến gia đình và giáo dục gia đình. Theo Người, mỗi con người Việt Nam chỉ có thể được trang bị những phẩm chất đạo đức tốt đẹp nếu có một môi trường xã hội tốt. Môi trường đó trước hết là từ mỗi gia đình. Các gia đình có trách nhiệm  “dạy người dạy chữ”, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cung cấp cho xã hội những công dân có ích. Đây chính là bộ phận nguồn nhân lực có đầy đủ năng lực và phẩm chất đạo đức dựng xây xã hội mới tốt đẹp hơn.

Mặt khác, những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như truyền thống yêu nước, yêu quê hương, hiếu học, cần cù, chịu khó, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, gan dạ, dũng cảm, kiên cường vượt qua khó khăn… được hình thành, gìn giữ và lưu truyền, phát huy trong mỗi gia đình Việt Nam. Vì vậy, muốn có một xã hội lành mạnh thì bản thân mỗi gia đình phải có nền tảng tốt, để các thế hệ sau tiếp thu những tinh hoa văn hóa tốt đẹp, hình thành nhân cách, lối sống, ứng xử…

Vậy nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Theo lời dạy của Người, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thì nhiệm vụ  Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mục tiêu được Đảng và Nhà nước đặt lên hàng đầu. Việc “Giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam; coi trọng xây dựng gia đình văn hóa; xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa gia đình, nhà trường và xã hội” là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên được quan tâm.

Từ đó, nhiều phong trào có ý nghĩa về gia đình được đẩy mạnh như: phát triển dịch vụ cộng đồng; xã hội hóa công tác gia đình; phòng, chống bạo lực trong gia đình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình; đưa kiến tức gia đình vào trường học…

Cùng với cả nước, tại Nghệ An, các ban ngành liên quan đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện công tác xây dựng gia đình. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh mục tiêu xã hội hóa công tác gia đình, củng cố hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ rộng khắp các phong trào như: “Ngày vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; các mô hình: “ Tín dụng gia đình”, “Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”…

Thế nhưng, trong tình hình hiện nay, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền đã tạo điều kiện cho các tệ nạn xã hội đang tiến công mạnh mẽ vào các gia đình. Từ đó, tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử…gia tăng; nhiều giá trị đạo đức tốt đẹp trong gia đình đang xuống cấp trầm trọng. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, bạo lực gia đình, HIV/AISD…đang là những vấn đề nổi cộm hiện nay.

Vì vậy, xây dựng gia đình là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Bởi lẽ, gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt”.

Minh Thụ

Các tin khác