Gia đình xã hội

Vợ liệt sĩ hơn 40 năm chưa được hưởng chế độ

08:44, 28/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Sống trong nỗi cô đơn suốt hơn 40 năm qua, người vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn là bà Dương Thị Đàn (SN 1944) trú tại xóm 19/8, xã miền núi Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu đến nay vẫn chưa được hưởng một chế độ chính sách gì. Và đến giờ, sau hơn 20 năm mòn mỏi trông chờ, ước mong cuối đời của bà là được Đảng, Nhà nước công nhận vợ liệt sĩ. 
 
Bà Dương Thị Đàn sinh ra và lớn lên tại xã Thanh Tài, huyện Thanh Chương. Năm 1961, theo chủ trương khai phá vùng kinh tế mới, bà xung phong đi công nhân cho Nông trường Bến Nghè thuộc xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu. Tại đây, bà đã gặp và kết duyên cùng ông Nguyễn Văn Huấn ở xóm 4, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, cũng là công nhân Nông trường. Đến năm 1964, bà sinh được cô con gái đầu lòng Nguyễn Thị Thủy. Năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Huấn lên đường nhập ngũ, tham gia chiến trường B, Sư đoàn 324, kết nạp Đảng vào tháng 5/1967. Đến ngày 28/5/1968, ông đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị.
Bà Dương Thị Đàn bên di ảnh của chồng
Bà Dương Thị Đàn bên di ảnh của chồng
Thời điểm đó, giấy báo tử của ông Huấn đã được đơn vị gửi về cho mẹ là bà Nguyễn Thị Bản ở xã Diễn Hạnh, sau đó được gửi lại Nông trường Bến Nghè, nơi có vợ và con gái của liệt sĩ Huấn sinh sống. Tại đây, chính quyền địa phương, bạn bè đã làm lễ truy điệu cho ông. Suốt thời gian đó, bà Đàn luôn cất giữ cẩn thận giấy báo tử và bức ảnh chân dung của ông mà đơn vị gửi về. Tuy nhiên, vào năm 1987, do trận lũ lịch sử đã cuốn đi đồ đạc và những di vật còn lại của ông Huấn.
 
Bà Đàn xúc động nói: “Khi ông đi chiến đấu và hy sinh, đơn vị có giấy báo tử gửi về đàng hoàng. Tôi luôn cất giữ trong tủ cẩn thận. Thế nhưng năm đó lũ lớn quá, tôi được dân quân đưa đi sơ tán. Hết lụt, tôi về thì nhà đã sập. Hồi đó, nhà trét bằng đất, gặp nước nhão ra đổ sập đè cả tủ đồ đạc. Sau khi dọn nhà, tôi cố bới đất tìm lại các giấy tờ của chồng nhưng đã nát hết, giấy tờ cũng mất luôn”.
 
Sau ngày đất nước được giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để báo đáp công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Bà Đàn đã lặn lội đi xin xác nhận của chính quyền, đồng đội còn sống của ông để làm chế độ. Tuy nhiên, mọi giấy tờ đã mất nên hồ sơ của bà không hợp lệ. Mãi đến năm 2013, khi Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 28 của Bộ LĐTB&XH về việc hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ.
 
Một lần nữa, bà lại cùng con rể gõ cửa từng cơ quan, đơn vị để hoàn thiện thủ tục. Và rất may mắn, vào tháng 5/2013, gia đình đã tìm thấy tên của ông Nguyễn Văn Huấn được ghi trên danh sách liệt sĩ tại bảng vàng truyền thống của Sư đoàn 324. Sau đó lại tìm được trích lục hồ sơ quân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn tại Cục Cán bộ, Bộ Quốc phòng. Khi hồ sơ đã hoàn thiện theo các thông tư hướng dẫn, gia đình đã nộp hồ sơ xuống Ban chỉ huy Quân sự huyện Quỳnh Lưu, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
 
Anh Lê Thanh Huyền, con rể bà Đàn cho biết: Gần 20 năm tôi lặn lội đi tìm các nguồn gốc giấy tờ liên quan để làm chế độ hưởng vợ liệt sĩ cho mẹ vợ nhưng không được. Đến năm 2013, khi có Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 28 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn làm các thủ tục hưởng chế độ, tôi và mẹ đã lên Sư đoàn 324 và tìm được tên bố tôi ghi trên danh sách liệt sĩ tại bảng vàng nhà truyền thống và hồ sơ trích lục quân nhân của bố tôi tại Phòng Chính sách, Cục Chính trị, do Đại tá Nguyễn Trung Thắng, Trưởng phòng Chính sách, Cục Cán bộ xác nhận. Theo Nghị định 31 và Thông tư 28, chúng tôi đã hoàn thiện các thủ tục gửi về Ban CHQS huyện và gửi lên Tỉnh đội. Tuy nhiên, đã 1 tháng 20 ngày mà vẫn chưa có tin tức hồi âm của Tỉnh đội.
 
Điều đáng nói ở đây là, sau khi tìm được các căn cứ quan trọng xác nhận ông Nguyễn Văn Huấn là liệt sĩ, được chính quyền xã Tân Thắng chứng nhận đầy đủ giấy tờ, Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu cũng tiếp nhận hồ sơ gửi Bộ CHQS tỉnh Nghệ An. Theo quy định, khi nhận được đơn thư, ý kiến của nhân dân, các cấp thẩm quyền phải phản hồi ít nhất trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng trôi qua, hồ sơ đề nghị hưởng chế độ vợ liệt sĩ của bà Dương Thị Đàn vẫn bặt vô âm tín. Đặc biệt, ngày 25/11 vừa rồi, anh Huyền có gọi điện xuống cho ông Trần Văn Thư, Phòng Chính sách Huyện đội Quỳnh Lưu để hỏi thăm tình hình thì nhận được câu trả lời là “cán bộ chính sách của Tỉnh đội nghỉ phép 1 tháng nên chưa làm”.
 
Năm nay, bà Dương Thị Đàn đã tròn 70 tuổi, sức khỏe đã kém dần. Tuy nhiên, khát vọng đi tìm danh dự cho chồng vẫn không nguôi trong lòng bà. Và ước nguyện cuối đời của bà chính là được Đảng và Nhà nước công nhận là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Huấn. Rất mong các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xem xét hồ sơ, thẩm định và có câu trả lời sớm nhất cho gia đình bà Đàn.

Như Thủy

Các tin khác