Gia đình xã hội
Bia, rượu đang bóp chết thế hệ trẻ
09:18, 28/12/2014 (GMT+7)
Với 3 tỉ lít bia được tiêu thụ, Việt Nam hiện đang nằm trong danh sách 25 quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới. Ngoài ra, theo dự đoán của Bộ Công thương, đến năm 2015 sản lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam có thể đạt 4,2 - 4,5 tỉ lít. Đó là những con số rất khả quan đối với những người làm kinh doanh, nhưng lại là vấn đề gây đau đầu cho những người làm công tác quản lý xã hội bởi những hệ lụy nghiêm trọng mà bia rượu gây ra.
Người Việt đang lạm dụng rượu bia quá nhiều |
Ra ngõ gặp... quán nhậu
“Sài Gòn bây giờ nhiều quán nhậu quá!”, đó là lời một anh bạn Việt kiều trở về quê hương sau gần 10 năm xa cách. Câu nói của người xa quê bất chợt khiến tôi chạnh lòng suy nghĩ. Nếu như hơn 10 năm trước, đa số các quán nhậu chỉ tập trung tại khu vực trung tâm thì hiện nay, khắp nơi trên địa bàn thành phố kể cả hang cùng ngõ hẻm đều xuất hiện quán nhậu.
Từ những nhà hàng sang trọng, các làng nướng rộng mênh mông, các quán nhậu bình dân đến cả quán ốc vỉa hè cũng thu hút một lượng lớn dân nhậu tìm đến. Từ lâu, các nhà hàng tại khu vực Lê Ngô Cát, Điện Biên Phủ (quận 3), Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu (quận 1)... đã được giới dân chơi rỉ tai nhau không chỉ bởi dàn tiếp viên trẻ đẹp mà còn vì những món đặc sản thú rừng không “đụng hàng”. Ngoài những động vật rừng như nhím, cheo, chồn, mễn... thì đủ loại chim trời cá nước cũng được các quán này đưa vào thực đơn với giá dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/kg. Dĩ nhiên, đi kèm theo các món độc này là những chai rượu ngoại đắt tiền, khiến cho mỗi hóa đơn thanh toán không dưới chục triệu đồng!
Trong khi đó, những khu “phố ăn nhậu” như Thành Thái, Nguyễn Tri Phương (quận 10), Trần Hưng Đạo B (quận 5), Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Nguyễn Thị Thập (quận 7), khu Trung Sơn, tuyến bờ kè kênh Nhiêu Lộc... đã trở thành địa điểm quen thuộc để giới trẻ tìm đến mỗi khi đêm về. Mệnh danh là “khu đất vàng” của quận 10, khoảng vài năm trở lại đây, các quán nhậu nằm trên đường Thành Thái được dân nhậu biết đến bởi giá cả khá bình dân và đội ngũ nhân viên phục vụ rất biết chiều khách. Với phương châm “khách hàng là thượng đế”, các quán nhậu này sẵn sàng phục vụ từ chiều đến tận sáng sớm hôm sau.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến khu vực đường Trần Hưng Đạo B (đối diện Trung tâm Văn hóa quận 5). Chỉ một đoạn ngắn chưa đầy 500m nhưng đã có đến trên chục quán nhậu chen chúc hoạt động thâu đêm suốt sáng. Còn tại đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), mặc dù diện tích mặt đường khá nhỏ hẹp hàng ngày từ khoảng 19 giờ trở đi, các quán nhậu tại đây bắt đầu bày biện bàn ghế tràn xuống cả lòng đường để phục vụ “thượng đế”. Có thể nói, chưa bao giờ trào lưu mở quán nhậu lại phát triển một cách nhanh chóng và rầm rộ như hiện nay. Dù chưa có thống kê chính thức từ các cơ quan chức năng, thế nhưng theo ước tính, số quán nhậu trên địa bàn thành phố hiện nay phải lên đến hàng ngàn.
Hệ lụy nặng nề
Vui mừng, buồn nhậu, xả xui, thậm chí không vui không buồn cũng nhậu! Không biết từ bao giờ thói quen đó đã dần trở thành một nét “văn hóa” của người Việt?! Nhưng phía sau “đặc trưng” văn hóa kỳ cục ấy là những hệ lụy nặng nề mà bia rượu đã và đang gây ra cho xã hội.
Càng nguy hiểm hơn khi thứ “văn hóa” đó đang giết dần nhiều thế hệ trẻ chúng ta. Dạo một vòng quanh làng đại học Thủ Đức, chúng tôi không khỏi giật mình bởi số lượng quán nhậu cũng như mức độ ăn nhậu của các sinh viên tại đây. Gần 50 quán nhậu lớn nhỏ mọc lên chen chúc nhau nhưng chỉ có duy nhất một nhà sách để phục vụ cho việc học tập (?!).
Một ngày trung tuần tháng 12, có mặt tại khu vực làng đại học, chúng tôi không khỏi “choáng” bởi tửu lượng của các sinh viên thời nay. 19 giờ, hàng chục quán cóc dọc theo tuyến đường nội bộ cạnh trường Đại học TDTT bắt đầu nườm nượp khách ra vào. Nhìn vẻ mặt ủ rũ của một nam sinh viên ngồi bàn bên cạnh, cùng với những lời an ủi “thôi đừng buồn nữa, chia tay đứa này thì tìm đứa khác!” của nhóm bạn, chúng tôi cũng phần nào đoán được lý do có cuộc nhậu này. Gần đó, một nhóm 7-8 sinh viên khác cũng đang say sưa “chén chú chén anh”. Bất chợt, một giọng nữ vang lên: “Chúc mừng cả nhóm tụi mình đã vượt qua được đợt kiểm tra vừa rồi! Cạn ly!...”, rồi cả nhóm cùng nâng ly hò hét hưởng ứng. Cứ như thế, cuộc vui của các sinh viên kéo dài suốt nhiều giờ với những tiếng cụng ly chan chát.
21 giờ một ngày cuối tuần, theo chân nhóm bạn, tôi tìm đến quán D. (nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5) mà từ lâu trở thành một địa điểm quen thuộc đối với dân nhậu đêm. Toàn bộ phần vỉa hè rộng gần chục mét đều được chủ quán tận dụng để xếp bàn ghế phục vụ khách. Khách của quán này đa số là giới trẻ, trai có, gái có, thậm chí cả những thành phần của giới tính “thứ ba”. Ngồi cạnh chúng tôi là một nhóm sáu thanh niên đang say sưa nói chuyện, dưới bàn là hai két Sài Gòn đỏ chỉ còn vỏ chai. Thỉnh thoảng lại vang lên vài tiếng chửi thề rồi cả đám thanh niên cùng phá ra cười. Đang nhìn khắp xung quanh, tôi chợt bị thu hút bởi một cô gái tuổi chừng đôi mươi, khuôn mặt khá xinh vừa bước vào quán.
Anh nhân viên phục vụ liền nhanh nhẹn đưa cô đến lấy bàn. Sau khi gọi vài món ăn cùng một “khung Ken”, Ngọc L. - tên cô gái, liền lấy điện thoại cảm ứng đắt tiền ra gọi cho bạn bè: “Hôm nay tao có chuyện buồn, tụi bây rảnh không, ra quán D. ngồi chơi với tao!”. Nửa tiếng sau, bốn anh bạn theo lời gọi của L. đã có mặt để chia sẻ cùng người đẹp. Cả nhóm liền nâng ly cho vơi cạn nỗi sầu. Cứ như thế, hết ly bia này đến ly bia khác lần lượt được L. uống cạn, đến khi nhìn lại thì két Ken cũng chỉ còn vỏ chai trống rỗng nằm lăn lóc dưới bàn.
Đó là chưa kể đến một mô hình câu lạc bộ “nốc” bia đang dần hình thành lớn mạnh ở TPHCM hiện nay nhằm phục vụ các bợm là dân chơi... trẻ. Loại hình này tuy mới xuất hiện trong thời gian, ngắn nhưng lại được các đệ tử lưu linh nhiệt tình ủng hộ. Từng chứng kiến cảnh một câu lạc bộ bia tổ chức khai trương linh đình tại đầu đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp), người viết không khỏi ngỡ ngàng trước “trình độ” uống bia siêu việt của giới trẻ chúng ta hiện nay. Cả một không gian rộng lớn với sức chứa hàng nghìn người trong phút chốc được các bợm lấp đầy. Gần trăm nhân viên phục vụ mồ hôi nhễ nhại chạy đi chạy lại nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu từ thực khách. Tương tự, tại các địa bàn quận Tân Phú, Q10, Bình Thạnh..., thực trạng nhiều bạn trẻ sau giờ làm vùi đầu vào bia, rượu đã không còn xa lạ với người dân thành phố.
Cần biện pháp hạn chế
Theo thống kê, nếu như 10 năm trước Việt Nam chỉ tiêu thụ 1,29 tỉ lít bia/năm thì chỉ sau một thập niên, con số này đã tăng hơn 230%, một tốc độ chóng mặt! Chính sự tăng trưởng đáng nể này đã thu hút hàng loạt nhà đầu tư tham gia vào thị trường bia, bất chấp kinh tế suy thoái. Ước tính hiện nay nước ta có khoảng 30 thương hiệu bia với hơn 400 nhà máy sản xuất. Riêng về nhập khẩu, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, chúng ta đang nhập khẩu từ 3,6 - 4 triệu lít/năm. Ngoài ra, mỗi năm người Việt cũng “nốc” khoảng 68 triệu lít rượu.
Tuy nhiên đó chỉ là trên lý thuyết, còn thực tế chắc chắn sẽ không dừng lại ở những con số này bởi hàng năm đều có một lượng lớn bia rượu nhập lậu qua đường biên giới! Khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: Để giữ gìn sức khỏe, nam giới không nên dùng quá hai đơn vị rượu bia và nữ không quá một đơn vị mỗi ngày (mỗi đơn vị tương đương một cốc bia hơi, 2/3 chai hay lon bia, 100ml vang hoặc 30ml rượu mạnh 40 độ). Trong khi đó, tại Việt Nam hiện nay có đến 90% nam giới uống rượu bia và 25% trong số đó sử dụng quá năm đơn vị rượu bia mỗi ngày.
Có lẽ không cần phải nói nhiều về tác hại cũng như những hậu quả mà bia rượu gây ra. 60% số vụ tai nạn giao thông, 68% số vụ bạo lực gia đình và 38% số vụ gây rối trật tự an toàn xã hội đều xuất phát từ nguyên nhân lạm dụng bia rượu. Đó là chưa kể việc bia rượu cũng gây ra những căn bệnh mãn tính về thần kinh, gan, bao tử... đối với bản thân, từ đó trở thành gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội. Ngoài ra, theo tính toán, chúng ta cũng đã tiêu tốn khoảng 60.000 tỉ đồng cho việc uống bia. Đặt giả thiết nếu sử dụng số tiền đó cho việc đầu tư xây dựng các công trình an sinh xã hội hoặc các lĩnh vực kinh tế khác thì hiệu quả chắc chắn sẽ rất lớn.
Vì vậy, có thể nói việc kiềm chế tốc độ tiêu thụ bia rượu đang là một bài toán khó đối với những người làm công tác quản lý xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp hiệu quả nhất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, tăng như thế nào để các doanh nghiệp không lao dốc cũng là một vấn đề nan giải! Theo một số chuyên gia, trước tiên Nhà nước cần phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo hạn chế không cho bia rượu nhập lậu rồi mới tăng thuế theo lộ trình cụ thể từng năm.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện đầy đủ những quy định của Nhà nước về việc sản xuất và tiêu thụ bia rượu (như quy định về độ tuổi, thời gian và điều kiện cụ thể như thế nào mới được uống bia...). Có như vậy mới phần nào hạn chế được tình trạng lạm dụng bia rượu tràn lan như hiện nay!
Nguồn: Báo CA TP.HCM