(Congannghean.vn)-Cứ vào dịp tháng tám âm lịch hằng năm, tại nhiều địa phương trong tỉnh lại có phong trào “tận diệt” chim trời. Đây là việc làm mưu sinh mang lại thu nhập cho người dân nhưng gây ra nhiều hậu quả về môi sinh, môi trường, đặc biệt là trong việc bảo vệ đàn chim, cò tự nhiên đang ngày càng mất dần.
Mỗi ngày có hàng nghìn con chim, cò bị thợ đánh bắt và đưa đi tiêu thụ ở các chợ, nhà hàng… Tại nhiều xã ở các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành đang có nhiều bẫy chim, cò được người dân đặt sẵn trong bụi cây, trên cánh đồng hoặc dùng súng để săn bắn. Do dụng cụ và cách đánh bắt chim, cò đơn giản, không phải chi phí tốn kém lại có thu nhập nên thu hút nhiều người tham gia. Riêng ở xã Diễn Lộc, huyện Diễn Châu có tới 12 bẫy đánh bắt chim, cò, chưa kể các xã khác trong huyện.
Ông Cao Văn Lục, một thợ bẫy nổi tiếng trong xã cho biết: “Vào mùa này, bắt đầu từ ngày bạch lộ (15/8 âm lịch), các loại chim, cò, vạc về các cánh đồng hoặc bãi ven sông để kiếm ăn rất nhiều. Vì vậy, người dân ở nhiều vùng đều tiến hành đánh bắt chúng. Công việc đơn giản, ít kinh phí nhưng hiệu quả kinh tế cao.
Chỉ cần cắm những thanh tre phết đầu phía trên một loại keo dính và đầu kia cắm xuống đất, ở đó có những chú cò giả bằng tre hoặc gỗ và một vài con cò thật bị cột chân đặt ngay giữa bãi bẫy cò, bằng một sợi dây dài để người săn giật giật làm mồi nhử chim thật bay xuống. Khi thấy cò phía dưới đang vỗ cánh, đàn cò trên trời liền hạ cánh xuống, ngay lập tức bị dính phải lớp nhựa trên thanh tre không thể thoát ra được. Cứ thế, có thợ cắm hàng trăm chiếc thanh như vậy”.
Tại các chợ huyện Diễn Châu, chim, cò được bày bán rất nhiều |
Mỗi ngày, số lượng cò bẫy được nhiều hay ít tùy thuộc vào thời tiết. Hôm nào có mưa bão hay động trời thì bắt được nhiều hơn. Có ngày, một người thợ đánh cò bẫy được cả trăm con. Giá cò đen đắt hơn cò trắng do thịt thơm ngon hơn, từ 40.000 đồng/đôi đến 60.000 đồng/đôi, còn chim nhỏ là 20.000 đồng/đôi. Tính ra, mỗi ngày những người thợ như ông Lục cũng kiếm được 500.000 - 1.000.000 đồng, có hôm may mắn thì nhiều hơn thế.
Những chú chim, cò bẫy được đem ra chợ bán lại cho các chủ buôn, sau đó bị vặt trụi lông trong khi chúng vẫn đang còn sống. Có nơi chúng còn bị thợ săn bắn bị thương và đem nướng vàng bán khắp chợ. Điều đặc biệt là khách đến mua cò rất đông, người thì mua một đôi, có người mua một lúc cả chục con. Vì được khen là thịt thơm ngon và béo nên khiến cho chúng càng bị “tận diệt”, không kể lớn hay bé.
Chị T., một người thu mua cò tại chợ Sy Nam (Diễn Châu) cho biết: “Từ đầu mùa đánh bắt tới giờ, hôm nào cũng có chim, cò để bán. Tại đây có rất nhiều người bán, nguồn hàng nhập về chủ yếu ở các xã xung quanh. Do gần biển và có nhiều cánh đồng lúa nên việc đánh bẫy cò rất nhiều”. Không chỉ ở chợ Diễn Châu mà các chợ của 2 huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu cũng bày bán la liệt mặt hàng này. Với lượng tiêu thụ lớn như vậy, mới biết một ngày có hàng nghìn chú chim, cò đã bị “tận diệt” để làm thức ăn, mồi nhậu trong các nhà hàng, quán ăn.
Với việc “tận diệt” chim trời một cách không thương tiếc như hiện nay đã làm cho số lượng các loài chim giảm sút nghiêm trọng, mất cân bằng sinh thái. Thiết nghĩ, ngành chức năng cũng như các địa phương cần có giải pháp ngăn chặn.
.