(Congannghean.vn)-Đó là câu trả lời của ông Trần Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu về một số sai phạm trong việc sử dụng, quản lý nguồn tài trợ bê, nghé cho các hộ gia đình nghèo trên địa bàn huyện từ nhà tài trợ VinGroup.
Nhằm giúp các hộ nông dân nghèo trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cải thiện và phát triển kinh tế gia đình, năm 2013, Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn VinGroup đã hỗ trợ cho bà con 392 con bê giống. Tuy nhiên, do công tác quản lý yếu kém của các cấp chính quyền địa phương nên ngay sau khi nhận được bê, rất nhiều hộ dân đã đem bán đi để lấy tiền dùng vào mục đích khác.
Qua tìm hiểu của P.V Báo Công an Nghệ An, mấy năm qua, Tập đoàn VinGroup đã trao tặng 7.000 con bê cho các hộ nông dân nghèo trên địa bàn Hà Tĩnh. Riêng huyện Lộc Hà trong năm 2013, Tập đoàn đã trao tặng 392 con bê cho 12 xã, thị tứ trên địa bàn. Đối tượng được hỗ trợ bê hầu hết là các hộ nghèo, cận nghèo và những hộ làm nông nghiệp có điều kiện chuồng trại để nuôi.
Để quản lý nguồn tài trợ đến đúng đối tượng, UBND huyện Lộc Hà đã thành lập ban chỉ đạo từ xã đến huyện, có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi tình hình. Nếu có biến động ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển của đàn bê thì phải báo cho tập đoàn để xử lý.
Rất nhiều con bê được tài trợ trong số này đã bị đem bán |
Theo cam kết với nhà tài trợ, các hộ dân được nhận bê phải tích cực chăn nuôi để con giống phát triển tốt. Khi con giống trưởng thành sinh bê, nghé đầu tiên thì gia đình xin trao trả lại bê, nghé con cho Quỹ Thiện Tâm và ban chỉ đạo để chuyển giao, giúp đỡ gia đình khác.
Phương thức tài trợ gồm tài trợ trực tiếp bê hoặc cấp tiền cho các hộ dân tự mua với giá 9 - 10 triệu đồng/con. Các hộ dân sau khi nhận bê thì không được bán, không giết thịt, không làm mất, không thế chấp, không cho thuê, không để chết con giống được hỗ trợ.
Cam kết là vậy nhưng sau khi nhận được bê, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Lộc Hà đã lập tức đem bán để lấy tiền dùng vào việc khác.
Theo kết quả rà soát mới đây của Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, trong số 392 hộ được nhận tài trợ cuối năm 2013, đến nay có tới hơn 70 hộ vi phạm hợp đồng, trong đó số lượng bê bị bán hoặc không mua lên đến gần 60 con. Điển hình như gia đình anh Trần Hữu Mại, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Thạch Mỹ), hộ gia đình bà Vinh (xóm Xuân Khánh), anh Đào Chương (xóm Khánh Yên, xã Thạch Bằng), gia đình anh Hiển, gia đình chị Lài (thôn 16, xã Thạch Bằng)...
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Lương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà để tìm hiểu thêm về việc tại sao với sự chỉ đạo và giám sát “cao” của các cấp chính quyền mà vẫn xảy ra tình trạng phá hợp đồng của các hộ dân, gây ảnh hưởng đến “tấm lòng vàng” của Tập đoàn VinGroup.
Thế nhưng, vừa gặp P.V, ông Lương lập tức có thái độ không hợp tác. Ông phản ứng gay gắt khi cho rằng vấn đề này ngoài phạm vi của báo chí, báo chí không được phép tham gia vào.
Ông Lương còn đưa ra lý do không cung cấp thông tin chỉ vì nhà tài trợ không muốn. Và để minh chứng, ông Phó Chủ tịch huyện còn lấy máy điện thoại gọi cho một người thuộc nhà tài trợ và cố ý mở loa ngoài cho P.V nghe.
Trong cuộc nói chuyện này, người được giới thiệu là đại diện của nhà tài trợ liên tục yêu cầu chính quyền không được cấp thông tin về sai phạm cho báo chí, bởi đây chỉ là những rủi ro buộc các gia đình nhận được tài trợ phải dùng đến nguồn vốn ấy. Cuối cùng người này “ra lệnh”: “Dứt khoát anh không được thông tin gì cả, không nó lại phiền ra...”!
Thiết nghĩ, lòng hảo tâm thiện nguyện của Tập đoàn VinGroup là điều rất đáng trân trọng, được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và người dân nghèo cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng ghi nhận. Nhưng tiếc thay, chỉ vì một chút lợi nhỏ cũng như sự thiếu trách nhiệm của các cá nhân, các ban, ngành địa phương đã phụ “tấm lòng vàng” của nhà hảo tâm.