Sự nguy hiểm của bệnh Tay chân miệng là diễn tiến rất nhanh và có những dấu hiệu mà người nhà hoặc bác sĩ chưa đủ kinh nghiệm không thể nhận biết được.
Liên quan đến trường hợp một bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng, các xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, trẻ âm tính với chủng virus thường hay gây biến chứng nặng ở bệnh Tay chân miệng là chủng virus EV 71.
EV 71 là chủng virus gây ra đến 80% các biến chứng nặng ở trẻ bị bệnh Tay chân miệng. Tuy nhiên, với trường hợp cháu bé Trần Bảo Châu, 8 tháng tuổi bị tử vong vì biến chứng nặng của bệnh Tay chân miệng lại âm tính với chủng virus này.
Qua theo dõi hồ sơ bệnh án của trường hợp tử vong này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận định, đây là một trong những trường hợp không mang những dấu hiệu điển hình của bệnh Tay chân miệng. Chính vì thế, người nhà và bác sĩ điều trị đã không nhận ra những dấu hiệu của bệnh này.
Với những trường hợp không điển hình của Bệnh tay chân miệng, có thể nhầm lẫn với bệnh viêm họng cấp hay một số bệnh khác, nhưng vẫn có thể nhận biết qua một số dấu hiệu lâm sàng chứ không cần phải thực hiện các xét nghiệm.
Với các dấu hiệu như: trẻ giật mình, bị run tay run chân, đi đứng loạng choạng, thở nhanh, mạch nhanh, cao huyết áp, suy hô hấp, trụy tim mạch thì chắc chắn là trẻ đã bị biến chứng. Người nhà khi nhận biết những dấu hiệu này phải yêu cầu nhân viên y tế cho nhập viện điều trị ngay. Vì Tay chân miệng là bệnh có mức độ diễn tiến rất nhanh, thời gian theo dõi phải được tính theo giờ.
Trường hợp bé Trần Bảo Châu tử vong có thể do bác sĩ điều trị không phát hiện những vết loét trên cơ thể bệnh nhi vì khi nhập viện cấp cứu ở Bệnh viện Nhi đồng 1, cháu bé đã có những vết loét trong họng và nổi bóng nước ở vùng hậu môn, vùng mông.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, sự nguy hiểm của bệnh Tay chân miệng là diễn tiến rất nhanh và có những dấu hiệu mà người nhà hoặc bác sĩ chưa đủ kinh nghiệm không thể nhận biết được. Chẳng hạn trẻ rất tỉnh táo, vẫn ăn uống, vẫn chơi bình thường.
Người ta thường nghĩ con nít phải bỏ ăn, ngủ li bì trong khi bệnh Tay chân miệng không có triệu chứng đó mà là giật mình, run tay, run chân. Càng khó nhận biết hơn nữa nếu trẻ càng nhỏ. Mùa này đã bắt đầu tay chân miệng, đã có 1 ca tử vong rồi thì người dân phải hết sức cảnh giác.