Sự việc hàng nghìn cử nhân đội nắng, đội mưa đứng xếp hàng dài trên phố Giảng Võ chờ đến lượt nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội cũng như các tiêu cực trong việc thi tuyển công chức bị phát hiện trong thời gian qua là những vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Phóng viên ANTĐ đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ về vấn đề này.
Xếp hàng nộp hồ sơ thi tuyển công chức vào Cục Thuế Hà Nội |
- PV: Thưa ông, kỳ thi công chức năm 2014 tại Hà Nội, chỉ tiêu chỉ có 458 người nhưng có tới gần 4.000 thí sinh dự thi, có phải do con số hơn 72.000 tân cử nhân thất nghiệp đã khiến cho các kỳ thi trở nên khốc liệt?
- ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: Tôi cho rằng con số cử nhân thất nghiệp có thể còn cao hơn và ngày càng tăng vì mỗi năm các trường đại học, cao đẳng trên cả nước vẫn tiếp tục cho “ra lò” hàng trăm, hàng nghìn cử nhân. Mấy năm vừa qua, do suy thoái kinh tế nên số doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài ngừng hoạt động rất nhiều, nếu không phá sản thì cũng ở tình trạng phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng.
Tình trạng đó dẫn đến tình trạng thừa lao động hay còn gọi là nạn thất nghiệp. Trong tình trạng đó, việc đổ xô thi vào các cơ quan Nhà nước là tất yếu. Mặc dù đồng lương có hạn nhưng lại ổn định, công việc không vất vả và tính cạnh tranh hay sức ép trong công việc không cao. Hơn nữa, nếu vào được những cơ quan hay nhận được vị trí “béo bở” thì thu nhập cũng rất cao.
- Hàng nghìn người xếp hàng thi vào Cục thuế Hà Nội cũng là vì tâm lý đó?
- Có một số lĩnh vực mà công chức làm việc ở đó được hưởng ưu đãi của Nhà nước. Thuế là một lĩnh vực thuộc ngành tài chính. Ngoài các chế độ của công chức thì công chức thuế được hưởng hệ số lương gấp 1,8 lần công chức bình thường, đó là chưa kể các ưu đãi khác. Công chức thuế được giao thực thi pháp luật về thuế - một lĩnh vực mà nếu muốn tham nhũng hay tiêu cực cũng rất dễ. Theo một số người thì đây là một lĩnh vực “dễ kiếm tiền”. Thế nên người ta đổ xô thi vào đó cũng là điều dễ hiểu.
- Ông đánh giá thế nào về tình trạng chạy đua bằng cấp của công chức hiện nay?
- Đúng là lâu nay có tình trạng chạy đua bằng cấp của công chức Nhà nước. Ngoài lý do phải đáp ứng tiêu chuẩn thì việc chạy đua bằng cấp xuất phát từ việc sính bằng cấp của các cơ quan, tổ chức. Nhiều cơ quan, tổ chức đã đánh đồng bằng cấp cao với trình độ lý luận và chuyên môn nghiệp vụ mà không tính tới sự chuyên nghiệp hay chuyên môn sâu của từng vị trí công việc không đòi hỏi học hàm, học vị cao.
Đặc biệt, những người có bằng cấp cao hay được cất nhắc, đề bạt nên người ta lo đi học cũng là để hy vọng có cơ hội thăng tiến. Người có bằng cấp cao lâu nay cũng được hiểu đồng nghĩa với người tài và được một số ngành, một số địa phương ưu tiên trong tuyển dụng dưới danh nghĩa “thu hút nhân tài”. Đó cũng là lý do mà “nghèo cũng phải học lấy bằng tiến sĩ”.
- Các vụ sai phạm trong thi tuyển công chức như “lộ đề thi” ở Bộ Công Thương, “bôi trơn” khi công chức thi cao học ở Thanh Hóa gần đây làm dư luận bức xúc. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Trường hợp sai phạm ở Cục quản lý thị trường-Bộ Công Thương chỉ là một ví dụ cụ thể, nhưng nó minh chứng cho dư luận lâu nay về tình trạng “chạy việc” là có cơ sở. Điều này cũng nói lên rằng việc tổ chức thi tuyển dụng công khai của một số cơ quan, tổ chức chỉ là hình thức, nghe thì có vẻ rất đàng hoàng, nghiêm túc và đúng luật nhưng bản chất là sự “hợp lý hóa” việc đưa con, đưa cháu, người nhà hay người đã bỏ tiền ra “chạy” vào bộ máy, việc thi hoàn toàn chỉ để “diễn”.
Gần đây, khá nhiều cơ quan khi được giao biên chế hay có nhu cầu tuyển thêm người không tổ chức tuyển dụng ngay mà nhận người thân quen vào làm hợp đồng, sau một vài năm khi tổ chức tuyển dụng thì số công chức hợp đồng này đỗ hầu hết. Thậm chí nhiều cơ quan còn đặt ra tiêu chuẩn ưu tiên cho những công chức hợp đồng. Thử hỏi, nếu không có mối quan hệ nhất định thì có được tuyển vào làm hợp đồng không?! Câu trả lời đương nhiên là không!
Tôi cho rằng hiện tình trạng sai phạm trong tuyển dụng khá phổ biến và gần đây phát triển mạnh, có điều các sai phạm ít bị phát hiện và khi phát hiện lại xử lý không nghiêm khắc. Nếu tình trạng này cứ tái diễn thì con của một người dân bình thường khó có cơ hội làm việc trong các cơ quan Nhà nước và không biết đến bao giờ bộ máy Nhà nước mới có được những công chức thực sự có năng lực thông qua tuyển dụng.
- Làm sao triệt tiêu tâm lý cứ vào công chức là chắc chân, đuổi ra rất khó, “sáng cắp ô đi, tối cắp về”?
- Phải thay đổi cách quản lý và sử dụng công chức hiện nay. Thực hiện xây dựng vị trí việc làm đi đôi với đánh giá công chức một cách thực chất. Đây là quy định rất tiến bộ của Luật Cán bộ, công chức mà không mấy cơ quan thực hiện được. Lâu nay việc đánh giá hàng năm vẫn theo kiểu “tốt hết cả” mà không thấy đâu là năng lực, đâu là hiệu quả. Cần cải tiến cơ chế cho thôi việc và giao toàn quyền đó cho người có thẩm quyền sử dụng công chức nhằm tạo điều kiện cho việc loại những người yếu về trình độ, hạn chế về năng lực, làm việc không có hiệu quả ra khỏi bộ máy.
- Xin cám ơn ông !