Gia đình xã hội
Suy ngẫm từ 3 hiện tượng không bình thường
09:34, 20/08/2014 (GMT+7)
Nói đến lương công chức thường “ba cọc ba đồng” thì nay họ bị mất trộm tiền tỷ; còn một kì thi công chức "cấp Cục" hẳn hoi nhưng "lạ" đời: đi thi mà biết trước đề; rồi khi hàng chục nghìn cử nhân thất nghiệp trong cả nước đang mòn mỏi một chỗ làm thì một cán bộ cỡ “Phó phòng” nhân chuyến đi công tác nước ngoài trốn biệt luôn và đùng đùng hồi đơn về quê hương xin bỏ việc...
Hàng nghìn người nộp đơn thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội |
Ngày 8/8/2014, vị Giám đốc Sở Tài Nguyên & Môi trường TP.HCM khai báo mất 1 tỷ đồng tiền Việt và 30.000 USD. Nạn nhân cho biết, đây là số tiền mồ hôi, nước mắt do ông dành dụm nhiều năm mà có.
Khoảng 1 năm trước đó, ngày 10/9/2013, vị Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Định cũng bị trộm thăm nhà riêng lấy két sắt, tài sản giá trị nửa tỷ đồng. Sáng 3/7/2013, trộm đột nhập nhà một cán bộ văn phòng tỉnh Nghệ An lấy đi 57 lượng vàng cùng 50 triệu đồng. Cuối năm 2012, một quan chức ngành Tài chính phố núi Pleiku (Gia Lai) bị trộm lấy mất 3 tỷ đồng. Cũng tại địa phương này, bọn đạo chích từng cuỗm ngon lành 65 cây vàng vứt "tơ hơ" dưới gầm giường của một vị quan tỉnh. Và vụ trộm "khủng" hơn nữa xảy ra với vị cán bộ thuế quận Bình Chánh, TP.HCM, ông này bị trộm 6 tỷ đồng vào năm 2011…
Trên đây chỉ là những sự vụ được thông tin đại chúng "điểm danh" và là những vụ có khai báo, là phần nổi của "tảng băng chìm" của rất nhiều vụ cán bộ, công chức mất tiền mà không dám trình báo. Lý do không cần nói thì ai cũng hiểu vì… tế nhị(!). Chẳng có quan chức nào dại mà tự mua "phiền phức" vào thân từ những món "cò con" ấy so với những đống tài sản "chìm" đang nằm ở một nơi nào đó an toàn!
Từ các vụ việc trên cho thấy, cũng kha khá cán bộ, viên chức hiện nay đã qua lâu rồi cái thời "lương ba cọc ba đồng", nếu không muốn nói là hiện nay họ hưởng "lương khủng" lắm, thì mới có dư giả tiền tỷ mà mất trộm được. Và oái oăm thay, nghe chừng trộm lại rất khoái ghé thăm nhà viên chức để luôn được… vớ bẫm. Thậm chí còn là nơi hành sự an toàn vì khả năng gia chủ khai báo không cao.
Một người dân mất trộm nhiều tỷ ít ai "để ý", nhưng là lãnh đạo mà "mất nhiều tỷ đồng” sẽ bị thiên hạ nhòm ngó bình phẩm so sánh lượng tiền mất với khoản tiền lương công chức của ông này qua số năm công tác. Dư luận hoàn toàn có quyền nghi ngờ về nguồn tiền lớn mà các lãnh đạo, viên chức bị mất trộm.
Những vụ cán bộ, công chức mất trộm ở nhà hoặc ngay ở nơi làm việc với số tiền khủng so với đồng lương công chức đang cho thấy, phải xem lại việc thực hiện Nghị định 68 về minh bạch tài sản và thu nhập của cán bộ hiện nay. Nếu tài sản bị mất trộm có nguồn gốc minh bạch và đã được kê khai đủ, thì việc dư luận xì xào và nghi ngờ không nỡ khi người ta đang "buồn như mất két tiền”. Nhưng nếu nó vượt quá nhiều lần những con số đã kê khai, sẽ cho thấy việc kê khai và minh bạch còn quá xa vời!
Tuyển công chức kiểu “con ông thế chân ông”!
Tháng 10/2013, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tổ chức thi tuyển công chức với 299 thí sinh tham gia tuyển chọn để lấy 10 người. Tuy nhiên, sau khi kết quả công bố, nhiều đơn thư khiếu nại đã được gửi đến cơ quan chức năng tố giác việc lộ đề thi, 10 người đỗ là "người nhà" của người trong Cục QLTT. Sau đó, cơ quan chức năng đã có kết luận: “Trong đợt thi tuyển công chức trên có dấu hiệu vi phạm quy định của một số cán bộ Cục QLTT và một số thí sinh liên quan đến đề thi” (hay nói nôm là bị lộ đề thi – PV).
Cơ chế tuyển nhân tài theo kiểu "nhất thân nhì quen" như trên thì làm sao đảm bảo được chất lượng nguồn cán bộ đủ đức đủ tài để cáng đáng công việc đất nước? Trong khi hàng chục nghìn cử nhân có tài năng thực lực lại không được Cục QLTT trọng dụng.
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia” câu nói nổi tiếng của Tiến sĩ Thân Nhân Trung thời vua Lê Thánh Tông, nhưng nay mà đâu đâu cũng tuyển chọn hiền tài kiểu Cục QLTT hẳn làm tổn hại nguyên khí quốc gia nghiêm trọng khi mà đội ngũ cán bộ họ "che ô" để đưa vào không phải cạnh tranh bằng năng lực thật.
Một quốc gia muốn phát triển thực sự mạnh, bền, hưng thịnh phải có nguồn nhân tài đồng đều về cả lượng và chất. Mong sao sự vụ lần này chỉ như "con sâu bỏ rầu", để pháp luật có biện pháp xử lý nghiêm minh làm gương kẻ khác nhằm bài trừ đi một hành động gây nguy hại cho xã hội.
Công chức bỏ “việc ngon” để cao chạy trời Tây?
Chuyện anh cán bộ cỡ Phòng ở Sở Ngoại vụ Cần Thơ nhân chuyến cơ quan cử đi công tác ở Mỹ rồi trốn biệt tăm không về. Mục đích cá nhân chúng ta chưa nói đến, song thiết nghĩ anh ta đã được đất nước đào tạo cho ăn học, đã không cống hiến cho chế độ, cho nhân dân thì thôi, mà mới "đủ lông đủ cánh" đã dở thói "qua cầu rút ván" là điều không thể chấp nhận được.
Từ việc trên cho thấy, một tư duy thực dụng tầm thường đang hiện diện trong một bộ phận công chức hiện nay, đặc biệt là những người trẻ. Họ đang coi công việc đang làm chỉ tạm thời chỉ là bước đệm để tiến thân cho sự nghiệp riêng, luôn trong tư thế "đứng núi này trông núi nọ" và mục tiêu cuối cũng chỉ là thực dụng, tìm một chỗ làm để có thu nhập cao. Đạo đức người cán bộ công chức đang bị xói mòn bởi những mục đích ích kỷ tầm thường che mắt họ, làm họ biến chất.
Việc này cho thấy, công tác đào tạo giáo dục cán bộ của ta hiện nay đã không được chú trọng và có một sự định hướng rõ ràng. Cùng với đó là việc quản lý cán bộ trên mặt hành chính còn lỏng lẻo, hệ quả xuất hiện một bộ phận cán bộ công chức tha hóa, biến chất, sống thực dụng và cơ hội.
Cần thiết phải thanh lọc ngay những dạng công chức như thế này, khi tuyển chọn cán bộ công chức cho các đơn vị hành chính chúng ta cần có thời gian nhất định để thử thách đạo đức và có một quá trình theo dõi lối sống, đánh giá con người trước khi giao việc cho họ như một công đoạn trong quy trình bắt buộc.
Cũng từ việc trên chúng ta cần xem lại các chính sách đãi ngộ cho những cán bộ có năng lực đã thỏa đáng chưa, vì đây cũng là tình trạng chảy máu chất xám ra ngoài. Các cơ quan cũng cần thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đời sống công nhân viên chức nói chung để kịp thời tạo cho họ một môi trường, điều kiện tốt nhất để họ cống hiến năng lực của mình cho đất nước.
Nguồn: Dangcongsan.vn