Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nguoi-thoi-hon-vao-nhung-lan-dieu-dan-ca-thai-524469/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/nguoi-thoi-hon-vao-nhung-lan-dieu-dan-ca-thai-524469/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người thổi hồn vào những làn điệu dân ca Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 24/08/2014, 07:37 [GMT+7]

Người thổi hồn vào những làn điệu dân ca Thái

(Congannghean.vn)-Gắn liền với chiều dài lịch sử lâu đời, người Thái có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và nhiều bản sắc. Theo thời gian, những giá trị ấy càng được nhân rộng nhờ sự cống hiến của những người nghệ nhân thầm lặng.
 
Một đời gắn với niềm đam mê dân ca
 
Chúng tôi tìm về bản Mường Ham, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp để gặp người phụ nữ có giọng hát dân ca Thái vang danh nhất nhì vùng miền núi xứ Nghệ. Bà là Lương Thị Phiên, năm nay đã 66 tuổi.
 
Sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái, bố và mẹ đều là những người có tình yêu sâu nặng với làn điệu dân ca truyền thống. Ngay từ nhỏ, bà Phiên được tiếp xúc với những làn điệu dân ca dân tộc mình nên tình yêu dân ca đã ngấm sâu vào con người bà. Tình yêu đó cũng lớn dần theo năm tháng khi chưa đầy 10 tuổi, bà có thể tự sáng tác, tự thể hiện những làn điệu do chính mình viết.
 
Lớn lên, bà theo đuổi nghiệp dạy học, nhưng song hành với đó, bà vẫn dành tình yêu tha thiết cho dân ca. Bà Phiên chia sẻ: “Mặc dù là một giáo viên tiểu học nhưng niềm đam mê dân ca vẫn cháy bỏng trong con người tôi. Suốt mười mấy năm đi dạy, tôi chia cuộc đời thành hai nửa, một nửa dành cho nghiệp truyền chữ, nửa còn lại tôi dành cho việc sưu tầm và sáng tác dân ca. Tuy nhiên, phần lớn thời gian tôi bận đứng lớp nên việc giao lưu, truyền lửa cho dân ca dường như bị hạn chế”.
 
Bà Lương Thị Phiên - nghệ nhân một đời gắn với những làn điệu dân ca Thái
Bà Lương Thị Phiên - nghệ nhân một đời gắn với những làn điệu dân ca Thái
 
Đến năm 1969, bà Phiên được điều lên làm việc ở Huyện đoàn Quỳ Hợp. Thời gian này, bà có điều kiện tiếp xúc với nhiều văn nghệ sỹ hát dân ca và có nhiều cơ hội thể hiện năng khiếu sáng tác, ca hát của mình. Bà chia sẻ, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của bà, vì có cơ hội đi hát nhiều nơi, có thể hát bất cứ đâu nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân.
 
 “Khi được hát, tôi cảm thấy người thoải mái, tươi vui hẳn ra” - bà Phiên tâm sự. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia biểu diễn, bà nhận thấy một thực tế đáng buồn rằng, người Thái sống tại Quỳ Hợp khá đông nhưng số người hát được loại hình nghệ thuật này không nhiều. Vì vậy, trong bà luôn ấp ủ ước mơ sẽ thành lập một tổ chức nào đó để tập hợp những người mê dân ca Thái cùng giao lưu, học hỏi và truyền dạy cho con cháu lớp sau.
 
Nghĩ là làm, bà đem dự định này đề xuất lên cán bộ văn hóa huyện và được đồng ý thành lập câu lạc bộ (CLB) dân ca người Thái - gọi là CLB Xuối, Lăm, Nhuôm, Khắp Òm xã Châu Cường, gồm 15 thành viên do bà làm chủ nhiệm.
 
Mong mỏi mở lớp học truyền dạy dân ca Thái
 
Trong khoảng thời gian này, bà và các hội viên khác dành nhiều thời gian để nghiên cứu, sưu tầm những làn điệu dân ca cổ để dạy cho những học viên trong CLB. Ngoài ra, bà Phiên còn dành thời gian cho việc sáng tác các làn điệu dân ca Thái mới, giới thiệu và biểu diễn cho nhiều thế hệ thưởng thức.
 
Trong quá trình đi truyền bá dân ca Thái, bà nhận thấy, phần lớn người Thái không biết hát dân ca không phải vì họ không yêu văn hóa dân tộc mình, mà do họ không có điều kiện để học,  tìm hiểu. Vì vậy, bà Phiên cùng các hội viên trong CLB xây dựng kế hoạch mở lớp học liên thế hệ, tập hợp nhiều lứa tuổi thuộc dân tộc Thái để dạy hát. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong nguồn kinh phí nên cho đến nay, dự định đó chưa thực hiện được.
 
Ông Nguyễn Đình Cảnh, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp cho biết: “Bà Lương Thị Phiên là một tấm gương tiểu biểu có niềm say mê đặc biệt dành cho làn điệu dân ca Thái. Những năm qua, huyện ghi nhận sự đóng góp to lớn của bà trong công tác bảo tồn, phát triển các loại hình văn hóa phi vật thể. Về việc mở lớp dạy dân ca Thái như nguyện vọng của bà Phiên, tạm thời đang khó khăn trong nguồn kinh phí, nhưng huyện vẫn tạo mọi điều kiện để công tác bảo tồn và phát triển dân ca Thái được duy trì”.
 
Mong muốn mở lớp học liên thế hệ để truyền dạy dân ca Thái là giấc mơ nhiều năm nay của bà Phiên. “Tôi vẫn sẽ tiếp tục niềm đam mê ca hát và phát triển làn điệu dân ca truyền thống của quê hương trong suốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, nguyện vọng mở lớp dạy hát dân ca vẫn là tâm niệm mãnh liệt nhất đối với tôi” - bà Phiên chia sẻ.
 
.

Đào Phan