(Congannghean.vn)-Là cựu giáo chức, lại từng “vào sinh ra tử” ở chiến trường, khi về hưu, bà vẫn hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương để sống có ích, ý nghĩa.
Người cựu giáo chức mà chúng tôi muốn nói đến đó là bà Nguyễn Thị Mệnh (SN 1950) ở làng Thạch Động, nay là xóm 6, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu.
Năm 1971, học xong lớp 10, bà đăng ký đi bộ đội và phục vụ ở đơn vị C18, D711, E664 thuộc Đoàn 559 Trường Sơn. Nơi đơn vị của bà Mệnh đóng quân thuộc chiến trường Quảng Bình, Quảng Trị khốc liệt. Ngày ấy, công việc của bà là đào hào đặt ống dẫn dầu với bao khó khăn, gian khổ. Khi ấy, ống dầu thì to, người bà Mệnh thì nhỏ, trong khi đó trên trời máy bay Mỹ đêm ngày oanh tạc. Nhiều lúc bà cùng đồng đội bị những trận mưa bom nhưng may mắn thoát chết.
Đến bây giờ, bà Mệnh vẫn nhớ như in một ngày giữa tháng 8/1972, lúc ấy trời mưa như trút và máy bay Mỹ bất ngờ ném bom dữ dội. Trong trận oanh kích của máy bay địch, bà Mệnh bị mảnh bom găm vào đầu rồi ngất đi. Khi bà tỉnh dậy thì được đồng đội cho biết, bà đã nằm bất tỉnh suốt 3 ngày trời và ai cũng nghĩ bà khó qua khỏi. Sau cả tháng trời dưỡng thương, bà lại tiếp tục cùng đồng đội đào hào đặt ống dẫn dầu để chi viện cho tiền tuyến. Cuối năm 1973, bà xuất ngũ về quê lập gia đình với chàng trai cùng xóm. Trở về quê hương, vốn có trình độ văn hóa nên năm 1974, bà được phân công làm Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 xã Quỳnh Thạch, Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu. Suốt 34 năm công tác, bà đã có nhiều đóng góp cho ngành Giáo dục và được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”.
Bà Mệnh bên chiếc đàn bầu tri kỷ |
Năm 2010, khi đã về hưu và người chồng của bà cũng là một cựu chiến binh đã mất nên bà thấy cô đơn, buồn tủi. Để vơi bớt nỗi buồn, bà Mệnh tìm mua một chiếc đàn bầu về tập. Một thời gian sau, nhờ một người bạn giới thiệu, bà xin gia nhập CLB “Đàn và hát dân ca Hồng Sơn”. Tại đây, bà được những thành viên trong CLB chỉ dạy tận tình. Tuy đến với âm nhạc rất muộn nhưng nhờ sự tìm tòi, chịu khó và khả năng tiếp thu nhanh nên chỉ sau mấy tháng, bà Mệnh đã có thể chơi đàn bầu thành thục. Và cứ thế, chẳng mấy chốc bà Mệnh đã trở thành một thành viên không thể thiếu trong CLB “Đàn và hát dân ca Hồng Sơn” thuộc huyện Quỳnh Lưu và được đi biểu diễn nhiều nơi. Đặc biệt, từ một người không biết đến một nốt nhạc, bà đã cùng các thành viên trong câu lạc bộ giành được giải A cuộc thi Tiếng hát Làng Sen (năm 2011) của huyện Quỳnh Lưu ở phần biểu diễn nhạc cụ truyền thống.
Là người đam mê thơ văn, dân ca nên mỗi lần đi dự hội nghị, sinh hoạt các câu lạc bộ, bà Mệnh đều đọc thơ. Trong những năm tháng đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Thạch, Quỳnh Thanh, bà đã dùng thơ văn để vận động bà con nơi đây đưa trẻ đến trường. Đặc biệt, vùng Quỳnh Thanh 100% bà con công giáo, đời sống lúc ấy gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học cực kỳ thiếu thốn. Trong hoàn cảnh ấy, bà đã làm thơ tuyên truyền, động viên bà con giáo dân, đặc biệt là cha xứ đóng cho hơn 100 bộ bàn ghế và xây dựng được 6 khối mẫu giáo (mỗi khối 2 lớp học) để các cháu được đến trường.
Là người từng “vào sinh ra tử” ở chiến trường nên khi trở về thời bình, nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa Nguyễn Thị Mệnh thường mượn lời thơ, truyện ngắn để ca ngợi lãnh tụ, tình đồng chí, tình yêu người lính và lên án chiến tranh cũng như gợi nhớ lại những kỷ niệm ở chiến trường. Tác phẩm thơ, truyện ngắn của bà Mệnh đã được in nhiều trong tập “Tâm tình người chiến sĩ” của CLB Thơ cách mạng Việt Nam và tập thơ “Lời ru non sông” nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong thời gian tới, bà đang ấp ủ xuất bản tập truyện ngắn đầu tay về những kỷ niệm ở chiến trường.
Đam mê văn nghệ, bà Mệnh còn hăng hái tham gia nhiều tổ chức hội ở địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Sinh vật cảnh, Hội Thơ ca, Hội Khuyến học xã,… Đặc biệt, hiện giờ bà Nguyễn Thị Mệnh đang là Phó ban liên lạc của Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn huyện Quỳnh Lưu. Trên cương vị của mình, bà luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng thời tham mưu cho cấp trên cũng như vận động ủng hộ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Ở tuổi 64, cựu giáo chức, nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa Nguyễn Thị Mệnh vẫn luôn là tấm gương sáng cho con cháu và bà con lối xóm. Cứ mỗi chiều, bà lại ngồi bên chiếc đàn bầu gãy những bản nhạc lúc trầm bổng, lúc thánh thót vui tai để bà con lối xóm thưởng thức, những lúc ấy bà thấy đời vui hơn và như trẻ lại.
.