(Congannghean.vn)-Có một thời, cùng với quân dân cả nước, Nghệ An trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay, tàu chiến địch trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Dọc dài theo vùng bãi ngang các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò, Cửa Hội, nơi đã in dấu sâu đậm tội ác của kẻ thù và cũng chính những địa danh ấy đã trở thành nơi ghi dấu chiến công của ngư dân kiên cường một thời bám biển, giữ vững tay chèo, chắc tay súng, góp phần cùng Hải quân Việt Nam đánh thắng đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc.
Nghệ An là địa phương có đường bờ biển dài 82 km kéo dài từ thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc cho đến Cửa Lò với 6 cửa lạch. Trong chiến tranh chống Mỹ, những trung đội thuyền nan, thuyền thúng, đơn vị pháo 12,7 mm, 14,5 mm… của ngư dân vùng biển kết hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực cùng các địa phương khác đã kiên cường đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ ngay từ thời gian đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, bảo vệ và xây dựng hậu phương, góp phần chi viện chiến trường miền Nam.
Chỉ tính riêng xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, địa phương nằm giáp biển sớm trở thành trọng điểm đánh phá của địch, chưa đầy 6 tháng, từ ngày 29/4 đến 2/10/1965, máy bay Mỹ đã đánh Diễn Thành 56 trận, 656 quả bom, 56 quả tên lửa, 219 quả rốc két dội xuống. Có đêm, địch rải hàng tấn truyền đơn vào xã nhằm làm hoang mang tâm lý của người dân thời kỳ ấy. Trước tình hình đó, chủ trương của Đảng ủy xã đã nhanh chóng triển khai công tác làm tốt tư tưởng cho người dân, đề cao cảnh giác, phát động phong trào “Khổ luyện thành xạ thủ”, lãnh đạo thực hiện khẩu hiệu “Nơi khó có chỉ huy, gian nguy có lãnh đạo”, đưa văn phòng ra trận địa để trực tiếp chỉ huy đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ xâm phạm vào vùng trời, vùng biển quê hương. Cùng với đó, đội trực chiến của xã kiên cường bám trụ 4 tháng liên tục trong năm 1965, phối hợp với bộ đội bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Gương vừa chiến đấu giỏi, vừa sản xuất tốt ở xã Diễn Thành trong thời gian đầu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đã được Tỉnh ủy Nghệ An phát động học tập rộng rãi trong toàn tỉnh và một trong những điển hình xuất sắc trong Quân khu 4.
Dân quân du kích xã Diễn Hùng (Diễn Châu), đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh đầu tiên trên toàn miền Bắc - Ảnh tư liệu |
Cũng trong thời kỳ này, đã xuất hiện nhiều đơn vị dân quân các xã ven biển bắn rơi từ 2 - 3 chiếc máy bay Mỹ trở lên như: Quỳnh Lập, Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), Diễn Thành (Diễn Châu)… Nhiều xã còn thành lập đội đánh cá kết hợp đánh tàu biệt kích địch trên biển, trang bị B40, B41, súng bộ binh ngụy trang đánh tàu chiến Mỹ trên biển. Bên cạnh lực lượng đánh máy bay, tàu chiến còn có 1.010 trận địa dân quân tự vệ, trong đó có 280 đội trung liên, đại liên, 14 đội 14,5 ly, 117 đội 12,7 ly bố trí khắp vùng trọng điểm tuyến bờ biển từ Quỳnh Lưu đến Cửa Lò, hình thành hệ thống các trung đội mạnh, đánh địch tập kích, tấn công bằng bộ binh, 79 trạm gác dọc biển thường xuyên đảm nhiệm công tác tuần tra.
Còn trong thời kỳ chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (1969 - 1972), ngư dân các huyện ven biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò lại tiếp tục được chọn là địa điểm phòng thủ của quân và dân Nghệ An. Cũng trong thời điểm này, hải quân Mỹ luôn tăng cường thêm số tàu chiến rình rập ngoài khơi Nghệ An. Chúng thường triển khai đội hình ở phía đông Cửa Hội, cách đất liền khoảng gần 100 hải lý của một biên đội đổ bộ thường có 2 - 4 chiếc (LPH - APA), có khi đột xuất lên tới 6 chiếc, có cả khu trục hạm áp sát đảo Ngư, đảo Mắt thuộc vùng biển Nghệ An. Đến đầu năm 1972, dọc các huyện ven biển đều có 1 đại đội 12,7 ly, 3 nông trường tổ chức 3 đại đội pháo 37 ly, trực thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện vừa chiến đấu vừa cơ động ra ngoài địa bàn để hiệp đồng đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ. Dân quân du kích vùng biển cũng được bổ sung thêm các loại pháo bắn thẳng. Từ Quỳnh Lưu đến Nghi Lộc đã xây dựng được 6 đội pháo binh bờ biển của dân quân được tổ chức trực thường xuyên 24/24. Thời kỳ này, nhiều tàu chiến, thủy phi cơ của Mỹ đã bị ngư dân vùng biển liên tục bắn cháy, phá hủy.
Cho đến bây giờ, khi về vùng biển Quỳnh Lưu, nhắc đến sự kiện dân quân xã Quỳnh Thuận bắn rơi máy bay F8 bằng súng 12,7 ly, bắt giặc lái Mỹ ngoài biển khơi vào trưa ngày 29/10/1972 thì ai cũng nhớ. Lúc này, sau khi dính đạn bằng loạt điểm xạ của súng 12,7 ly, chiếc máy bay rơi còn tên phi công nhảy dù xuống vùng biển phía đông núi Kiến, cách bờ 10 km. Từ đài quan sát báo về, ngay lập tức nữ Xã đội trưởng xã Quỳnh Long là Hoàng Thị Cầu đã có mặt ở vị trí chỉ huy, giao nhiệm vụ cho 9 thuyền chở du kích ra bắt giặc lái. Khi phát hiện phi công bị rơi, 20 chiếc phản lực của Mỹ lao tới, quay lấn, bắn chặn thuyền ta, dội bom vào các thôn xóm và trận địa trên bờ để cứu giặc lái. Quyết không lùi bước, quân và dân xã Quỳnh Long vẫn dũng cảm lao ra bắt sống tên giặc lái Mỹ. Sau 3 giờ đồng hồ vật lộn, dưới mưa bom của kẻ thù, ta đã khống chế thành công tên giặc lái nhảy dù xuống biển. Đồng chí Nguyễn Bá Vanh (truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1973) cùng một đồng đội của mình đã hy sinh anh dũng khi chèo thuyền nan ra bắt giặc lái. Sự kiện ấy đã cổ vũ cho quân và dân vùng biển Nghệ An tăng thêm tinh thần bám trụ, đánh trả không quân, hải quân Mỹ.
Còn rất nhiều chiến công của quân và dân vùng biển Nghệ An trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ đã được lịch sử ghi nhận. Qua 2 lần leo thang phá hoại, đánh phá các cảng biển, cửa lạch, tàu thuyền đánh cá trên biển, ngư dân Nghệ An đã kiên cường bám trụ, dũng cảm chống trả bom đạn của kẻ thù, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam ruột thịt. Không thể kể hết những hy sinh mất mát của quân và dân bám trụ ven biển Nghệ An nhưng cho đến bây giờ, trong tiềm thức của những ngư dân ngày ấy, họ vẫn luôn nhắc nhở thế hệ con cháu mai sau vượt lên khó khăn, quyết tâm bám biển, vươn khơi, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày 5/8/1964, nhằm gây sức ép với Hạ viện Mỹ đồng ý đưa quân đội Mỹ vào thực hiện cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Mỹ Johnson đã tạo cớ sự kiện Vịnh Bắc Bộ và ngang nhiên cho máy bay tiến hành chiến dịch "Mũi tên xuyên" bắn phá hầu hết các căn cứ Hải quân của ta. Lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân Việt Nam đã kiên cường đánh trả, tiêu diệt và còn giáng cho không quân Mỹ những đòn nặng nề. Trong giai đoạn leo thang đánh phá miền Bắc từ năm 1964 - 1973, đế quốc Mỹ đã ném hơn 2 triệu tấn bom đạn, thả hơn 2 vạn quả thủy lôi phong tỏa cảng biển, làm 80.000 người chết, hơn 120.000 người bị thương, tàn phá nặng nề các cơ sở kinh tế và hạ tầng cơ sở ở miền Bắc, gây nên thảm họa tàn khốc. Nghệ An cũng là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong toàn miền Bắc lúc bấy giờ. |
.