Gia đình xã hội
Khuyến cáo sử dụng linh vật không phù hợp với thuần phong mĩ tục Việt Nam
08:04, 25/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Hình ảnh sư tử đá ngoại lai xuất hiện khá nhiều tại các đền, chùa đã trở thành tâm điểm trong thời gian qua. Việc sao chép, tạo hình không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ở cổng, cửa, khu di tích, đền, đình, chùa, công sở cơ quan gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh nơi công cộng. Vừa qua, Bộ VHTT&DL có công văn khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tuy nhiên, để các tổ chức, cá nhân hiểu được ý nghĩa của việc bài trí không phải chỉ ngày một ngày hai mà cần phải có thời gian để họ hiểu thế nào là “không phù hợp”.
Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam không có loài sư tử, đó chỉ là sự tưởng tượng của cha ông xưa bắt nguồn từ các loài vật khác được Việt hóa trở thành một linh vật hiền lành, có trí tuệ mang tính tâm linh tại các đền, chùa. Tuy nhiên, việc sao chép y nguyên hình ảnh con sư tử đá Trung Quốc đặt trong không gian thuần Việt với cách bài trí không đúng quy luật vô hình chung làm trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam, gây nên sự phản cảm về thẩm mỹ cũng như ý nghĩa về mặt tâm linh.
Theo các nhà nghiên cứu, đặt sư tử đá trước cửa các di tích không phải bây giờ mới có. Nó tồn tại hàng chục năm trở lại đây tại nhiều công trình kiến trúc, nhà cửa... dần dần lan sang các di tích. Có thể nói, nó bỗng chốc trở thành một “trào lưu”, để thỏa mãn cái đẹp mà không hiểu biết rõ ý nghĩa là gì. Thông thường, khi đặt sư tử đá ngoại lai phải đi thành một đôi: Con đực đặt bên tả, chân phải đặt lên khối cầu; con cái đặt bên hữu, chân đè lên con sư tử con đang đùa giỡn. Điều đó thể hiện sự hài hòa về âm dương với ước vọng hóa giải tà khí, thu hút tài vận.
Cặp sư tử trắng ở Tượng đài binh biến Đô Lương |
Từng bị giới nghiên cứu văn hóa phê bình về việc đặt cặp sư tử đá nhầm chỗ, Chùa Một cột, Đền Đô... đành phải quay lại không gian xưa vốn có của nó. Tại Nghệ An, các công trình văn hóa cũng không hiếm những cặp sư tử đá tạc theo khuôn mẫu sư tử Trung Quốc. Những linh vật này được các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan cung tiến vào đền, chùa. Việc làm công đức này không xét đến các yếu tố văn hóa truyền thống khiến cho những công trình văn hóa tồn tại hàng trăm năm bị xâm thực bởi các yếu tố phi văn hóa Việt.
Đền Quả Sơn, di tích lịch sử Quốc gia tại huyện Đô Lương 5 năm qua cũng được một công ty ở TP Hồ Chí Minh cung tiến một cặp sư tử đá. Trước đó, công ty này có ý định cung tiến một cặp hổ nhưng tìm không được. Trước lời khuyên của một nhà nghiên cứu ở Viện Sử học cho rằng, hổ cũng như sư tử, đều là biểu tượng để bảo vệ đền có thể đặt được nên Đền Quả Sơn tiếp nhận. Ông Nguyễn Huy Hỷ, Trưởng ban quản lý Đền Quả Sơn cho biết thêm, theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có viết: “Năm 1011, Chiêm thành dâng sư tử trắng”, trong lịch sử đã dùng chứ không phải bây giờ.
Thực tế, cặp sư tử đá này là giống đực, không tuân thủ quy luật âm dương khi bài trí. Hay như tại Tượng đài binh biến Đô Lương, mới đây cũng được cải tạo, bố trí thêm hai con sư tử bằng đá trắng, rồi di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương), Đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên)... Ngoài đình, đền, hiện nay các nhà thờ họ, các công trình văn hóa thời hiện đại hay các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn..., rất nhiều nơi sử dụng cặp sư tử đá ngoại lai với hi vọng xua đuổi khí xấu, thu hút tiền tài. Tuy nhiên, cách bố trí không hợp lý, hoán đổi vị trí không đúng với sắp đặt truyền thống.
“Từ xưa tới nay, các linh vật long, ly, quy, phượng đều xuất phát từ Trung Quốc, sau này được Việt hóa. Nếu tiếp thu có chọn lọc, là biểu tượng để bảo vệ kỷ cương, thì cũng sử dụng được. Tuy nhiên, đây là một vấn đề tâm linh, trước khi đưa vào cung tiến đã làm lễ hẳn hoi. Cho nên, hiện tại, muốn di chuyển phải có công văn từ trên gửi về để làm lễ cúng di dời chứ chúng tôi không thể nghe theo dư luận, hay làm theo phong trào được”, ông Nguyễn Huy Hỷ cho biết thêm.
Trao đổi với chúng tôi, ngày VHTT và DL 23/8/2014, lãnh đạo Sở VHTT&DL Nghệ An cũng cho biết, Sở mới nhận được công văn của Bộ VHTT&DL hai ngày trước và rất đồng tình, ủng hộ quan điểm của Bộ. Tuần tới, Sở sẽ có công văn gửi kèm theo công văn của Bộ đến tất cả các cơ quan của huyện, thành, thị. Ngoài ra, Sở sẽ điều tra, khảo sát trên địa bàn toàn tỉnh có bao nhiêu đơn vị đặt linh vật ngoại lai, sư tử đá tại đền, chùa, công sở. Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ là khuyến cáo chứ chưa có chế tài xử lý. Hơn nữa, đây là một vấn đề khó và cần phải có thời gian cho nên sắp tới, Sở sẽ phát động cuộc vận động tuyên truyền về vấn đề này, tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định để có biện pháp xử lý cụ thể...
Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay, nhiều di tích lịch sử, văn hóa đã và đang được phục hồi, trong đó phải kể đến sự đóng góp từ nguồn xã hội hóa, công đức của các cơ quan, doanh nghiệp. Trước khi phục dựng cần có sự đánh giá tổng thể về việc có nên đưa kiến trúc ngoại lai vào hay không cũng như siết chặt quản lý công đức các công trình, vật phẩm. Cần tuyên truyền, phổ biến cho người dân hiểu về văn hóa dân tộc. Chỉ khi có ý thức, hiểu biết thì mới có thể bảo vệ được nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Phan Tuyết