Gia đình xã hội
Những nẻo về tươi sáng (Bài 5)
07:54, 24/08/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Họ từng là những người một thời lầm lỡ, để rồi phải trả giá cho cuộc đời sau chuỗi ngày dài “xộ khám”. Dù khi ra trại, mỗi người có một hoàn cảnh sống khác nhau nhưng những nhân vật mà chúng tôi được gặp, trò chuyện, họ đều có điểm chung: Gạt bỏ quá khứ tội lỗi, hướng thiện, vươn lên thành người có ích cho xã hội.
Bài 5: Chung tay giúp nhau xóa bỏ lầm lỡ
Tự tạo cho người cùng cảnh ngộ có công ăn việc làm ổn định, cùng giúp nhau từ bỏ con đường tội lỗi, xây dựng cuộc sống với tương lai tươi sáng. Từ nhiều năm nay, ở xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An), mô hình “Cùng chung tay đánh bắt, chế biến hải sản” thực sự trở thành nơi tái hòa nhập cộng đồng, lấy lại niềm tin cho những người từng lầm lỡ.
Ngoài đặc thù là xã ven biển của huyện Diễn Châu, với hơn 70% dân số tham gia đánh bắt, chế biến hải sản, Diễn Ngọc còn biết đến là địa phương có số người nghiện, số người sau khi chấp hành án phạt tù với các tội danh khác nhau đang ở mức báo động. Chỉ theo thống kê sơ bộ, hiện nay, trên địa bàn xã có tới trên 100 người nghiện ma túy, chưa kể số người đang hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, số người cai nghiện tập trung về địa phương lên tới hàng chục người. Ngoài ra, đây là địa phương đang có trên 20 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, với dân số đông (trên 14 nghìn nhân khẩu), trình độ dân trí không đồng đều, có nhiều con em bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đi biển, tham gia kinh doanh buôn bán… nên tệ nạn xã hội rất dễ dàng xâm nhập, lôi kéo.
Trước tình hình tệ nạn xã hội đang gia tăng ở địa phương, đặc biệt là số người chấp hành xong án phạt tù trở về không có việc làm, dễ quay lại con đường cũ, từ năm 2009, cấp ủy, chính quyền xã đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng mô hình “Chung tay đánh bắt, chế biển hải sản”. Nòng cốt của mô hình là động viên, khuyến khích những người tái hòa nhập cộng đồng mạnh dạn vay vốn làm ăn, sắm tàu to, thuyền lớn để vừa vươn khơi bám biển, vừa giúp bạn cùng cảnh ngộ có công ăn việc làm ổn định.
Mô hình “Chung tay đánh bắt, chế biến hải sản” ở Diễn Ngọc giúp nhiều người lầm lỡ ổn định kinh tế, không còn tình trạng tái phạm tội |
Tuy nhiên, để làm được điều đó không phải đơn giản. Bởi vì, hầu hết các chủ tàu cũng như các đơn vị, doanh nghiệp luôn có suy nghĩ, tâm lý dè dặt, e ngại khi tiếp nhận những người đã từng mang án phạt tù trở về. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, động viên những chủ tàu thuyền nhận lao động là người tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc, giúp họ có thu nhập ổn định. Ban đầu, qua công tác vận động, toàn xã Diễn Ngọc có 4 chủ tàu và 1 cơ sở chế biến hải sản nhận 20 người tái hòa nhập cộng đồng vào làm việc với thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, xã còn đảm nhận vai trò là tổ chức tín chấp cho người từng lầm lỗi vay vốn ngân hàng, đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Điển hình như anh Cao Đức Hiển (SN 1968) ở xóm Yên Quang là người từng phải chấp hành án phạt tù vì tội Cố ý gây thương tích, vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 100 triệu đồng cùng gia đình đầu tư đóng mới tàu thuyền để tham gia đánh bắt hải sản. Mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ, dám làm, vượt qua mặc cảm, đến nay, anh Hiển đã nâng cấp tàu thuyền của mình với công suất lớn, tham gia đánh bắt hải sản trên biển dài ngày, tạo công ăn việc làm cho 18 - 20 lao động, trong đó có 4 người từng chấp hành án phạt tù trở về cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở chế biến hải sản Hùng Châu đang tạo công ăn việc làm cho 3 người đã chấp hành xong án phạt tù cho biết: Khi nhận lao động từng có tiền án, tiền sự vào làm việc, tôi rất lo lắng, băn khoăn. Vì khi nhận họ vào, không biết có làm được việc không hay vẫn “chứng nào tật nấy” rồi làm mất ANTT. Nhưng qua quá trình làm việc, bây giờ tôi thực sự tin tưởng họ đã từ bỏ con đường cũ để tu chí làm ăn. Nhờ có việc làm, thu nhập lại ổn định, họ đã biết tự mình đứng lên làm lại cuộc đời tươi sáng hơn.
Được biết, để làm tốt mô hình “Chung tay đánh bắt, chế biến hải sản”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Diễn Ngọc không ngừng tuyên truyền, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của những người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn, thực hiện nhiều giải pháp giúp họ ổn định đời sống, chung tay xóa bỏ lầm lỡ. Đây cũng là mô hình được cử đi báo cáo điển hình trong việc thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ về việc quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Ngọc Thái