Những năm qua, tại địa bàn các xã miền núi huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có rất nhiều lễ cưới giữa người bản địa với người Lào được tổ chức. Điều đáng nói, những cặp vợ chồng này không hề thực hiện các thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, các ban ngành liên quan đã tiến hành rà soát và tạo điều kiện để các cặp vợ chồng này thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn; đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật.
Vì mối quan hệ thân quen lâu đời, đồng bào dân tộc các xã giáp biên giữa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) với các xã của huyện Mường Noòng, Sê Pôn, tỉnh Sa-vẳn-na-khẹt (Lào) thường xuyên vượt sông Sê Pôn qua lại với nhau. Cũng từ đây, nhiều đôi trai gái của hai bên biên giới đã thành vợ thành chồng. Nhưng việc kết hôn của họ chỉ được tiến hành theo phong tục tập quán địa phương chứ không thực hiện theo quy định của pháp luật. Những cặp vợ chồng này đều có con chung, tài sản chung và có thời gian sinh sống khá lâu tại các bản ở huyện Hướng Hóa và Đakrông, song về mặt pháp lý họ vẫn chưa được công nhận là vợ chồng.
Trường hợp của ông Hồ Văn Thưm và bà Kan Lịch tại thôn Cù Tai 2 là một ví dụ. Họ là một trong những cặp vợ chồng đầu tiên của xã A Bung (huyện Đakrông) có liên quan đến vấn đề hôn nhân giữa người Việt và người Lào. Đến nay, ông bà đã bước qua tuổi 70, đã có với nhau 5 đứa con, các con đều đã lập gia đình, vậy nhưng ông bà mới được pháp luật công nhận là vợ chồng cách đây hơn nửa năm. Hay như trường hợp của chị Hồ Thị Mưng là người ở bản Mỹ Yên của huyện Sê Pôn, tỉnh Sa-vẳn-na-khẹt (Lào), theo chồng về làm dâu ở bản Úp Ly 2, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) đến nay đã 5 năm và đã có hai mặt con. Nhưng cũng giống như nhiều cuộc hôn nhân giữa người Việt với người Lào khác, vợ chồng Hồ Thị Mưng không làm các thủ tục đăng ký kết hôn mà pháp luật quy định.
Khi đã có hai mặt con, vợ chồng Hồ Thị Mưng mới làm thủ tục đăng ký kết hôn |
Ông Trương Xuân Hòa, Trưởng phòng Tư pháp huyện Hướng Hóa cho biết: Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do sự hạn chế về trình độ văn hóa và nhận thức về pháp luật của bà con dân tộc, nhất là các quy định về Luật Hôn nhân - Gia đình. Đa số bà con “tìm hiểu” và về sống với nhau theo phong tục người bản. Đây cũng là một vấn đề gây khó khăn đối với công tác quản lý nhân hộ khẩu ở các thôn, bản hiện nay. Vậy nên, mặc dù đã được cán bộ cơ sở tuyên truyền, vận động thực hiện theo quy định pháp luật về kết hôn liên quan đến yếu tố người nước ngoài, nhưng bà con dân bản vẫn không muốn làm theo vì thấy rườm rà và mất nhiều chi phí. Mặt khác, các chính sách, chế độ ưu đãi đối với đồng bào dân tộc ở vùng biên giới luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm... nên số người Lào sang lấy vợ, lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, sống ổn định tại các xã của huyện Hướng Hóa ngày càng đông.
“Để góp phần đảm bảo sự ổn định về an ninh, trật tự tại các thôn, bản, giúp người dân thực hiện các thủ tục pháp lý, lực lượng Công an Quảng Trị đã tổ chức các buổi tuyên truyền pháp luật, đồng thời yêu cầu các cặp vợ chồng Việt - Lào ký cam kết phải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật khi sinh sống tại địa phương”, Thiếu tá Hồ Hồng Nhuận, cán bộ Đội phụ trách xã về ANTT - Công an huyện Hướng Hóa cho biết thêm.
Mới đây, Hội Luật gia tỉnh Quảng Trị đã triển khai dự án “Hỗ trợ pháp lý và thúc đẩy thực thi pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới đối với người dân tộc thiểu số tại Quảng Trị”. Trong quá trình thực hiện dự án, gần 700 người dân ở Hướng Hóa và Đakrông đã được phổ biến các quy định pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài; 226/287 trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng có yếu tố nước ngoài được cấp giấy chứng nhận kết hôn, chiếm gần 79%. Những cặp vợ chồng này được tạo điều kiện giải quyết vấn đề về hộ khẩu, hộ tịch, khai sinh và chính sách an sinh xã hội, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của chính quyền địa phương về đăng ký và quản lý hộ tịch, đồng thời nâng cao năng lực công tác của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch ở cơ sở. Đây chính là nền tảng giúp công tác đăng ký kết hôn ở địa bàn vùng giáp biên ngày càng đi vào nền nếp.
Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân khách quan mà đến nay vẫn còn hơn 60 cặp vợ chồng Việt - Lào ở huyện Hướng Hóa và Đakrông chưa được giải quyết làm thủ tục đăng ký kết hôn. Vấn đề đặt ra, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra và ngày càng gia tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề di dân tự do, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT. Các cơ quan chức năng cần phải có một giải pháp và những cách làm cụ thể, phù hợp để giúp bà con thay đổi nhận thức và hiểu rằng, việc đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi người.
Để tránh sai phạm hoặc chậm trễ trong việc đăng ký kết hôn giữa đồng bào dân tộc hai nước, chính quyền các cấp cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình; tuyên truyền, vận động số hộ di cư tự do trở về Lào và ngăn chặn không cho công dân Việt Nam xâm cư qua nước bạn nhằm chấm dứt việc lấy vợ hoặc chồng có yếu tố nước ngoài nhưng không đăng ký kết hôn. Đối với các trường hợp công dân Lào sinh sống tại Việt Nam đã lâu không có điều kiện trở về Lào để làm tờ khai đăng ký kết hôn, phải có xác nhận của cơ quan thẩm quyền của nước láng giềng, sau đó kiến nghị Bộ Tư pháp cho công dân đó làm bản cam kết cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình. Có như vậy các trường hợp vợ chồng chưa được đăng ký kết hôn mới được tiến hành thủ tục đăng ký theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần rà soát để đưa ra một văn bản quy phạm pháp luật chung cho việc áp dụng Luật Hôn nhân và Gia đình đối với người dân tộc thiểu số.
Về phía cơ quan Tư pháp có nhiệm vụ kiểm tra công tác quản lý, đăng ký hộ tịch của chính quyền cơ sở theo định kỳ hoặc khi cần thiết. Đối với mẫu tờ khai đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở khu vực biên giới nên in bằng hai thứ tiếng Việt - Lào. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có chính sách cho người di cư tự do, đã sinh sống ổn định tại Việt Nam được đăng ký tạm trú hoặc nhập hộ khẩu, giải quyết việc xin nhập quốc tịch để giúp họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác có liên quan.
.