Ăn hoa quả nhập khẩu rồi, sau 10 ngày mới có kết quả kiểm định về chất độc hại. Như vậy, có kiểm định cũng như không!
Năm 2013, cơ quan chức năng đã phát hiện, 30% mẫu trái cây và 280 tấn hàng của Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có tồn dư chất độc hại, có dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm vượt ngưỡng cho phép. Năm 2014, hàng nông sản (táo, cam, quýt, cà rốt…) vào Việt Nam ngày càng nhiều. Thách thức của việc kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng lớn.
Hàng nông sản nhập về qua các cửa khẩu ở miền Bắc và miền Trung đều do Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc thực hiện. Về lý thuyết, Trung tâm này sẽ làm không hết việc, nhưng thực chất lại rất ít việc. Ít việc không phải vì không có hàng nông sản để kiểm định, mà do kinh phí Nhà nước cấp không đáp ứng đủ nhu cầu cần kiểm định. Năm 2014, kinh phí Nhà nước cấp chỉ đủ kiểm định 700 mẫu (tương đương với 700 lô hàng), trong khi hàng ngày, riêng cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) có đến hàng trăm tấn hàng nông sản cần được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hàng nông sản của Trung Quốc được bán ở nhiều chợ của Việt Nam |
Không chỉ thiếu kinh phí kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản nhập khẩu, mà quy trình kiểm định đang lệ thuộc vào thủ tục hành chính “cứng nhắc”, dẫn đến việc người dân ăn hoa quả 10 ngày sau mới biết an toàn hoặc không an toàn.
Theo quy trình, hàng nông sản về đến cửa khẩu Tân Thanh, nhân viên kiểm định lấy mẫu kiểm tra hàng nông sản có sâu bệnh hay không. Còn vấn đề kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản độc hại, phải đưa về kiểm định ở Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc, đóng tại Hà Nội. 10 ngày sau mới có kết quả kiểm định, nhưng hàng nông sản đã được thông quan, đi đến chợ và người tiêu dùng chỉ sau vài giờ kể từ khi nhân viên kiểm định lấy mẫu xong.
Ngoài vấn đề kinh phí và thủ tục hành chính của việc kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, việc xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước không phải lúc nào cũng phân định rõ ràng, tường minh. 6 năm trước, tại diễn đàn Quốc hội, trách nhiệm vệ sinh an toàn thực phẩm được đại biểu Quốc hội chất vất Bộ trưởng Bộ Y tế: Hoa quả nhập khẩu, tác hại thế nào? Ai là người kiểm tra, kiểm định, chất lượng ra sao, nên dùng hay hạn chế? Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời: “Từ trang trại đến mâm cơm” thì Bộ Y tế đúng là có trách nhiệm, nhưng là trách nhiệm chung.
Để bảo vệ sức khỏe, an toàn cho người dân, cơ quan quản lý nhà nước phải tạo ra những cơ chế, chính sách chuẩn mực và minh bạch để cán bộ, nhân viên thực thi nhiệm vụ chủ động vào cuộc, không đợi “nước đến chân mới nhảy”. Các cơ quan có trách nhiệm phải coi việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân như cứu hỏa.
.