Gia đình xã hội
Tác nghiệp nơi 'biển động' Hoàng Sa
16:09, 20/06/2014 (GMT+7)
Có thể chưa lường hết được những khó khăn, vất vả nơi chặng đường vượt muôn trùng con sóng bạc đầu sắp tới, nhưng có cái gì đó cứ ào đến, nó cồn cào mà da diết trong chúng tôi khi nghĩ về nó. Ấy là Hoàng Sa. Một Hoàng Sa trĩu nặng sự thân thương và thiêng liêng trong muôn triệu trái tim người Việt. Theo tiếng gọi của Hoàng Sa, chúng tôi - những người làm báo đã có mặt trên các con tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam ra khơi, đến nơi “biển động”.
Hoàng Sa trong nỗi nhớ da diết của cánh nhà báo chúng tôi đang ở phía trước. Hoàng Sa đang vào mùa “biển động”. Nó động theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khi mà dãy áp thấp nhiệt đới liên tục dội về cũng như Trung Quốc đang hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Giữa muôn trùng con sóng bạc đầu, con tàu Kiểm ngư mang số hiệu 22 mà chúng tôi đang có mặt không thể “cưỡng” được với những con sóng bạc đầu. Tàu chao lên, rồi giật xuống khiến các thành viên mới “nhập tịch” như chúng tôi không khỏi chòng chành, nôn nao. Sóng “quật” đến nỗi những nhà báo vốn có thâm niên tác nghiệp nơi biển khơi như: Đăng Nam - Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, Quang Vũ, Khánh Hiếu - Truyền hình Thông tấn (TTXVN)… trong mấy ngày đầu cũng phải nằm bệt một chỗ trong khoang tàu.
18h, tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn tối đã đến. Kiểm ngư viên Trần Văn Huy đến tận các khoang để gọi anh em chúng tôi dùng bữa. Anh nói, để giảm bớt say sóng, người đi tàu gắng ăn, để có sức vượt qua sự mệt mỏi… Mang trong mình cái cảm giác nôn nao khó tả, chúng tôi cố gắng bò dậy. Mâm cơm nóng hổi nhưng chúng tôi cũng chỉ ăn tạm được mấy đũa cơm rồi người nào người nấy lại về phòng, nằm vật ra sàn. Say sóng là vậy đó! Nó khiến cơ thể con người ta bức bối, ngột ngạt, chẳng thiết làm gì nữa.
Ngày mới bắt đầu. Những con sóng bạc đầu vẫn ngự trị nơi vùng biển Hoàng Sa mênh mông. “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu” – khẩu lệnh trên con tàu KN22 phát ra. Trở dậy sau một đêm khá mệt, cánh nhà báo chúng tôi dần hồi phục cái cảm giác không sợ say sóng nữa. Ngay từ sáng sớm, Chỉ huy tàu KN22 đã lại tận tình đến tận các khoang thăm hỏi, động viên sức khỏe chúng tôi. “Ngày đầu, khi ta chưa quen với sóng, nên mới bị say, bị nôn nao thôi. Chứ quen rồi! Không sợ say nữa đâu. Tàu chúng ta đang có mặt ở vị trí cách khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan chỉ khoảng 13 hải lý rồi! Anh em cố lên nhé!”, nghe lời động viên trên, chúng tôi như được tiếp thêm sức để vượt qua cái cảm giác nôn nao, chòng chành do sóng bạc đầu gây ra.
Các nhà báo tập trung tác nghiệp trên tàu KN22 trên vùng biển Hoàng Sa |
Sang đến ngày thứ 3, tàu bớt chòng chành. Màn sương mờ đục đã tan. Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã dần hiện rõ, tựa cái gai đang chọc sâu xuống mặt biển xanh biếc thanh bình nơi Hoàng Sa vậy. Cánh nhà báo chúng tôi xiết chặt tay nhau. Ai cũng thấp thỏm chờ đợi cảm giác được cùng biên đội tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển tiến sâu vào khu vực giàn khoan để tuyên truyền, vận động, đấu tranh trước hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo. 10 hải lý! 9 hải lý…rồi hơn 8 hải lý…! 8h20, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc kềnh càng hiện ra trước mũi tàu. Các tàu hộ tống giàn khoan của Trung Quốc như: Hải cảnh, Hải giám, tàu kéo… đột ngột tăng tốc lao về phía biên đội tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam nhằm ngăn cản, quấy nhiễu. Và rồi, có những lúc các tàu của Trung Quốc khoảng cách giữa với tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển của chúng ta, trong đó có tàu Kiểm ngư chỉ vài chục mét, song dường như quên đi sự hiểm nguy chực chờ, các phóng viên… vẫn lăm lăm chiếc máy ảnh, máy quay quyết tâm thực hiện việc ghi nhận những hình ảnh chân thực về sự hung hăng của các con tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
Những lần cùng biên đội các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển: KN22, KN768, KN768, KN629, KN767, CSB4032… “giáp mặt” khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, trên khuôn mặt các phóng viên đang tác nghiệp tại đây luôn ánh lên ý chí thép, niềm tin vào sự chiến thắng của lẽ phải. Dù điều kiện tác nghiệp trong hoàn cảnh: sóng to, gió lớn… và các tàu của Trung Quốc tiến sát sẵn sàng đâm va, phun vòi rồng tấn công hay thời điểm máy bay cánh bằng của Trung Quốc bay lượn ngay trên nóc các con tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển, anh em, phóng viên báo chí đang tác nghiệp ở nơi đây vẫn không chùn bước.
Trong thời gian sinh hoạt, cùng tác nghiệp với các nhà báo trên con tàu KN22, tôi còn được biết thêm nhiều hoàn cảnh của các nhà báo tại đây. Có nhà báo, con mới sinh được hơn 1 tháng tuổi như: nhà báo Độc Lập; rồi có nhà báo, vợ cũng đi công tác phải nhờ ông bà dưới quê lên trông hai người con như nhà báo: Đăng Nam v.v.. Dẫu có khó khăn trước mắt, song tất cả cũng đều vì nhiệm vụ, các nhà báo đã tạm gác việc nhà, xách ba lô lên đường làm nhiệm vụ. Nhân dịp kỷ niệm 89 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, trên con tàu KN22, giữa khoảng không gian sâu lắng nghĩa tình - nơi muôn trùng sóng bể, đại diện lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển đã gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới cánh nhà báo đang tác nghiệp tại Hoàng Sa. Đón nhận những lời chúc trên, chúng tôi - những người làm công tác báo chí thấy ấm lòng lạ thường.
Trung Quốc thêm tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá vây ép ngư dân Việt Nam
Ngày 19/6, theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư hiện đang có mặt tại hiện trường, giàn khoan Hải Dương 981 mà Trung Quốc hạ đặt trái phép tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không thay đổi vị trí. Lực lượng bảo vệ giàn khoan phi pháp này của Trung Quốc có khoảng 106 - 115 tàu các loại trong đó có 37 - 39 tàu hải cảnh, 12 - 14 tàu vận tải, 17 - 19 tàu kéo, 35 - 38 tàu cá và 5 tàu quân sự. Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong ngày 19/6, các tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư Việt Nam tiếp tục cơ động vào cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 9 -10 hải lý đấu tranh, tuyên truyền, thực thi pháp luật.
Phía Trung Quốc tổ chức các tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần, tàu kéo thường xuyên bám sát, chủ động ngăn cản, ép hướng, ngăn chặn quyết liệt, áp sát các tàu của Việt Nam ở khoảng cách rất gần, gần nhất là 50m. Tuy nhiên, các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì bám trụ, thực thi nhiệm vụ, không rơi vào bẫy kích động, tạo hiện trường giả để vu cáo của các tàu Trung Quốc.
Gần khu vực tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản, với sự hỗ trợ của 2 tàu hải cảnh Trung Quốc số hiệu 46102, 44608, khoảng 35 - 38 tàu cá Trung Quốc dàn hàng ngang, ngăn cản, không cho tàu cá của Việt Nam hoạt động ở gần giàn khoan phi pháp này. Nhưng với sự bảo vệ của các tàu Kiểm ngư, nhóm tàu cá Việt Nam vẫn bám sát ngư trường truyền thống (cách giàn khoan về phía Tây Nam khoảng 37 - 41 hải lý), hỗ trợ nhau khai thác thủy sản cũng như kết hợp tuyên truyền đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
|
Nguồn: cand.com.vn