Gia đình xã hội
Nhọc nhằn gái xinh phơi thân vỉa hè
Khác với suy nghĩ thông thường PG là nghề sang chảnh "ăn trắng mặc trơn", hiện không ít các PG phải phơi mặt ngoài nắng nóng, đạp xe trên đường phố, thậm chí là đứng đường cùng với biển quảng cáo của các công ty.
Đứng đường: chuyện thường...
Nếu trước đây, địa điểm làm việc của các PG (Promotion Girl) thường là những nơi sang trọng như nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại... thì nay xuất hiện ngày càng nhiều các PG trên đường phố. Họ đạp xe đạp mang theo logo khẩu hiểu của công ty, đứng ở các ngã tư đường phố, cổng công ty để tiếp thị sản phẩm.
Nghề PG vốn được coi là công việc làm thêm lý tưởng của sinh viên bởi công việc này vừa đem lại thu nhập cao, lại thường xuyên được ăn mặc đẹp. Để được trở thành một PG, các bạn nữ phải có ngoại hình ưa nhìn, chiều cao ít nhất là 1m60. Với các PG đứng giới thiệu, tiếp thị sản phẩm tại các trung tâm thương mại, lễ khai trương, các PG thường được trả thù lao từ 100.000-500.000 đồng.
Hiện tại, nhiều PG không còn được làm việc tại những nơi máy lạnh mát rượi mà không ít cô bị đẩy ra đường dưới cái nắng chói chang và ánh mắt tò mò của người qua đường. Không những thế, mức thù lao của họ không tăng mà còn bị giảm sút đáng kể.
Lý do một phần bởi hiện nay, nhiều nhãn hàng không đặt ra yêu cầu quá khắt khe đối với PG của mình. Các công ty giờ thường quan tâm đến việc làm thế nào để tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất. Cũng vì thế, có nhiều đội PG hay xuất hiện ở cổng cơ quan, trường học để phát tờ rơi hay sản phẩm dùng thử miễn phí sau giờ tan tầm. Bên cạnh đó, một số công ty chọn hình thức thuê PG đạp xe ngoài phố.
Nhận xét về hình thức quảng cáo bằng PG ngoài trời, chị Lan Hương (29 tuổi, nhân viên văn phòng) nói: "Nhiều hôm ra đường nắng chang chang thấy các em PG đạp xe giữa phố đến tội. Mình đi xe máy, mặc áo chống nắng còn thấy khó chịu, trong khi các em ý đạp xe phơi mặt ngoài đường".
PG đạp xe trên phố, không mũ, không khẩu trang (ảnh Internet) |
Mục đích của những công ty thuê PG đạp những chiếc xe nhiều màu sắc trên phố là để thu hút sự chú ý của người qua đường. Thế nhưng, thường thì cảnh 10, 20 em PG gò lưng đạp xe trên phố lại chỉ khiến người tham gia giao thông cảm thấy bất tiện, thương cảm, thậm chí còn trêu chọc. Hình ảnh của sản phẩm không những không để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt người qua đường mà còn hứng chịu cái nhìn thiếu thiện cảm.
Chị Nguyễn Thu Anh (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) nhận xét, nhìn các em PG đạp xe ngoài phố, mặt đỏ gay, cau có làm chị mất cả cảm tình với sản phẩm mà các em đang quảng cáo.
Hồng Nhung (sinh viên năm thứ 3 Đại học Hà Nội) chia sẻ, ban đầu được bạn rủ đi thi tuyển làm PG thấy háo hức lắm, vì được diện váy đẹp, đến quảng cáo sản phẩm ở trung tâm thương mại, siêu thị. May mắn trúng tuyển, Nhung chưa kịp vui mừng thì được biết chương trình đầu tiên mình tham gia là đạp xe trên phố cùng với quy định không được đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng. Vì khó khăn lắm mới trúng tuyển nên Nhung vẫn cố tham gia, nhưng kết quả là làn da trắng của em đã chuyển thành màu bánh mật sau 5 ngày đạp xe diễu phố.
Nhung còn cho biết, cùng tham gia chương trình quảng cáo trên xe nói trên, có bạn phải bỏ ra không ít tiền tắm trắng để phục hồi làn da.
Và xuống giá
Không chỉ đạp xe diễu phố, gần đây còn xuất hiện cả các PG đứng đường. Những PG chân dài, váy ngắn được trả thù lao để cầm biển quảng cáo đứng ở ngã tư nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông, đặc biệt là những người đang đứng chờ đèn xanh đèn đỏ.
Một hệ thống cửa hàng bán điện thoại di động thuê nguyên một giàn PG mặc váy liền màu vàng, ôm sát cơ thể đứng quảng cáo cho sản phẩm của mình tại tại ngã tư Kim Mã, Liễu Giai. Trên tay mỗi PG là một tấm biển ghi địa chỉ một chi nhánh của hệ thống cửa hàng. Thế nhưng người đi đường dường như chú ý hơn đến độ ngắn của những chiếc váy mà các PG này đang mặc và tư thế đứng ngả nghiêng của những PG này hơn là nội dung tấm biển các cô đang cầm trên tay. Thậm chí, nhìn PG đứng dàn hàng ở ngã tư, nhiều người còn liên tưởng đến cảnh chọn vợ của các ông chồng Hàn Quốc, Đài Loan.
Không những thế, nhiều PG còn lấy biển quảng cáo che mặt để quay sang nói chuyện với nhau. "Có lẽ các bạn ấy ngại vì phải đứng ngay giữa ngã tư đông người qua lại nên phải lấy biển che mặt" - Nguyễn Văn Nam, sinh viên Đại học Luật nhận xét.
Xem ra, nghề PG không còn "hot" như trước. Thay vì quảng cáo sản phẩm ở những nơi lịch sự, sang trọng, nhiều PG bắt buộc phải làm việc tại các ngã tư đông đúc hay phơi người rong ruổi trên khắp phố phường để mong kiếm thêm chút thu nhập.
Nguồn: VEF