(Congannghean.vn)-Theo một cán bộ xã Thanh Lương, tại vùng đồng Yên Thịnh có 3 ha ruộng của xã xâm canh sang vùng đất Nam Thái. Trong số này có khoảng 2 ha cao cưỡng, không chủ động được nước, khó sản xuất, hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vài năm trở lại đây, ruộng các xã kề bên là Thanh Yên, Nam Thái cải tạo thấp hẳn xuống nên việc lấy nước lại càng khó khăn. Trong đợt chuyển đổi ruộng đất vừa qua, có 4 hộ dân xã Thanh Lương đã nhận vùng đất này và họ đã mạnh dạn cải tạo ruộng để dễ sản xuất.
Tại cánh đồng Yên Thịnh, theo quan sát của phóng viên, ruộng của 4 hộ dân được lấy sâu khoảng 50 cm. Theo nhẩm tính, mỗi sào ruộng (500 m2), số đất bị lấy đi không dưới 250 m3, bao gồm cả tầng đất mặt màu mỡ phục vụ sản xuất. Một hộ dân có ruộng được cải tạo cho biết, họ để Công ty CP Gạch ngói 30/4 lấy đất, đổi lại công ty trả cho các hộ dân 500.000 đồng/sào và đắp con đường từ giữa cánh đồng lên con đường chính để tiện vận chuyển lúa.
Một ý tưởng hay và bạo dạn của các hộ dân nhưng cái giá là quá đắt. Nông dân sẽ thuận tiện hơn trong việc vận chuyển lúa, dẫn nước vào ruộng nhưng sẽ phải sản xuất trên một tầng đất sét nặng, độ mùn thấp, nghèo chất dinh dưỡng... Hộ dân này có cách lý giải chẳng giống ai: “Đất ở đây tốt quá, phải lấy bớt tầng đất mặt đi thì lúa mới chắc hạt, năng suất cao(?)”.
Cánh đồng Yên Thịnh đang bị “móc ruột” về bán cho Công ty CP Gạch ngói 30/4 |
Toàn bộ cánh đồng Yên Thịnh - nơi sản xuất lúa của nông dân các xã Nam Thái, Thanh Lương, Thanh Yên nằm ở một vùng trũng thấp hoàn toàn so với địa hình xung quanh. Có thể nói, việc dẫn nước vào đồng ruộng sẽ không gặp mấy khó khăn nếu không có việc các xã Nam Thái, Thanh Yên “tiên phong” trong việc bán đất. Dưới danh nghĩa cải tạo ruộng, một lượng đất lớn đã được nông dân bán cho Công ty CP Gạch ngói 30/4. Và lần này, nông dân xã Thanh Lương buộc phải hạ thấp ruộng của mình nếu không muốn mùa màng thất bát.
Ông Nguyễn Như Đại, Giám đốc Công ty CP Gạch ngói 30/4 cho biết: Doanh nghiệp này đã khai thác nguồn đất cánh đồng này từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, công ty không trực tiếp khai thác mà thông qua một bên thứ 3, đó là các cá nhân có máy múc. Họ trả tiền cho các hộ dân, tự thuê xe chở đất, đem đến bán cho công ty theo phương thức lời ăn, lỗ chịu. Đợt này, công ty đang mua đất của một người tên Hải, công dân xã Thanh Yên với giá 300.000 đồng/xe 6m3. Công ty chỉ đứng ra đếm xe, mua đất tại nhà máy mà không có một mối liên hệ nào với chủ ruộng. Nếu thông tin ông Đại cung cấp là chính xác, với 250 m3 đất, bên thứ 3 sẽ thu về không dưới 10 triệu đồng trong khi người nông dân chỉ thu về 500.000 đồng. Đó quả là một sự so sánh quá chênh lệch.
Như vậy, sự việc đã rõ. Công ty CP gạch ngói 30/4 gần như hoàn toàn đứng ngoài cuộc, họ thu lợi từ việc mua đất, cho ra sản phẩm mà không phải chịu bất kỳ một khoản thuế nào từ việc mua đất. Trong khi đó, bên trung gian (bên múc, chở đất bán cho công ty) thu món lợi lớn. Còn chính quyền địa phương không biết hoặc ngó lơ để người dân “cải tạo ruộng”.
Nhà nước thất thoát nguồn thuế, còn người nông dân chỉ được cái lợi trước mắt: Không mất tiền cải tạo ruộng, được hỗ trợ mỗi sào đất 500.000 đồng. Đổi lại, họ sẽ phải sản xuất trên những thửa ruộng nghèo chất dinh dưỡng. Giữa cái được và cái mất, người nông dân cần phải cân nhắc kỹ. Chính quyền địa phương cũng không thể làm ngơ trước thực trạng này.