Gia đình xã hội

Phải học Bác Hồ trong xử lý tình hình

13:53, 13/05/2014 (GMT+7)
Ta với Trung Quốc là láng giềng, nhưng lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc thì Trung Quốc luôn bành trướng và đô hộ chúng ta. Chúng ta không quên thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ rất nhiệt tình - đó là thời kỳ Hồ Chí Minh. Vì thế chúng ta cần nhớ rằng, phải học tập Bác Hồ, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại.
 
- PV: Thưa ông, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vùng biển của Việt Nam, ông nhận định thế nào trước việc bày tỏ thái độ phản ứng gay gắt của người dân và Chính phủ Việt Nam quanh sự việc này?
 
- Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội: Trung Quốc hiện đang cố tình gây ra một vấn đề rất nóng  không chỉ riêng đối với Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á và thế giới. Dư luận trong nước, quốc tế bức xúc bởi đó là việc làm ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế, nó không đúng với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà chính Trung Quốc cũng tham gia ký. Thực tế người dân Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ, cụ thể là người dân ở trong nước và khắp nơi trên thế giới xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc, bày tỏ quan điểm đúng đắn của mình. Tôi cho rằng đó là thái độ rất kiềm chế và hòa bình. Nhân dân mong muốn Đảng và Nhà nước có thái độ đúng đắn, dứt khoát để xử lý vấn đề. Phải nói rằng, trước nguyện vọng đó, Chính phủ đã có sự nhìn nhận tình hình một cách sâu sắc. Và biểu hiện cao nhất là bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN tại Myanmar. Đây là một tuyên bố đanh thép, thể hiện thái độ rõ ràng, có tính nguyên tắc về mặt luật pháp quốc tế. Phát biểu của Thủ tướng được đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài đồng tình, bạn bè quốc tế hoan nghênh. Rõ ràng chúng ta không mong muốn xảy ra sự việc như vậy, nhưng sự việc xảy ra thì ta cần có thái độ kiên quyết.
 
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội
- Nhiều ý kiến cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thực chất chỉ là cái cớ. Đằng sau đó là những kế hoạch, toan tính nguy hiểm khác của họ tại Biển Đông. Nhận định này liệu có cơ sở và quan điểm của ông như thế nào?
 
- Tôi cũng có suy nghĩ như vậy. Theo tôi, Trung Quốc có ý đồ chiến lược của họ, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế. Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh và nóng, hiện họ đã đứng thứ hai thế giới và họ đang muốn vươn lên vị trí thứ nhất. Và để vươn lên được, họ cần xác định vị thế kinh tế và chính trị của mình. Trung Quốc đang rất cần một “biên giới mềm” và họ sẽ mở rộng ra chứ không chỉ bó hẹp trong bản đồ địa lý lịch sử đã vẽ lâu nay. Muốn vậy họ chỉ còn cách lấn ra biển, đó là nơi có tiềm năng kinh tế cực lớn và họ luôn khao khát. Tuy nhiên ở khu vực biển Hoa Đông họ vấp phải Nhật Bản - đó là cường quốc kinh tế, quân sự đồng thời là đồng minh của Mỹ. Đây là cản trở rất lớn và khó vượt qua, vì thế họ phải tính đến giải pháp khác dễ dàng hơn. Trong lúc này, lựa chọn dễ hơn cả là Biển Đông. Do đó không ngạc nhiên khi họ chủ trương gây căng thẳng tại khu vực này. Đây cũng là khu vực có vị trí chiến lược rất quan trọng về địa, chính trị lẫn kinh tế. Nếu độc chiếm được Biển Đông thì Trung Quốc sẽ bắn 1 mũi tên mà trúng 2 đích. Đó là đặt cả khu vực Đông Nam Á dưới tầm kiểm soát, đồng thời chiếm giữ con đường hàng hải huyết mạch trên Biển Đông. Tuy nhiên, thực hiện được ý đồ đó không dễ, họ sẽ vấp phải phản ứng của các nước trong khu vực và cả phản ứng của Mỹ. 
 
Ở đây chúng ta cần hiểu quan hệ giữa các nước lớn rất quan trọng. Ví dụ như quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nga… Xu hướng Trung - Nga hiện nay chủ yếu là hòa hoãn, nhất là khi Nga đang vướng vấn đề cần giải quyết tại Ukraine. Nga cần sự ủng hộ của Trung Quốc, và đây là cơ hội để Trung Quốc khai thác lợi thế đó. Mỹ hiện cũng rất khó khăn, gần đây Tổng thống Mỹ phải có chuyến công du châu Á để củng cố lại mối quan hệ với đồng minh. Vì thế đây là dịp để Trung Quốc thể hiện sức mạnh của họ và thăm dò xem Mỹ phản ứng tại khu vực này ra sao. Việt Nam độc lập, tự chủ và không phải đồng minh của Mỹ. Do đó, Trung Quốc chọn khu vực này để tiến hành các toan tính đã dự liệu từ trước. 
 
Ngày 12-5, Trung Quốc huy động các tàu hải cảnh, hải giám, tàu quân sự, máy bay bảo vệ giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép, tiếp tục khiêu khích thô bạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam cung cấp
Ngày 12/5, Trung Quốc huy động các tàu hải cảnh, hải giám, tàu quân sự, máy bay bảo vệ giàn khoan HD981 hạ đặt trái phép, tiếp tục khiêu khích thô bạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam
 
- Trung Quốc nhìn thấy Biển Đông có một vị trí chiến lược và việc đặt giàn khoan chỉ là một bước đi trong mưu toan vươn tay ra thâu tóm toàn bộ khu vực. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề Việt Nam và Đông Nam Á trong các chính sách của Trung Quốc?
 
- Việt Nam sau khi giành thắng lợi trong 2 cuộc chiến tranh, thống nhất đất nước đã gia nhập ASEAN. Nhưng phải nói rằng, trong nội bộ ASEAN cũng  chưa tập hợp được sự thống nhất cao nhất. Trung Quốc biết điều đó và chủ trương chia rẽ, khai thác, tận dụng rất sâu khía cạnh này. Chúng ta cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của ASEAN, tuy nhiên cũng cần xác định rằng sự ủng hộ đó cũng chỉ có giới hạn bởi trong khối cũng chỉ có một số nước có quyền lợi tại Biển Đông chứ không phải toàn bộ. Những nước không có quyền lợi sẽ tính toán sự hơn thiệt của họ trong quan hệ với Trung Quốc. Nói như vậy để chúng ta nhìn nhận sự việc theo cách đầy đủ nhất và có cách xử lý vấn đề tiếp theo đúng đắn nhất. Hiện nay rõ ràng việc Trung Quốc tạo căng thẳng trên Biển Đông đã ở mức độ rất nguy hiểm. Nếu giải quyết không khéo có thể dẫn tới xung đột lớn. Cho nên ở đây đặt ra bài toán về sách lược, bước đi tiếp theo nhằm xử lý sự phức tạp này đòi hỏi sự khôn ngoan của Đảng và Nhà nước ta.
 
- Từ việc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan xâm hại trực tiếp vùng biển của Việt Nam đến những chính sách của Trung Quốc với khu vực, liệu chúng ta có thể nhận định rằng Trung Quốc luôn tìm kiếm sự phát triển bằng cách gây những xung đột, phương hại đến quyền lợi với các nước láng giềng yếu hơn hay không, thưa ông?
 
- Thực tế hiện nay bất kỳ đất nước nào cũng đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia lên trên hết. Vấn đề là phải xử lý lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng giữa các nước như thế nào cho hài hòa. Đó là điều cần thiết và bản thân Việt Nam cũng hướng tới điều này. Chúng ta cũng tha thiết muốn Trung Quốc xử lý tốt mối quan hệ đó. Tuy nhiên tôi cho rằng đây là vấn đề khó bởi Trung Quốc luôn cho rằng mình là nước lớn và bản thân họ rất khao khát được trở thành 1 cường quốc đối chọi với Mỹ. Chúng ta cần hiểu điều đó để xử lý mối quan hệ với Trung Quốc.
 
Ta với Trung Quốc là láng giềng, nhưng lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc thì Trung Quốc luôn bành trướng và đô hộ chúng ta. Chúng ta không quên thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhân dân Trung Quốc đã ủng hộ rất nhiệt tình - đó là thời kỳ Hồ Chí Minh. Vì thế chúng ta cần nhớ rằng, phải học tập Bác Hồ, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại. Tại sao thời điểm đó, ta lại có được mối quan hệ tốt với Trung Quốc. Bác có hiểu Trung Quốc không? Rất hiểu. Nhưng Bác đã xử lý mối quan hệ đó rất tốt. Mặc dù tình thế hiện nay Trung Quốc đã đẩy vấn đề tới mức rất căng thẳng, nhưng theo tôi chúng ta cần phải tỉnh táo để Trung Quốc hiểu được cái tâm và tình cảm của chúng ta. Dù ta đã thể hiện rồi, nhưng theo tôi cần vừa kiên quyết vừa kiên nhẫn thêm nữa. Tôi tin là cả lãnh đạo 2 nước đều ý thức và hiểu điều đó. Chúng ta cần học tập Bác Hồ để xử lý tình hình hiện nay.
 
- Ông vừa nhắc lại bài học về việc xử lý mối quan hệ của Việt Nam với láng giềng của Bác Hồ. Đi vào vụ việc cụ thể  hiện nay trên Biển Đông, theo ông chúng ta cần giải quyết theo cách nào để bảo vệ lợi ích quốc gia mà không căng thẳng với Trung Quốc?
 
- Theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận theo chiều sâu về bản chất vấn đề. Từ đó chúng ta sẽ nhận thức được để không bị cuốn theo những hành động phi đạo lý của Trung Quốc, không tạo cho họ cơ hội đẩy tới những xung đột căng thẳng hơn, liều lĩnh hơn. Chúng ta lựa chọn phương án kiên trì kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao. Mặt khác ngay lúc này cần hỗ trợ, bảo vệ, động viên ngư dân kiên quyết bám biển, bám ngư trường truyền thống. Song song đó, ta phải tăng cường mạnh mẽ ngoại giao nhân dân. Lúc này các đoàn thể, hiệp hội như: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, các tổ chức hữu nghị, đặc biệt là các tỉnh biên giới cần phải có những bước đi liên tục thiết thực tăng cường quan hệ với các đoàn thể, tổ chức và nhân dân Trung Quốc. Cần làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rằng, có thể Chính phủ của họ gây căng thẳng với ta, nhưng nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng và thân thiện với nhân dân Trung Quốc. Từ đó giúp cho người Trung Quốc hiểu rõ bản chất vấn đề. Đó là cách giải bài toán hiện nay.
 
- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: anninhthudo.vn

Các tin khác