Gia đình xã hội
Chuyện ghi trên con đường huyền thoại
08:34, 13/05/2014 (GMT+7)
Bài 1: Người anh hùng đầu tiên của bộ đội Trường Sơn và kỷ lục "đi bộ một vòng trái đất"
(Congannghean.vn)-Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt được biết đến là người lập kỷ lục lái xe nhiều nhất trên đường Trường Sơn huyền thoại. Ông đã vận chuyển được hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường. Hàng năm, Đoàn Minh Nguyệt phải đi trên 300 ngày, có tháng ròng rã cả 30 ngày liên tục ngồi trên xe. Chiếc Gaz 63 đã cùng anh đi trên 95.000 km an toàn, vận chuyển trên 600 chuyến.
*Bài 2: Anh hùng “vận tải” Đoàn Minh Nguyệt và những chuyến xe vượt Trường Sơn
Trong chiến tranh, Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt là anh hùng trên trận tuyến. Giữa thời bình, ông là một cựu chiến binh miệt mài với mặt trận kinh tế, có nhiều đóng góp cho quê hương. Nổi tiếng là một thương gia trong thời bình, song vợ chồng ông lại sống giản dị trong ngôi nhà đơn sơ ở xóm 22, xã Nghi Phong (Nghi Lộc).
Những chuyến xe vượt mùa mưa trên đỉnh Trường Sơn
Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt (SN 1932) ở xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Là con thứ 5 trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em. Năm 1964, Đoàn Minh Nguyệt trúng tuyển vào quân ngũ, đóng quân ở Sư đoàn 308 (Hà Đông) và được cử đi đào tạo lái xe ở trường lái xe của quân đội. Một năm sau, ông được điều vào tuyến lửa và gắn bó với các tuyến đường Trường Sơn huyền thoại trong nhiều năm liền. Tháng 1/1965, ông được phiên chế vào Binh trạm 1, Cục Hậu cần Quân khu 4. Công việc lúc bấy giờ là vận chuyển hàng hóa chi viện cho tiền tuyến. Nhận chiếc xe Gaz 63, Đoàn Minh Nguyệt bắt đầu những chuyến hàng đầu tiên, băng qua mưa bom, bão đạn để kịp thời phục vụ cho đồng đội nơi chiến trường, băng qua các cung đường ác liệt nhất như Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao.
Những lần vượt đạn bom, đến nay trong ký ức người anh hùng vẫn còn vẹn nguyên. Ấy là chuyến vượt cầu Om ở xã Nhân Sơn (Đô Lương), xe gặp một loạt 5 quả bom nổ chậm. Trước tình thế tưởng chừng như “tiến thoái lưỡng nan” ấy, không ngần ngại, anh đã mạnh dạn tăng tốc cho xe vượt qua trước khi bom kích nổ và kịp thời giao hàng đúng thời gian, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hoặc như vào năm 1968, trong một lần chạy xe vận chuyển hàng, đường qua phà Linh Cảm bị tắc sau một trận rải bom dữ dội của máy bay Mỹ, xe ông phải rẽ xuống đường 1A để qua phà Bến Thủy. Trong lúc đang đưa xe lên phà thì bất ngờ có còi báo động, 1 tốp máy bay từ hướng Đông Nam lao vun vút ồ ạt trút bom vào bến phà. Những chiếc xe đã lên phà đều bốc cháy. Nhiều người bị thương và không ít người hy sinh dưới làn bom ấy. Đoàn Minh Nguyệt và xe cũng không tránh khỏi hệ lụy. Ông bị hất tung ra khỏi xe, rơi xuống sông với chi chít vết thương trên cơ thể nhưng vẫn lấy hết sức mình, tỉnh táo hô hoán mọi người dập lửa cứu hàng, cứu xe và khi ngọn lửa cuối cùng được dập tắt cũng là khi anh kiệt sức ngất lịm.
Vợ chồng Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt giữa đời thường |
Anh hùng vận tải trên tuyến đường Trường Sơn
Bốn năm trời gắn bó với chiếc xe Gaz, không biết bao nhiêu chuyến hàng, bao nhêu con người đã được chi viện cho tiền tuyến từ bàn tay của người “tài xế” Đoàn Minh Nguyệt. Anh đã vận chuyển được hơn 1.000 tấn vũ khí, lương thực và hàng trăm chiến sĩ vào chiến trường. Hàng năm, Đoàn Minh Nguyệt phải đi trên 300 ngày, có tháng ròng rã cả 30 ngày liên tục ngồi trên xe. Chiếc Gaz 63 đã cùng anh đi trên 95.000 km an toàn, vận chuyển trên 600 chuyến để đưa người và hàng đến nơi đúng thời gian quy định. Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, địch đánh phá huỷ diệt Ngã ba Đồng Lộc, các tuyến đường luôn bị chia cắt, nhu cầu vận tải ngày càng tăng, chiếc GAZ 63 không còn đáp ứng được yêu cầu của thời thế. Nó được thay thế bằng chiếc Zil khỏe hơn.
Cuối năm 1969, Đoàn Minh Nguyệt được cử làm Tiểu đội trưởng chỉ huy 3 chiếc Zil chở hàng và vũ khí chi viện cho chiến trường Lào, chỉ huy 3 chiếc xe có gần 15 tấn hàng vượt qua tuyến đường “sinh tử” để sang được chiến trường Nam Lào. Sau bao tháng ngày vất vả, gian nan, vượt qua bao cửa ải khốc liệt, chống chọi với những cơn sốt rét rừng trên nước bạn, cuối cùng 3 chiếc xe vận tải của Tiểu đội cũng đến được Bộ chỉ huy mặt trận Nam Lào an toàn và bàn giao đầy đủ vũ khí, đạn dược. Với thành tích xuất sắc đó, Đoàn Minh Nguyệt đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, vinh dự được Bác Hồ gắn huy hiệu của Người tại Đại hội điển hình lái xe miền Bắc năm 1968 và ngày 25/8/1970, Đoàn Minh Nguyệt được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Anh hùng giữa đời thường
Năm 1983, Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt trở về quê hương sau hơn 15 năm chinh chiến khắp các chiến trường Bắc Nam, bắt đầu hành trình chinh phục đói nghèo trong thời bình, kiếm sống với đủ thứ nghề. Từ lão nông tri điền, bầu bạn với ruộng đồng, ông chuyển sang kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực song mây xuất khẩu và bất động sản, nhà hàng, khách sạn. Năm 2000, ông đã là chủ sở hữu của khách sạn Nga Ngọc Ngà (đặt theo tên của ba người con) ở thị xã Cửa Lò. Năm 2004, khi phong trào nuôi tôm ở Nghi Hợp phát triển, ông đã mua 22.000 m2 đất ở Nghi Hợp dùng để nuôi tôm. Ông thuê người đào ao, xây cống và hệ thống tiêu nước ròng rã hơn 1 tháng trời để làm ao. Với 4 hồ nuôi tôm, mỗi năm, đầm tôm của ông cho thu hoạch sản lượng 5,5 tấn. Vừa nuôi tôm, ông vừa mua thêm một mảnh đất 5.000 m2 làm trang trại tổng hợp ở Nghi Phong cách nhà 300 m. Trong đó 2.000 m2 là ao nuôi cá, diện tích còn lại để nuôi các loại gia súc, gia cầm như bò, lợn, gà, vịt và trồng lúa, lạc, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi.
Lý do bén duyên với xứ Nghệ, Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt cho biết, chiến trường lửa đạn, ông đã phải lòng cô gái xứ Nghệ Nguyễn Thị Tuất, người vợ hiền thảo của ông bây giờ nên quyết tâm lập nghiệp ở miền Trung. Đã bước sang tuổi 82, không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình Anh hùng Đoàn Minh Nguyệt luôn quan tâm và đi đầu trong công tác hoạt động từ thiện tại địa phương. Mỗi năm, gia đình ông ủng hộ 30 triệu đồng cho các phong trào, hoạt động của địa phương, trong đó có ủng hộ để xây dựng trường học, đài tưởng niệm, xây nhà tình nghĩa và giúp đỡ những gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn.
Năm 2008, Cục xe máy Quân đội đã tổ chức bàn giao hai chiếc xe do Anh hùng LLVTND Đoàn Minh Nguyệt cầm lái trong nhiều năm trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại là chiếc Gaz 63 và chiếc Zil 157 cho Khu Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Đây cũng là hai chủng loại xe tiêu biểu, đặc trưng cho các đoàn xe ra trận thường xuyên đi qua Ngã ba Đồng Lộc trong những năm chiến tranh ác liệt. Trước khi bàn giao, trong vòng hai tháng, cán bộ, công nhân Xưởng B67 Quân khu 4 đã tìm kiếm, sưu tầm những chi tiết phụ tùng để phục chế nguyên bản như những chiếc xe ra trận thời kháng chiến chống Mỹ. Hiện, hai chiếc xe này đang được trưng bày tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc. |
Thiên Thảo