Những con số mà Bộ Y tế công bố tại cuộc họp về dịch bệnh mùa hè chiều 8/5 đã cho thấy, không phải dịch sởi đã lắng xuống như Bộ này đã khẳng định, mà tình hình vẫn tiếp tục gia tăng, ở cả số mắc lẫn số nhập viện. Trong khi đó, căn bệnh cực kỳ nguy hiểm là MERS-CoV ở Trung Đông, cúm A (H7N9) tại Trung Quốc, dịch tay-chân-miệng (TCM) cũng đang rình rập, với nguy cơ xâm nhập vào nước ta rất lớn. Đó là những thách thức không nhỏ cho sức khỏe, tính mạng người dân hiện nay.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngày 7/5, đã có thêm 49 trường hợp mắc sởi được xác định, nâng số người mắc sởi đã được xét nghiệm lên 4.184 trường hợp trong số 16.180 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Con số này tăng gấp đôi so với đợt Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra thực địa tại BV Nhi TW giữa tháng 4/2014 và cũng tăng gấp đôi so với toàn bộ vụ dịch mấy năm trước, trong khi, đợt dịch này vẫn còn đang diễn ra phức tạp. Điều đó có thể thấy, con số mắc sởi chưa biết sẽ nhiều gấp bao nhiêu lần vụ dịch trước.
Nỗi lo đối phó với dịch sởi vẫn còn nguyên vẹn, thì dịch TCM cũng lại ập đến. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã có 18.659 trường hợp mắc TCM tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đáng lo ngại là bệnh TCM vẫn có số mắc cao và tập trung ở khu vực miền Nam với 15.024 trường hợp (chiếm 80,5% số mắc cả nước). 5 tỉnh có số mắc tăng cao là TP Hồ Chí Minh tăng 34,9%, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 20,6%, Cà Mau tăng 15,3%, Kon Tum tăng 52,4%.
Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải các ca bệnh sởi nặng |
Do tác nhân gây bệnh ở phía Nam chủ yếu là EV71, nên các ca bệnh ở khu vực này cũng nặng hơn phía Bắc. Bộ Y tế cho rằng, bệnh TCM có ở hầu hết các tỉnh và bắt đầu gia tăng, trong khi đó bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin dự phòng, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt, nên có nguy cơ dịch bùng phát mạnh trong thời gian tới.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng bày tỏ lo ngại khi căn bệnh MERS-CoV có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, vì Việt Nam cũng có nhiều người học tập, lao động tại Trung Đông, rất có thể bị lây nhiễm và mang mầm bệnh vào nước ta. Bệnh nguy hiểm khi mà tỉ lệ tử vong cao, hiện đã có 146 người chết, trong khi việc ứng phó với MERS-CoV rất khó khăn vì chưa có vaccin, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhiều trường hợp không có biểu hiện nên rất khó kiểm soát, làm tăng khả năng lây lan trong cộng đồng
Một căn bệnh nữa cũng khiến ngành Y tế phải gióng lên hồi chuông cảnh báo là bệnh sốt xuất huyết (SXH). 4 tháng qua, đã có 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố và đã có 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. Có 18 địa phương có trên 100 trường hợp mắc SXH, tập trung tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Cho đến nay, số mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam khi chiếm 83,8% số mắc cả nước. Bộ Y tế lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng của bệnh SXH, khi hiện bắt đầu mùa mưa (tháng 5), cũng là thời điểm vào mùa dịch. Vì thế, số mắc đang gia tăng mà bệnh chưa có thuốc và vaccin điều trị đặc hiệu, cùng với tập quán trữ nước tại nhiều địa phương, khiến nguy cơ xảy ra dịch là rất lớn.
Dịch có thể chồng lên dịch, khiến số người mắc bệnh và tử vong sẽ là không nhỏ, đang là nguy cơ hiện nay. Nhất là khi, hầu hết các bệnh gây tử vong cao đều có chung đặc điểm là chưa có vaccin phòng, chưa có thuốc điều trị và khó xác định triệu chứng. Vì thế, để phòng, chống dịch, cùng với ngành y tế, đòi hỏi sự tự nỗ lực của từng người dân, để ngăn dịch ngay từ mỗi mái nhà, trước hết, bằng việc giữ vệ sinh sạch sẽ, ăn chín, uống sôi.
.