Gia đình xã hội
Đừng biến mình thành "nô lệ" của những trò nhảm nhí
(Congannghean.vn)- Phong tục tín ngưỡng là nét văn hóa có tự ngàn đời vẫn tồn tại song hành cùng cuộc sống thường ngày của người dân. Tết đến, Xuân về, mọi người đều có những ước muốn, khát vọng cho năm mới an lành, hạnh phúc, công danh thành đạt… được đến với mình và người thân bằng việc thành kính hương khói ông bà, tổ tiên, đi chùa cầu may, đi đền cầu an. Tuy nhiên, phía sau những tập tục đó, nắm bắt được tâm lý của người dân vào dịp đầu năm, nạn bói toán, mê tín dị đoan lại nở rộ khiến cho không ít gia đình rơi vào cảnh dở khóc, dở cười, thậm chí còn tan gia bại sản.
Việc tự do tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của người Việt chúng ta thì pháp luật không ngăn cản. Nhưng, lợi dụng tín ngưỡng tâm linh để truyền bá những cái xấu, những điều viển vông, trái với đạo đức con người hoặc dùng nó để lừa gạt, mị dân thì đó là điều hoàn toàn trái với pháp luật của Nhà nước. Ở nước ta, việc tin vào bói toán, mê tín dị đoan khiến không ít vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra. Thậm chí, có những vụ án mạng xảy ra, con giết cha, vợ sát hại chồng… nguyên nhân sâu xa cũng chỉ vì tin vào bói toán.
Hay những mâu thuẫn vợ chồng, con cái với bố mẹ cũng bắt nguồn từ lời thầy phán phải “giải hạn” bằng cách chia rẽ như vậy. Nhiều người vì quá tin vào việc bói toán mà bỏ qua tất cả những khuyên can của người thân để trở thành nô lệ tinh thần cho trò “chỉ giáo” của những “thầy” bói toán… Việc “đáp lễ” để được “thầy” phán tránh hạn, đen đủi hay cách gặp may mắn cũng không phải là ít. Thậm chí, có những người còn tặng nguyên cả hiện vật có giá trị hàng trăm triệu đồng cho “thầy” chỉ vì tin vào những lời “chém gió”. Và, đằng sau những hệ quả không đáng có của những trò bói toán, mê tín dị đoan là tiền mất mà “vận hạn” vẫn mang.
Sự mê muội tin vào những điều không có thật khiến nhiều người dễ sa vào bẫy lừa đảo của các trò mê tín dị đoan - Ảnh minh họa |
Đơn cử như trường hợp “thầy” Trần Văn Đ. ở xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) mà báo chí đã phản ánh trong năm 2013 vừa qua là một ví dụ. Không hiểu sao sau khi đi biệt xứ một thời gian, khi quay trở về địa phương sinh sống, “thầy” Đ. đã lập am thờ ở giữa trang trại mà gia đình ông này dựng lên cách xa khu dân cư thờ các thánh thần rồi tự xưng mình là thầy thuốc, thầy cúng và thầy giải hạn cho người khác. Với sự chịu khó lắng nghe câu chuyện thời sự từ nhiều kênh khác nhau và học “mót” được các chiêu chế tác thuốc nam, “thầy” Đ. đã phán cho rất nhiều người dân trong vùng.
Vì trình độ dân trí còn hạn chế, lại nói trúng vào tâm lý của những số phận, hoàn cảnh không thể cứu chữa được nữa nên nhiều người đã lầm tin vào vị thầy bói kiêm thầy lang này một cách mù quáng. Có rất nhiều người đã phải theo “thầy” Đ. hàng năm trời vì căn bệnh ung thư mà y học bó tay để nộp tiền của cho vị lang băm này bốc thuốc kết hợp với bói toán. Mà theo chúng tôi tìm hiểu, kiểm chứng thì những thang thuốc mà “thầy” Đ. này bốc cho người bệnh uống là thứ không hề có trong danh mục các vị thuốc cũng như công dụng của nó trong Đông y.
Ông Trần Văn T. ở tận Gia Lai bị bệnh vôi hoá cột sống nhiều năm nay không chịu đi khám chữa tại bệnh viện, sau khi diện kiến với “thầy” Đ., ông T. đã tin tuyệt đối vào lời của vị thầy bói kiêm thầy lang này. Ông T. không nghe theo lời khuyên can của người thân mà vẫn âm thầm đem tiền bạc trong gia đình để “thầy” Đ. gửi thuốc nam vào tận Gia Lai chữa bệnh. Có lúc, “thầy” Đ. còn chữa bệnh, khuyên can việc hương khói, mồ mả tổ tiên cho ông T. bằng điện thoại. Chính vì tin vào những lời bói toán và phác đồ điều trị của “thầy” Đ. mà gần 2 năm qua, ông T. bệnh vẫn hoàn bệnh, tâm trí thì không được như người bình thường.
Đó chỉ là trường hợp của “thầy” Đ. Còn thực tế, trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua, vẫn xuất hiện nhiều “thầy” tự xưng là biết vận mệnh của người khác rồi phán vô tội vạ. Tinh vi hơn, nhiều điểm bói toán còn bố trí lực lượng vệ tinh để dò la về gia cảnh, tiểu sử về những “thân chủ” của mình để nói lại với “thầy” biết trước khi vào lễ tạ. Thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhiều “cô”, “thầy” còn sử dụng những trang rao vặt trên internet câu like, tạo comment để thu hút một bộ phận giới trẻ tin vào bói toán.
Đặc biệt, vào những dịp đầu Xuân, sau Tết Nguyên đán hàng năm, dịch vụ bói toán lại ngang nhiên xuất hiện, “hành đạo” ở khắp các chùa, đền. Nhiều trò bói toán bịp bợm còn trắng trợn lừa đảo người dân khiến cho nhiều người phải rước họa vào thân, gia đình ly tán. Tín ngưỡng bằng hình thức tâm linh không có gì xấu. Nó chỉ không đẹp nếu chúng ta cứ mãi rơi vào ảo tưởng không có thật.
Ngọc Thái