Gia đình xã hội
Câu chuyện dài về dùng tiền lẻ trong mùa lễ hội
Đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh mong thanh thản trong tâm sau những ngày tháng vất vả mưu sinh.
Tuy nhiên, khoảng 20 năm nay, việc đi chùa đã biến tướng thành sự mua bán, đổi chác mà theo đánh giá của ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL), thì “việc mang tiền giắt vào tay tượng Phật, rải đầy dưới chân, dưới sàn là sự phỉ báng, hối lộ thánh thần”. Qua đó phản ánh tư duy thực dụng của xã hội hiện đại, suy nghĩ có thể dùng tiền mua được tất cả, thậm chí là thần thánh.
Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của sự "lạm phát" các hòm công đức. Vì mục đích ban đầu của các hòm công đức là đựng tiền lẻ đặt trên các ban thờ. Tuy nhiên, dần dà, các nguồn tiền trên ban, tiền trong hòm công đức và tiền mua công đức, ghi sổ vàng trở thành 3 loại tiền tách bạch nhau. Vô hình trung, chính những hòm thu tiền mang danh “công đức” kia càng kích thích, khuyến khích tâm lý dùng tiền để cầu mong thánh thần phù hộ của người đi lễ.
Mỗi mùa lễ hội Chùa Hương thu khoảng 1.200 bao tải tiền lẻ. Ảnh minh họa |
Thậm chí, ở một số địa phương, số tiền trong hòm công đức là do chùa, di tích quản lý, còn tiền ghi công đức là do chính quyền địa phương quản lý. Và việc nhiều ban quản lý di tích hay đền chùa đặt quá nhiều hòm công đức khắp di tích ở góc độ nào đó là tận dụng, lợi dụng hoặc thậm chí là tận thu...
Lãng phí
Trong các đợt đi kiểm tra lễ hội trước đây, ông Phạm Xuân Thủy, Cục trưởng Cục Di sản cho biết ở những khu vực lễ hội có tiếng là “thiêng”, “linh” như đền Bà Chúa Kho, Phủ Giày người dân nhét tiền lẻ vào hậu cung dày đến gần 1m! Rồi những ao, giếng ở chùa Hương hay am thờ Mỵ Nương ở đền Hùng cũng hàng lớp tiền dầy bị ném xuống giếng. Điều này vô cùng phản cảm. Không những thế còn là xâm phạm tài sản quốc gia.
Theo ông Thủy thì trên đồng tiền dù mệnh giá nhỏ nhất cũng có hình ảnh Bác Hồ và Quốc huy của quốc gia. Hành động ngồi, dẫm lên hay vứt liệng tiền bừa bãi vừa xúc phạm lãnh tụ, gây ảnh hưởng tới tôn nghiêm di tich, vừa gây lãng phí lớn
Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Chí Thành chi phí in một đồng tiền mệnh giá nhỏ cao hơn nhiều lần so mới mệnh giá của nó. Chẳng hạn, in tờ 200 đồng cũng như 1 tờ 500.000 đồng đều là 317 đồng. Ngoài ra, những chi phí liên quan đến phát hành kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản, loại tiền nhỏ này cũng rất tốn kém. Mặc dù những tờ tiền có mệnh giá nhỏ như 1.000 đồng, 2.000 đồng hiện nay không còn nhiều giá trị tuy nhiên vẫn phải in để lưu hành. Bên cạnh đó, nhu cầu tiền lẻ lớn đã phát sinh loại hình đổi tiền ăn chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân, lưu thông tiền tệ và cảnh quan di tích.
Trước đề xuất của Bộ VHTTDL nhằm nỗ lực hạn chế lượng tiền lẻ tung ra thị trường rồi tấn công các đình chùa, cuối năm 2013, NHNN đã có công văn số 9478 gửi Bộ VHTTDL về quản lý hoạt động đổi, mua bán tiền lẻ tại khu di tích. Bộ VHTTDL đã có công văn yêu cầu các Sở kiểm soát, ngăn cấm và quản lý chặt, không để tình trạng trao đổi, mua bán tiền lẻ diễn ra ngang nhiên tại các khu di tích như trước đây.
Đồng thời, NHNN cũng đã công bố sẽ hạn chế in tiền lẻ mới có mệnh giá dưới 2.000 đồng vốn thường được dùng để phục vụ cho các hoạt động tín ngưỡng vào ngày Tết. Tuy nhiên, NHNN chỉ ngừng in tiền lẻ, đến giữa năm việc phát hành tiền lẻ mệnh giá thấp sẽ vẫn tiếp tục nhằm phục vụ mục đích lưu thông. Do đó, sẽ không khó để thấy những người trục lợi từ tiền lẻ sẽ tích tiền suốt 6 tháng để “bung” ra vào dịp lễ hội đầu năm sau. Như vậy, việc hạn chế tiền lẻ vào đình chùa vẫn không thực hiện được, mà tiền lưu thông vẫn thiếu.
Thêm vào đó, việc khan hiếm tiền mới khiến việc đổi tiền trở nên khó khăn và mất phí cao. Kẻ buôn tiền sẽ tăng giá trục lợi, chỉ có người đi chùa là tốn kém hơn.
Chẳng hạn, nếu đổi cả cọc loại 2.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng thì “10 ăn 9”, tiền 5.000 đồng phí đổi là 14%, 50.000 đồng phí 9%.... Riêng tiền mệnh giá 1.000 đồng thì hoàn toàn không còn tiền mới nguyên seri mà chỉ còn tiền đã qua sử dụng một lần.
Thay đổi thói quen là câu chuyện dài
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mùa lễ hội xuân Giáp Ngọ 2014 của Bộ VHTTDL là triệt để ngăn cấm tệ mua, bán, trao đổi tiền lẻ tại di tích, lễ hội.
Tuy nhiên, trong thẩm quyền của mình, cơ quan chức năng chỉ có thể cấm mua bán trao đổi tiền lẻ ngang nhiên tại các khu di tích chứ không thể cấm người dân nhét tiền lẻ bừa bãi. Chừng nào người dân vẫn thích đem tiền lẻ rải khắp di tích thì vẫn có người cung cấp cho họ, theo nhiều cách khác nhau. Do đó, việc thay đổi tư duy nhận thức của nhân dân mới là giải pháp lâu dài, bền vững.
Các Ban quản lý di tích trong thẩm quyền của mình cũng chỉ có thể tuyên truyền bằng các biển báo, biển nội quy hoặc loa để nâng cao nhận thức của người dân về hành động phản cảm này chứ cũng không thể ngăn cấm hết hoặc xử lý nếu người đi lễ cố tình vi phạm.
Theo ông Phạm Xuân Thủy, việc sử dụng tiền lẻ đi lễ đã trở thành tập quán trong gần 20 năm nay, do đó để loại bỏ thói quen này không phải câu chuyện trong ngày 1 ngày 2 mà có lẽ phải mất vài năm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta không đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để dần nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi tư duy, hành động của nhân dân.
Ngoài ra, theo quan điểm của Trưởng Ban quản lý đền Bà Chúa kho Nguyễn Thành Lập thì “sử dụng tiền lẻ bừa bãi chủ yếu là người kinh doanh và nhân viên, công chức chứ người nông dân một năm vất vả kiếm được rất ít tiền, họ sẽ không phung phí quẳng tiền bừa bãi như thế”.
Do đó, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng, ban quản lý di tích, lễ hội, nên chăng chính các cơ quan, công sở cũng phải vào cuộc tuyên truyền, thậm chí ngăn cấm cán bộ nhân viên của mình không lạm dụng tiền lẻ bừa bãi nơi đền chùa miếu mạo.
Đồng thời, chúng ta cần 1 chế tài xử phạt mạnh hơn với những người vẫn cố tình buôn bán trục lợi từ tiền giả.
Có như vậy, thì tình trạng tiền lẻ rải khắp các khu di tích, trong các mùa lễ hội mới có thể bị hạn chế, tiến tới chấm dứt trong tương lai không xa.
Chinhphu