Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/doc-dao-dem-ruoc-dau-cua-dan-toc-thai-447948/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201402/doc-dao-dem-ruoc-dau-cua-dan-toc-thai-447948/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Độc đáo đêm rước dâu của dân tộc Thái - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 06/02/2014, 08:49 [GMT+7]

Độc đáo đêm rước dâu của dân tộc Thái

(Congannghean.vn)- Đã từ rất lâu, người dân tộc Thái ở một số nơi của huyện Con Cuông có tục lệ rất đặc biệt, đó là trong ngày cưới, chú rể chỉ được rước cô dâu về nhà vào ban đêm, khi bắt đầu chuyển giao giữa ngày cũ và ngày mới. Họ quan niệm rằng, rước dâu ban đêm thì cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ sẽ gặp nhiều may mắn, con cháu khỏe mạnh, gia đình đầm ấm. Người Thái còn có tục bốc vía, với ý nghĩa cầu mong cho con người có sức khỏe mãi mãi. Những tục lệ kỳ lạ này vẫn được người dân tộc Thái duy trì và lưu giữ từ đời này sang đời khác như một bản sắc văn hóa riêng…

Chúng tôi gặp cụ ông Lô Thanh Biến, một già làng ở bản Tân Hương, xã Yên Khê. Trong cái nắng hoe vàng của chiều Xuân, con người ông như được nhuộm một vẻ kỳ bí. Giọng khàn khàn như tiếng con nai già trong rừng sâu, ông kể: Tôi đã sống gần 70 năm tại đất này, nhưng không biết tục rước dâu ban đêm có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, vào giữa đêm khuya, khi con gà trống cất tiếng gáy lảnh lót vào canh một trong rừng sâu, cũng là lúc trời đất giao hòa chuyển sang một ngày mới thì khi đó cô dâu bước về nhà chồng.

Tục này đã tồn tại từ hàng nghìn đời nay và cho đến bây giờ vẫn không hề mai một. Người dân tộc Thái quan niệm rằng, ban ngày, ma và quỷ dữ thường lang thang vất vưởng trên đường hay bên gốc cây, nếu rước dâu ban ngày thì ma và quỷ sẽ theo về phá hoại hạnh phúc của đôi vợ chồng mới cưới. Do đó, rước dâu vào thời khắc giao hòa của ngày và đêm, cuộc sống của đôi vợ chồng sẽ bình yên, hạnh phúc suốt đời. Bởi đây là thời khắc của ngày giờ mới, sẽ quy tụ được những tinh túy hồn thiêng sông núi, nhất là hưởng được nhiều phước lộc của trời cũng như của các vị thần linh ban tặng, nên vợ chồng sẽ làm ăn phát đạt, sinh được con đàn, cháu đống.

Trong đám cưới của người Thái còn có tục lệ rất đặc biệt, đó là tục rửa chân cho cô dâu khi bước vào nhà chồng. Việc rửa chân cho cô dâu cũng với mục đích xua đuổi tà ma và những bụi trần, để cô dâu bước vào ngôi nhà mới với tâm hồn trong sáng, thánh thiện. Theo phong tục này, chú rể đưa cô dâu vào nhà, lúc vừa bước lên bậc cầu thang thứ nhất thì bà mối đã chờ sẵn cùng với một chậu đồng đựng nước suối trong như mắt mèo rừng, trong đó có ngâm một đồng xu bằng bạc.

Cô gái trẻ người Thái hạnh phúc bên đứa con nhỏ

Trước khi vào làm lễ gia tiên, bà mối sẽ rửa chân cho cô dâu và trao tặng một vòng bạc cầu may. Sau đó, cô dâu và chú rể cùng nhau bước song song lên cầu thang, cả hai phải bước đều nhau, không ai được bước trước hoặc bước sau cho đến khi lên đến tận nhà. Người Thái quan niệm, hai vợ chồng cùng bước song song sẽ sống cùng nhau đến đầu bạc, răng long. Tiếp theo, nhà trai sẽ đưa cô dâu vào buồng, làm lễ ăn cơm, uống rượu chung với chồng. Tân lang và tân nương sẽ trao vòng bạc cho nhau (tương tự nhẫn cưới của người Kinh), thề non hẹn biển sẽ thủy chung đến cuối đời, chỉ có cái chết mới chia lìa được họ mà thôi.

Trời đã buông hoàng hôn tím sẫm, cụ ông Lô Thanh Biến vẫn chậm rãi kể trong cái se lạnh của mùa Đông. Cũng cần nhắc đến lúc đi xin dâu, khi chạm ngõ nhà gái, chú rể phải vượt qua một thử thách về nghị lực, trí thông minh và lòng dũng cảm. Lúc đó, cửa nhà cô dâu đóng kín, không gian tĩnh lặng. Để vào được nhà, chú rể phải vượt qua một cuộc thi đối đáp, làm vừa lòng nhà gái. Thông thường, nghe tiếng nhà trai đến, nhà gái sẽ cất lời theo dạng đối chữ và nhà trai phải đáp lại.

Chủ đề là sau này vợ chồng có chung sống hạnh phúc trăm năm được hay không, có nuôi con cái trưởng thành được hay không, hai bên thông gia có được bền lâu hay không? Chỉ khi nhà gái thấy ưng ý, lúc ấy cửa mới được mở ra đón chú rể vào nhà. Tiếp đến, trong quá trình đón dâu, nhà gái tiếp tục thử thách nhà trai với màn mời ngồi. Đây được xem là màn đối đáp vui và hài hước nhất của đám rước dâu.

Khi nhà gái trải chiếu giữa nhà mời phía nhà trai ngồi xuống, cứ sau mỗi câu hát khiêu khích của phía nhà trai, nhà gái lại đưa ra lý lẽ của mình để thuyết phục khách ngồi vào chiếu. Sau nhiều lần hát đi hát lại, cuối cùng nhà trai cũng phải chấp nhận ngồi vào chiếu. Và khi những vị khách này đã an tọa, nhà gái lại tiếp tục màn mời trầu. Cũng bằng lời hát ví von, khi cơi trầu được bày ra mâm, nhà gái lại cất lời hát đề cập đến sự khéo léo trong cách têm trầu, để có được cơi trầu thơm ngon đãi khách trong ngày trọng đại của đôi trẻ.

Ông Lô Thanh Biến kể về tục lệ độc đáo của người Thái với giọng đầy tự hào
Ông Lô Thanh Biến kể về tục lệ độc đáo của người Thái với giọng đầy tự hào

Cũng không vừa, phía nhà trai đáp trả bằng màn từ chối khéo. Cứ như thế, đôi bên hát đi đối lại làm cho cuộc rước dâu càng thêm vui nhộn. Ngoài việc giữ gìn phong tục của dân tộc mình trong ngày cưới, với người Thái, việc hát đối đáp còn có thêm mục đích khác là kéo dài cuộc nói chuyện để chờ thời khắc rước dâu.

Ông Biến kể về những nghi lễ trong đám cưới cho chúng tôi nghe với giọng đầy tự hào: Trong đám cưới của người Thái, theo trình tự có rất nhiều lễ. Thứ nhất là lễ xin cưới, trong lễ xin cưới có các lễ nhỏ khác như lễ thăm chào, lễ thăm tháng. Tiếp nữa, nhà trai dâng một mâm lễ và gọi đôi trai gái ra hỏi chuyện xem họ đã thực sự ưng nhau chưa. Nếu ưng rồi thì nhà trai tiếp tục dâng một mâm lễ khác và giới thiệu ông mối, bà mối cho đôi trai gái.

Sau khi nhà gái đã chấp nhận các mâm lễ ở trên, nhà trai tiếp tục dâng một mâm lễ khác để xin nhà gái thông báo nộp tài. Tiếp đến, nhà trai trình lễ để bốc vía cho bố mẹ đẻ của cô dâu. Sau đó, hai bên thỏa thuận và hẹn ngày giờ xin cưới.

Sau khi thực hiện xong lễ xin cưới sẽ đến lễ cưới. Bắt đầu vào lễ cưới, anh em hai họ tập trung sum họp cho đến khi nhà trai cất gánh đến nhà gái. Nhà trai phải mang theo một mâm cỗ (còn gọi là mâm keng hẻng) gồm 1 buồng cau, 1 bó lá trầu và cá nướng để xin rước dâu. Còn bên nhà gái bày các mâm gồm bàn thờ cúng trong bếp, dưới sân và cúng ma bên ngoại. Sau khi nhà gái cúng xong thì đưa chú rể ra chào hỏi và giới thiệu với những cụ ông, cụ bà, anh em trong họ hàng (gọi là mừng rể).

Sau đó, mỗi người lấy trầu cau và tùy lòng hảo tâm đặt xuống mâm đĩa. Bên nhà gái còn lấy một số đồ trang sức của dòng tộc để đưa đón bố mẹ và anh em nội ngoại bên nhà trai. Xong cuộc này, hai bên bắt đầu liên hoan đến 1 giờ sáng hôm sau. Sau đó, nhà trai phải chuẩn bị một cái chiêng để đón dâu về, vừa đi vừa gõ. Không chỉ xua đuổi tà ma mà tiếng chiêng còn để báo hiệu cho nhà trai biết, đoàn rước đang về tới nơi để chuẩn bị đón tiếp.

Nghi lễ tiếp theo, cô dâu sẽ được trình diện tổ tiên nhà chồng (gọi là mừng dâu). Từ giây phút này, cô dâu chính thức trở thành gái đã có chồng và là người nhà chú rể. Lúc này, bữa tiệc mừng liên hoan được bắt đầu để chào mừng nhà trai có thêm dâu hiền, nhà gái có thêm rể thảo. Xen kẽ giữa bữa tiệc mừng liên hoan là những tiết mục múa hát đối đáp giao duyên hết sức tưng bừng giữa các đôi nam nữ của hai họ, để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc trọn đời.

Và chính từ những lần giao duyên trong ngày mừng hạnh phúc như thế này, có nhiều bạn trẻ đã tìm được một nửa cuộc đời cho mình. Như vậy, ngày vui của đôi vợ chồng trẻ đã trở thành nơi gặp gỡ, nên duyên phận cho những đôi uyên ương khác. Vì lý do đó, người ta thường tập trung đông vui ở các đám cưới để không chỉ chúc phúc cho cô dâu, chú rể mà còn là nơi các nam thanh, nữ tú có thêm cơ hội tìm nửa kia cho mình.

Tạm biệt, ông Lô Thanh Biến bắt tay tôi thật chặt. Ông nói giọng như gió thoảng trong đại ngàn: Các tục lệ này là tốt đẹp lắm hớ, sẽ tồn tại mãi mãi với dân tộc Thái. Già làng và con trẻ ta, ai cũng nhớ công ơn người Thái Cổ xa xưa của bản Nà đã sinh ra người Thái hiện nay. Người Cổ ấy là thần Núi linh thiêng trên đỉnh Pù Òi, phía dưới chân núi có suối Tà Pó xanh như ngọc, lại có nguồn nước từ chân núi trào lên cao như sắc cầu vồng. Đó là biểu tượng cho sự trường tồn, vĩnh hằng về cuộc sống muôn thuở của người dân tộc Thái.

.

Lê Hoa