Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/xuan-nay-len-keng-du-442624/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201401/xuan-nay-len-keng-du-442624/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Xuân này, lên Keng Đu - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 18/01/2014, 07:50 [GMT+7]

Xuân này, lên Keng Đu

(Congannghean.vn)-Sắc Xuân vừa chớm nụ, dệt nên một màu xanh nõn nà cho mảnh đất đầy kỳ bí - nơi có độ cao trên 1.100 m so với mặt nước biển. Trải qua bao biến cố, vượt qua nghèo đói, đồng bào các dân tộc ở Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn mãi tồn tại, bám trụ mảnh đất tổ tiên, giữ vững từng tấc đất, mảnh rừng và giữ yên cho một miền biên thùy của Tổ quốc.
 
Vượt "cổng trời" thăm đại ngàn
 
Những ngày áp Tết Giáp Ngọ, chúng tôi vượt qua quãng đường dài đầy hoang sơ với những đồi núi quanh co, xen những khúc cua tay áo, dốc dựng thẳng đứng để đến với xã Keng Đu. Hai bên đường, hoa ban, hoa mơ nở trắng rừng đón chào mùa Xuân mới. Là xã biên giới xa nhất của huyện miền núi Kỳ Sơn, với trên 75 km, tiếp giáp 2 cụm bản là Huồi Lôm, Bò Nhia của huyện Noọng Hét, nước bạn Lào với đường biên giới dài 25 km. Để đi Keng Đu phải qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy. Đón khách là những "đặc sản" vốn rất riêng của mảnh đất này. Đó là sương mù và những đỉnh núi cao ngút trời với bạt ngàn cây cối. Từ đây, thiên nhiên trông thật hùng vỹ hiện ra, với những rẫy lúa chín muộn lốm đốm vàng và những vạt ruộng bậc thang còn trơ gốc rạ…
Trao đàn dê giống cho người dân Keng Đu phát triển kinh tế gia đình
Trao đàn dê giống cho người dân Keng Đu phát triển kinh tế gia đình
 
Chúng tôi ghé thăm nơi ở trọ của học sinh Trường THCS Dân tộc bán trú Keng Đu. Nơi đây trước kia là nhà công vụ của giáo viên do người dân địa phương và cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng dựng lên. Ở đây, hầu hết các em đều ở xa, cách nhà từ 5 - 6 km, có bản cách từ 12 - 15 km, một hai tuần mới có dịp về thăm nhà một lần. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của các em, ai cũng không kìm nén được xúc động. Bữa ăn của các em chỉ là nồi cơm nhỏ đã cũ kỹ và một nồi canh rau "thập cẩm", kèm một ít muối trắng. Gia đình các em nghèo lắm, cứ dăm bảy ngày, bố mẹ, anh chị lại thay phiên nhau xuống thăm và không quên mang theo ít gạo, cá khô, trứng và mỳ tôm. Đi suốt cả dãy ở, chúng tôi chẳng thấy mâm cơm nào có thịt. Những khuôn mặt ngây thơ, nhem nhuốc, em nào cũng ngơ ngác nhìn khách với vẻ nghi ngại, trông thật đáng thương.
 
Đêm ở Keng Đu lạnh hơn, núi non chìm vào hư vô mờ ảo. Trong căn nhà làm việc, Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam tâm sự: Với tổng diện tích toàn xã trên 8.000 ha, dân số 836 hộ, 4.070 nhân khẩu, 3 dân tộc Kinh, Thái, Khơ Mú sinh sống ở 10 thôn, bản. Trong điều kiện địa hình xa xôi, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, đời sống kinh tế chung của nhân dân gần như "tự cung tự cấp", tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm cao, xấp xỉ 90%, nhiều phong tục lạc hậu vẫn còn.
 
Chia khó với Keng Đu
 
Từ một dải đất nghèo, bà con dân tộc Keng Đu đã thức dậy những tiềm năng kinh tế, tự vươn lên làm đổi thay cuộc sống của mình. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 20/4/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo vùng miền Tây, cùng với 85 sở, ban, ngành nhận giúp đỡ 88 xã nghèo, Sở Giao thông  Vận tải Nghệ An đã khảo sát, nhận giúp đỡ xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn. Ông Phạm Hồng Quang - Phó Giám đốc kiêm Trưởng ban chỉ đạo giúp đỡ xã Keng Đu, cho biết: Nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào nơi đây, sau gần 2 năm "nghĩa tình" nhận giúp đỡ xã nghèo Keng Đu, đến nay, Sở GTVT đã tổ chức 3 đợt trao tặng với trên 180 triệu đồng, gồm: 10 tấn xi măng, 2 máy tính xách tay, bàn ghế hội họp, làm việc, 7 tạ gạo, 40 chăn bông cho gia đình nghèo, 21 suất quà cho gia đình chính sách, hàng chục suất quà cho chính quyền xã, Đồn Biên phòng, các trường học và hàng chục em học sinh. Không chỉ là những món quà bằng vật chất, với mong muốn đem đến cho người dân những "cần câu" trong cuộc chiến chống lại đói nghèo, Sở còn khảo sát, lựa chọn, tặng hàng chục hộ dân 1.000 gốc tre Bát độ lấy măng, 15 con dê để phát triển chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.
 
Bí thư Đảng ủy Lô May Mằn cho biết thêm, ngoài sự nỗ lực cố gắng của bà con, xã còn nhận được sự quan tâm từ các chương trình, dự án về xây dựng ký túc xá trường THCS bán trú, nước sinh hoạt bản Huồi Phuôn, công trình giao thông bản Khe Linh, hỗ trợ gạo từ chương trình cho xã biên giới và Công ty tư nhân Hồng Anh... Từ chỗ đời sống bà con còn thiếu thốn, nhất là đói mỗi khi giáp hạt với nhiều hủ tục lạc hậu đeo bám, đến nay, số hộ đói, nghèo giảm còn trên 130 hộ, đời sống mọi mặt của các gia đình có bước cải thiện đáng kể. Xã đã xây dựng được 4 bản văn hóa (Huồi Phuôn 1, Huồi Phuôn 2, Kèo Cơn, Hạt Tà Vén), 145 hộ gia đình văn hóa, 4 trường học ở các cấp được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và chất lượng dạy học, văn hóa - xã hội, y tế, dân số được bà con chú trọng hưởng ứng. An ninh trật tự được đảm bảo, là điểm sáng về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện; công tác quốc phòng được củng cố, thông qua mối giao lưu, phối hợp công tác, tuần tra kiểm soát đảm bảo an ninh biên giới với Đồn Biên phòng Keng Đu. Nhờ đường lối đổi mới của Đảng, bây giờ, người Thái, Khơ Mú nơi đây đã biết canh tác lúa nước, trồng ngô lai năng suất cao. Trên 20 ha ruộng nước thường xuyên cho thu hoạch ổn định. Có nhiều lúa, nhiều ngô, đồng bào nuôi nhiều trâu, bò, lợn khi cần có thể bán để cho con ăn học và mua sắm phương tiện trong nhà. Nghe lời Đảng, làm theo Đảng, đồng bào nay đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ trao quà cho UBND xã Keng Đu
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hồng Kỳ trao quà cho UBND xã Keng Đu
 
Hôm đến với bản Hạt Tà Vén, nơi có hơn 120 hộ, trên 570 nhân khẩu, tôi nhớ mãi những lời tâm sự rất thân tình, mộc mạc của Trưởng bản Lò Phó Thăn: “Người Khơ Mú chúng tôi không bao giờ nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, đồng bào chỉ tin cán bộ của Đảng thôi. Toàn bản luôn đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá, chăm chỉ làm lúa nước, đào ao thả cá, nuôi trâu, bò, lợn, dê theo hướng sản xuất hàng hoá. Có vậy, đời sống của đồng bào mới thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Đặc biệt, người Khơ Mú ở Keng Đu giờ đây không tổ chức ăn Tết riêng linh đình nữa, mà cùng đón Tết cổ truyền dân tộc với đồng bào Thái, Kinh, đông vui và tình cảm lắm”. Nói xong, Trưởng bản Thăn chỉ tay vào bình rượu cần ở góc nhà mời chúng tôi: “Tết Giáp Ngọ đã chuẩn bị đầy đủ. Rượu sẵn, nếp, ngô đầy nhà, gà, lợn trong vườn. Tết này mời các nhà báo lên Keng Đu ghé Hạt Tà Vén uống rượu Xuân với đồng bào nhé”.
 
Chia tay Keng Đu khi cành đào, cành mận đã điểm những bông hoa đầu mùa trong nắng, sắc Xuân đang về trên vùng đất biên cương Kỳ Sơn. Trên khắp các bản, làng Huồi Phuôn, Khe Linh, Quyết Thắng... tiếng khèn gọi bạn đi chơi Xuân hòa quyện trong điệu khắp, điệu múa Lăm vông thắm đậm nghĩa tình Việt - Lào chung thuỷ đang rạo rực trong mỗi người dân nơi đây. Xuân Giáp Ngọ đang khoe sắc làm cho đất, trời và lòng người nơi vùng biên thêm rộng mở. Tin rằng, những người dân nơi đây, khó khăn rồi sẽ qua, cuộc sống sẽ bừng lên sức sống mới.
.

Xuân Thống