Gia đình xã hội

Sống lại hồn nghề thổ cẩm

08:25, 23/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trăn trở với những giá trị truyền thống của dân tộc đang ngày bị mai một, bà đã kiên trì, bền bỉ tìm tòi để làm sống lại cái hồn của nghề dệt thổ cẩm. Bà là Lương Thị Lan - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Mác, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương.
 
Là con gái Thái thì phải biết dệt thổ cẩm, đó dường như là tâm niệm khắc sâu trong mỗi người phụ nữ nơi đây và bà Lan cũng không phải là một ngoại lệ. Làm quen với khung dệt từ khi còn là cô bé 8, 9 tuổi rồi đam mê lúc nào không biết. Và đến bây giờ, dù đã bước vào tuổi 60, hàng ngày bà vẫn cần mẫn, say sưa để sáng tạo ra những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, góp phần gìn giữ tổ nghiệp của cha ông.
 
Những ngày đầu bước vào nghề với bà thật khó khăn, bởi dệt thổ cẩm cần đến sự khéo léo và tinh tế. Nhưng nhờ được mẹ cẩn thận chỉ bảo, truyền dạy, bà đã trở thành một trong những người phụ nữ có tay nghề vững vàng nhất của bản. Khi về nhà chồng, bà tự nhủ bản thân phải làm điều gì đó để giúp chị em trong bản kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đồng thời qua đó khôi phục, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Mang theo những kiến thức được học từ khi còn là thiếu nữ, bà đã tập hợp các chị em trong ở bản Mác cùng trao đổi những kinh nghiệm về nghề và rồi chính bà là người một lần nữa thắp lên trong họ tình yêu với nghề truyền thống. Đến thời điểm hiện tại, ở bản Mác có khoảng 30 - 40 chị em theo nghề dệt thổ cẩm.
 
Bà Lương Thị Lan bên khung dệt thổ cẩm
Bà Lương Thị Lan bên khung dệt thổ cẩm
Với phụ nữ Thái thì chiếc xìn đánh (váy được thêu bằng vải đỏ, có viền chân màu đen) được xem như là một kỷ vật thiêng liêng của họ. Đó chính là món quà mà mẹ chồng tặng cho con dâu trong lễ vật đám cưới và chỉ được dùng trong lễ tang với ngụ ý phân biệt con cháu trong dòng họ với những người khách bên ngoài. Qua thời gian, nét đẹp tâm linh của chiếc xìn đánh cũng dần mất đi do chính những người dân nơi đây không thể giữ gìn. Thậm chí, vì lợi ích mưu sinh, nhiều người còn đem bán nó cho những người kinh doanh buôn bán từ Lào, Thái Lan sang để thu mua. Tiếc nuối và trăn trở, bà Lan đã âm thầm đi khắp nơi để tìm mua lại chiếc xìn đánh, dù cũ kỹ hay nhàu nhĩ bà vẫn trân trọng chúng bằng tình yêu sâu nặng. Để có được một chiếc xìn đánh, bà chấp nhận đổi 2, thậm chí là 3, 4 sản phẩm thổ cẩm mới tự tay mình dệt nên. Lâu dần người dân nơi đây đã quen với hình ảnh của bà cần mẫn đến từng gia đình gõ cửa hỏi mua và cũng nhờ đó mà xìn đánh của người Thái đã được truyền giữ lại đến tận ngày hôm nay.
 
Có được những sản phẩm đó, bà dành nhiều thời gian để nghiên cứu mẫu mã, đường kim, mũi chỉ mà thế hệ cha ông trước dành tâm huyết để thêu nên. Bà giao sản phẩm cho các chị em khác làm theo, đồng thời sáng tạo thêm những cái mới mẻ nhằm làm phong phú, đa dạng thêm mẫu mã  nhưng vẫn giữ được cái hồn của thổ cẩm. Bà đặc biệt coi trọng các hoa văn thêu trên mỗi sản phẩm bởi theo bà, đó chính là bản sắc riêng của thổ cẩm mà không thể lẫn với các sản phẩm may sẵn trên thị trường.
 
Bên cạnh việc tự tay dệt, thêu những sản phẩm đẹp mắt, bà còn tổ chức các lớp dạy thổ cẩm để hướng dẫn cho phụ nữ trong thôn bản. Bà cũng đã đi đến tận những bản làng xa xôi như Nhôn Mai, Mai Sơn… đem kinh nghiệm của bản thân chia sẻ với các chị em có cùng đam mê. Bà bảo, cứ nhìn vào sự cần mẫn, chăm chỉ của những người phụ nữ Thái khi ngồi bên khung dệt là cũng đủ biết rằng, thổ cẩm truyền thống sẽ còn bền bỉ với thời gian…

Ngọc Anh - Phan Tuyết

Các tin khác