Gia đình xã hội
Người nặng lòng với những sinh viên nghèo khổ
15:38, 22/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-“Làm việc thiện cho cuộc đời và báo hiếu mẹ cha là hai việc phải làm ngay mà không cần chờ đợi”, đó chính là tâm sự tận đáy lòng của ông Đậu Hồng Lập (SN 1935) trú tại khối 4, phường Bến Thủy, TP Vinh. Ở cái tuổi gần đất xa trời, sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng ngày ngày vợ chồng ông vẫn dang rộng vòng tay để đón những sinh viên trọ học xa nhà có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn để rồi yêu thương, đùm bọc và chăm sóc chúng như chính những đứa con ruột của mình.
Xuất ngũ trở về từ chiến trường Quảng Nam khói lửa năm 1975, ông Lập luôn mang trong mình phẩm chất cao quý của anh bộ đội cụ Hồ. Lăn lộn đủ đường, làm đủ nghề để mưu sinh nhưng trong ông không bao giờ có sự toan tính thiệt hơn mà vẫn giữ được chữ “tâm” sáng trong, cao quý. Năm 2000, khi chuyển đến sống tại ngôi nhà mới có địa chỉ tại số 6, ngõ 4, khối 4, phường Bến Thủy, TP Vinh cũng là lúc vợ chồng ông bắt đầu làm phòng trọ cho sinh viên thuê ở. Ban đầu chỉ là 3 - 4 phòng ít ỏi nhưng vì nhà ở gần một số trường cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn, số lượng sinh viên thuê trọ đông nên vợ chồng ông đã sửa sang, xây nới thêm một số phòng nữa để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Cũng từ trong điều kiện, hoàn cảnh đó, ông trực tiếp chứng kiến nhiều mảnh đời khác nhau của những sinh viên trọ học xa nhà với muôn vàn sự khó khăn, thiếu thốn. Tại thời điểm đó, đứa con gái của ông cũng học đại học tận TP Hồ Chí Minh ngày ngày gọi điện, viết thư về ríu rít kể chuyện ở phương xa. Bằng sự cảm thông, chia sẻ và trên hết là tình thương của một người cha, ông tìm cách tiếp xúc nhiều hơn với các sinh viên trọ học trong nhà mình, chăm chú lắng nghe những câu chuyện cuộc sống của họ. Thế rồi, sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, ông tự nhủ bản thân phải làm một việc gì đó để giúp những sinh viên nghèo.
Nghĩ là làm, ông bắt đầu ân cần xưng hô với những sinh viên trọ học trong nhà bằng từ “con” như chính đứa con ruột rà của mình. Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cọc cạch, ông vẫn vượt hàng chục km để đến những gia đình họ hàng, bạn bè lấy những vật dụng mà họ không cần dùng đến nhưng vẫn có giá trị sử dụng, về hì hục cả tiếng đồng hồ chỉ để “nâng cấp” phòng ở cho “các con” được đầy đủ hơn, sung túc hơn. Cả dãy trọ của ông bà có 10 phòng thì tất cả đều tươm tất, sạch sẽ. Mỗi sinh viên là một số phận, hoàn cảnh khác nhau. Đứa có điều kiện kinh tế khá giả hơn thì ông quan tâm về mặt tinh thần, còn đứa gia cảnh nghèo khổ, khó khăn hơn thì ông chăm sóc cả tinh thần lẫn vật chất. Giá phòng trọ ông lấy rất bình dân, rẻ hơn bên ngoài rất nhiều lần, thậm chí có những phòng chỉ ở mức 200.000 - 300.000 đồng/tháng, trong đó bao gồm tất cả các chi phí khác.
Đặc biệt hơn, ông cho một số sinh viên có hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, nghèo khổ ở trọ, chăm sóc, nuôi dưỡng mà không lấy bất kỳ một đồng tiền nào. Tiếng lành đồn xa, cảm phục trước tấm lòng đáng quý đó của ông bà, một số bạn bè, hàng xóm láng giềng bữa thêm cân gạo, bữa thì ít thịt cá để cùng giúp vợ chồng ông trang trải cuộc sống. Nhiều mảnh đời, nhiều số phận được ông bà cưu mang có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Mỗi người một thân phận, một hoàn cảnh cảm động đến rơi nước mắt. Có đứa ham học nhưng bị bố mẹ bắt bỏ để đi lao động kiếm tiền, tình cờ vào mảnh đất Nghệ An thì gặp ông. Ông đã lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng để rồi đưa về nhà cưu mang, đầu tư cho ăn học tử tế. Và điều đáng mừng hơn nữa là hiện tại cô bé ấy đã là sinh viên của một trường đại học lớn ở Hà Nội.
Vợ chồng ông Lập - bà Thu |
Hay trường hợp một gia đình ở Bình Lý, Thạch Hà, Hà Tĩnh, nhà có 7 đứa con thì đã có đến 4 đứa được ông cưu mang, chăm sóc trong khoảng thời gian theo học ở Trường ĐH Vinh và quá trình ôn thi lại vào đại học. Ông quan tâm, chăm sóc từ cái ăn, cái mặc, dạy cho biết cách ứng xử đạo lý giữa cuộc đời. Có lẽ sẽ hiếm lắm những ông bà chủ nhà trọ đêm đêm ngồi đến 1 - 2 giờ sáng chỉ để chờ sinh viên đi sinh nhật bạn về vì lo lắng, yêu thương. Và rồi cũng sẽ chẳng có nhiều người dành hẳn ra một số tiền 7 triệu đồng để mua tặng cho sinh viên một chiếc điện thoại vào dịp sinh nhật như là món quà động viên để nó có thêm động lực bước vào cánh cổng trường đại học…
Những ân tình đó của vợ chồng ông bà đã khiến cho không ít sinh viên cảm động đến rơi nước mắt, để rồi họ tự nhủ bản thân phải thành công chứ không được gục gã trên cuộc hành trình. Trong ngôi nhà nhỏ bé ấy, chúng tôi thật sự bất ngờ khi những phòng trọ của sinh viên được đầy đủ, tinh tươm trong khi ông Lập chỉ ở trong căn phòng dưới chân cầu thang chỉ kê đúng chiếc giường 1m và chiếc tủ cá nhân nhỏ xíu, trong đó chất đầy những quyển lưu bút, những lá thư mà sinh viên viết được ông cất giữ như vốn tài sản quý báu và thiêng liêng nhất. Lòng cảm phục, sự biết ơn, niềm vui, giọt nước mắt… là tất cả những gì mà những “đứa con” muốn trao lại ông bà trong những dòng thư đầy tâm huyết.
Đến thăm nhà ông Lập, bà Thu hẳn ai cũng sẽ nghĩ rằng, đây là một gia đình thật sự bởi cách xưng hô, cách sinh hoạt quá thân mật và gần gũi của các thành viên ở đây. “Dù trọ học ở xa nhưng em luôn cảm thấy tình cảm gia đình thân thương hiện hữu. Ông bà như là bố mẹ thứ hai của bọn em vậy. Có lẽ sẽ chẳng có một nơi xa lạ nào mà sinh viên như chúng em được nhận tình yêu thương như thế” - Em Và Bá Khà, sinh viên Trường ĐH Vinh xúc động chia sẻ.
Ân tình và ấm áp là tất cả những gì có thể cảm nhận được từ những con người có cuộc sống bình dị mà cao quý đó. Hôm chúng tôi đến thăm nhà, ông Lập đưa khoe với tôi lá thư mới nhận của “đứa con” từ phương xa gửi về. Ông bảo, Xuân này chúng sẽ tề tựu đông lắm, về thăm lại “bố mẹ” và ôn lại những tháng năm dưới ngôi nhà thân yêu này. Bất chợt tôi thấy trên gương mặt ông lăn dài giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc.
Ngọc Anh