(Congannghean.vn)-Có mặt tại tòa, nhưng người mẹ đẻ của 2 bị cáo không nghe rõ các con của mình xưng tội trước tòa vì tai điếc, tai sáng. Rồi bà đứng dậy đi xuống hàng ghế gần cuối ngồi, lấy tay dụi lau từng giọt nước mắt trào rơi. Bà chỉ nhìn thấy 2 đứa con trai và đứa cháu cúi đầu đứng trước vành móng ngựa và thi thoảng ngoái đầu nhìn bóng mẹ già ốm yếu. Bà có con mà giờ đây như không có.
Trong năm 2013, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử gần chục vụ án hình sự mà các bị cáo đều liên quan đến nhau như cha con, anh em ruột, thậm chí có vụ cả vợ chồng và con trai phải dắt nhau vào trại giam chung cảnh tù tội. Như trường hợp 2 anh em ruột Nguyễn Hữu Đồng và Nguyễn Hữu Trung sinh ra trong một gia đình thuần nông, tại bản Khe Đóng, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông là một điển hình.
Do kinh tế gia đình khó khăn, cả Đồng và Trung phải bỏ học. Tuy nhà nghèo nhưng anh em thương nhau hết mực. Những ngày đói cơm, nhạt muối, Trung và Đồng rủ nhau lên đồi đào măng, hái ngọn sắn, đốn củi bán lấy tiền nuôi mẹ và em gái ăn học. Một hôm, nghe tin em gái mình bị một thanh niên cùng xã, khác bản chặn đường đánh vô cớ, Đồng ấm ức tìm gách gặp người thanh niên đó để hỏi cho “ra môn, ra khoai”. Hôm sau đi làm về, Đồng tình cờ gặp Vi Văn Tình trú ở bản Kẻ Gia, xã Thạch Ngàn đi rừng về đang ngồi trong quán uống nước. Đồng hất hàm hỏi. Lời qua tiếng lại, hai bên đánh lộn nhau và Tình bỏ chạy. Ngay sau đó, Đồng đến nhà Vi Văn Tình trả thù. Tình cầm dao từ phía sau chém một nhát vào bả vai trái Đồng rồi chạy sang nhà em trai trốn. Đồng đứng dậy rút con dao mang theo bên người đuổi theo, tri hô bắt Tình. Nghe tiếng hô của Đồng, Nguyễn Hữu Trung (anh trai Đồng) và Nguyễn Hữu Hà (em họ của Đồng) cũng ra tham gia. Đồng vung dao chém một nhát vào đầu Vi Văn Tình. Tình đổ nhào xuống đất. Mặc dù biết rằng em trai mình đã chém anh Tình đổ máu, nhưng Trung và Hà vẫn dùng ghế, đá ném vào mặt anh Tình. Do vết thương quá nặng, anh Vi Văn Tình đã tử vong trên đường cấp cứu. TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt 3 anh em Đồng 14 năm 6 tháng tù giam.
Trước khi các bị cáo Đồng, Trung và Hà bị dẫn giải lên xe để chịu án, bà mẹ của các bị cáo ở tuổi xưa nay hiếm, lưng còng lê từng bước chân nhìn theo các con, giọng đứt quãng: “Đồng ơi! ...Trung ơi! Sao các con bỏ mế ở lại một mình”! Nghe tiếng gọi của mẹ đẻ, Đồng và Trung như xé lòng, dù họ có ân hận bao nhiêu nhưng tất cả đã muộn.
Hai cha con Long và Cường tại tòa |
Tương tự như 2 anh em Trung và Đồng, là trường hợp 2 cha con Nguyễn Đình Long và Nguyễn Đình Cường trú ở xóm 8, xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc. Chỉ vì vợ Long mâu thuẫn với vợ anh Hợi mà 2 gia đình đã nói chuyện với nhau bằng dao, bằng kiếm. Trong lúc đôi co, con dao của anh Hợi đã cắt vào ngón tay phải của Long, dẫn đến chảy máu. Long lấy được con dao bấm từ tay anh Hợi và lao vào đâm anh Hợi. Mặc dù anh Hợi đã gục xuống đất nhưng Nguyễn Đình Cường (con trai của Long) vẫn vào phòng cầm một lưỡi kiếm tự chế lao ra chém vào hai chân anh Hợi. Anh Hợi đã tắt thở, bên cạnh là 2 con dao (một dao bấm dài 20 cm, 1 thanh kiếm dài 70 cm).
Khác với hành vi giết người, gần đây nhất là trong tháng 12/2013, TAND tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử 2 vụ án mua, bán trái phép chất ma túy, cả hai vụ đều là anh em ruột tham gia. Đó là Võ Văn Cường (SN 1982) và Võ Văn Tuấn (SN 1980) đều trú tại khối 1, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương. Chỉ vì nghiện hút ma túy, hai anh em mua, bán lẻ hêrôin dẫn đến tù tội, để lại người mẹ và đàn con thơ sống trong khốn khó. Ngày có mặt tại tòa, người mẹ của Cường và Tuấn cũng có mặt, lòng quặn đau khi biết Cường đã bị nhiễm HIV, nhưng giờ đây phải đối mặt với tù tội với khung hình phạt cao; hoặc vụ vợ chồng Lê Quốc Dũng, Trần Thị Ngọc Hoàng (trú ở tỉnh Hà Tĩnh) và Phan Quốc Dũng, Nguyễn Thị Toàn (trú ở phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An) cùng con trai là Phan Quốc Hùng trước khi phạm tội là sinh viên một trường đại học ở Vinh cũng phải ra hầu tòa về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Nguyên nhân do mâu thuẫn trong môi giới mua bán gỗ sưa bất thành, các bị cáo đã bắt cóc khách hàng, chiếm đoạt tài sản dẫn đến tù tội.
Hai cha con Phan Quốc Dũng và Phan Quốc Hùng sau khi án tuyên |
Những vụ án đau lòng trên cho ta thấy, tình trạng người thân trong một gia đình đồng phạm tội ngày một gia tăng. Kẻ phạm tội sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng hậu quả để lại thì không thể nguôi ngoai trong ngày một ngày hai. Người thì vĩnh viễn mất chồng, mất cha, kẻ thì phải chịu cảnh chồng con tù tội. Nếu như họ biết kiềm chế bản thân, biết tôn trọng tình làng, nghĩa xóm và tôn trọng pháp luật thì đâu dẫn đến những đau lòng trên.
.