Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201311/khu-tai-dinh-cu-ngoc-lam-noi-day-dut-o-ban-ngheo-419434/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201311/khu-tai-dinh-cu-ngoc-lam-noi-day-dut-o-ban-ngheo-419434/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khu tái định cư Ngọc Lâm: Nỗi day dứt ở bản nghèo - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 24/11/2013, 06:55 [GMT+7]

Khu tái định cư Ngọc Lâm: Nỗi day dứt ở bản nghèo

(Congannghean.vn)-Một số em gái mới lớn lại bỏ bản, làng đi làm ăn xa. Cứ ngỡ rằng, chỉ quẩn quanh đâu đó, nhưng có ngờ đâu, các em "mất tích" một thời gian, ít lâu sau người nhà nhận được tin con em mình đã vượt biên sang Trung Quốc và lấy chồng bên đó. Để lại nỗi nhớ khôn nguôi, sự trăn trở, lo âu của người thân tại quê nhà. Đó là nỗi day dứt của người dân bản Lạp, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương hiện nay.

Rời dòng Nậm Nơn về với khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ đã 7 năm nay, cuộc sống bà con chẳng mấy đổi thay, cái đói, cái nghèo vẫn bám riết lấy họ. Bản Lạp có 70 hộ với 302 khẩu, trong đó có 5 hộ thuộc diện cận nghèo, còn lại đều thuộc diện hộ nghèo.

Cuộc sống vốn dĩ khó khăn, hơn nữa, trình độ nhận thức thấp kém, cho nên tại đây đã nảy sinh nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc, âu lo. Tình trạng rủ rê, lừa bán người sang Trung Quốc đối với phụ nữ đang trở thành một vấn đề nóng bỏng hiện nay.

Ông Kha Văn Bình - Trưởng bản cho biết: “Đến thời điểm này, bản Lạp có 5 phụ nữ sang Trung Quốc, 3 người chưa thấy trở về, 1 người vừa về rồi tiếp tục đi và 1 người về đang ở nhà. Không có việc làm nên các cháu gái ở bản từ 17 - 18 tuổi nghe theo bạn bè hoặc qua anh em họ hàng lại rủ nhau sang Trung Quốc.

Nhận thức của bà con nơi đây còn nhiều hạn chế. Trong bản nhiều lần tổ chức các cuộc họp để răn đe, nhưng rồi, không chịu an phận với cái nghèo, các cháu lại rủ nhau “xuất ngoại” nhiều hơn”.

Bản Lạp còn đó những khó khăn

Theo chân ông Bình, chúng tôi được trò chuyện với em Kha Thị Hoa (SN 1990), mới trở về từ Trung Quốc cách đây vài tháng. Nhanh nhẹn, cởi mở, Hoa chia sẻ: Là chị đầu trong gia đình có 4 chị em gái. Từ Tương Dương về đây tái định cư, cuộc sống với muôn vàn khó khăn. Hàng ngày, gia đình trồng sắn, trồng keo không thể nuôi sống 6 miệng ăn, chưa nói đến tiền học hành, sắm sửa.

Vì thế, học xong lớp 6, Hoa nghỉ học. Để có chuyến “xuất ngoại”, Hoa nhờ cậy người dì của mình là Quang Thị Thuổn. Hoa nhớ lại: “Một hôm, người dì họ và là hàng xóm hồi còn ở quê cũ, nay cư trú ở Trung Quốc về quê chơi. Đến nhà Hoa, người dì kể nhiều về cuộc sống bên kia bên giới với những lời ngọt ngào, hứa hẹn một cuộc sống đầy đủ, sung túc, giàu sang”.

Lời dụ dỗ, hứa hẹn khiến cô gái trẻ 23 tuổi này vội vàng thu xếp hành lý lên đường. Cùng với dì của mình qua Cửa khẩu Móng Cái rồi vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Tại chân trời mới, Hoa chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt là thu hoạch cà chua, lạc, đậu... Cuộc sống cực khổ tại đây đã làm cho Hoa vỡ mộng.

Kha Thị Hoa chia sẻ những tháng ngày sống bên xứ người

Chán nản bởi bất đồng ngôn ngữ, giao tiếp khó khăn, rồi nỗi nhớ nhà khôn nguôi là động lực giúp em tìm về với quê hương, gia đình sau khoảng 4 tháng làm thuê nơi xứ người. Trong niềm vui được trở về với người thân và làm được một việc gì đó với Hoa là cảm thấy có ích cho xã hội, em cười nói: “Cũng vì tin tưởng dì là họ hàng thân thích nên em mới đi sang đó. Giờ em không đi nữa, vì sang đó cũng chỉ làm thuê như ở mình thôi...”.

Cuộc sống vất vả khiến cho những em ở bản Lạp mới lớn lên đã phải đi xa làm ăn, kiếm kế sinh nhai. Những đứa con của bản “xuất ngoại” không biết được rằng, ở quê nhà, bố mẹ ngóng trông, khắc khoải lo âu với những đêm không ngủ, quằn quại trong nỗi đau, thương con rồi lại tự trách bản thân mình. Chúng tôi đến gia đình ông Lô Đình Anh và bà Vi Thị Đoan.

Hai ông bà năm nay vừa tròn 50 tuổi. 5 người con, trong đó duy nhất một người con trai vì nghiện ma túy đã bỏ ông bà ra đi. 4 người con gái thì có đến 3 người vào Nam lập nghiệp. Cô con gái út Lô Thị Hà (SN 1994) đi Trung Quốc từ đầu năm trước và nghe nói đã lấy chồng bên ấy. Xa xa, ngôi nhà kia cửa đóng im ỉm.

Trưởng bản Bình cho hay: Gia đình này cũng có con gái lấy chồng Trung Quốc. Khoảng 1 tháng trước, nó đưa chồng về thăm mấy ngày rồi lại đi. Gia đình, họ hàng khuyên nhủ nhưng rồi nó vẫn cứ đi. Lấy lý do ở nhà không có công ăn việc làm, mà nhiều hộ gia đình tại bản Lạp chỉ còn cách để con em họ đi xa kiếm sống.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lộc Thị Lợi - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Lạp chia sẻ: Tình trạng phụ nữ bị dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc khiến tôi day dứt. Người dân không hiểu, lại cho rằng, những lời chúng tôi nói là sáo rỗng, “con họ nuôi thì họ có quyền cho đi làm đâu thì đi”.

Suy nghĩ nông cạn đã đẩy con em họ rơi vào hố sâu của những cạm bẫy. Chúng tôi mong muốn cấp trên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân, tạo công ăn việc làm cho chị em. Có như vậy, mới đảm bảo cho chị em một cuộc sống yên bình bên những người thân yêu của mình.

.

Phan Tuyết

.