Bà là Đậu Thị Ngọc (SN 1940) sống tại xóm 2, xã Diễn Tân, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Từ thời còn bé, bà vẫn ước mơ được trở thành cô giáo dạy trẻ nơi quê nhà, thế nhưng ước mơ ấy vụt tắt khi một lần bố bà nhận lời gả bà cho con trai của người bạn thân. Cô bé Ngọc ngày ấy chỉ mới học lớp 6, vừa đi chăn bò về, thấy trong nhà mình sao rôm rả, nghĩ thầm: “Chắc bố lại mua bánh khô rủ bạn nhắm rượu đây”. Té ra không phải, người ta mang trầu sang dạm ngõ: Một bó chè, một xấp bánh khô và một chai rượu. Sau cái ngày đó, bà biết rằng, rồi đây mình sẽ là vợ của anh Nguyễn Đình Châu, hơn bà hai tuổi.
Vào ngày 16/3/1963, đám cưới nhỏ được diễn ra dưới sự chúc phúc của đông đảo bà con làng xóm. Sau khi lấy chồng, tình yêu của hai người mới chớm nở. Thật chậm rãi nhưng vô cùng đậm sâu. Trước lúc ra chiến trận, ông ấy nắm tay vợ dặn dò: “Anh ra đi làm nhiệm vụ, em ở nhà cố gắng chăm sóc bố mẹ thay anh. Khi đất nước chưa thống nhất thì vợ chồng mình phải tạm xa nhau. Chúng ta không thể sung sướng khi cả nước đang thời chiến em à” - Bà Ngọc xúc động kể lại.
Cũng chẳng ngờ được rằng, ngày chia tay cũng là ngày vĩnh biệt. Năm 1969, có tin báo về anh Nguyễn Đình Châu đã hy sinh tại mặt trận phía Nam. Lúc đầu khi mới nghe tin dữ, nỗi đau quá lớn, bà ngã gục trên giường bệnh nhiều ngày và căn bệnh tim cũng bắt đầu tái phát... Thế nhưng, cũng như chị mình, bà tin rằng chồng sẽ trở về. Bà Ngọc đinh ninh người ta báo tin nhầm: “Tui vin vào niềm hy vọng ấy để mà sống. Ở quanh đây, có 5 người báo về đã hy sinh, vậy mà ba trong số họ vẫn trở về đó thôi”. Bà nói với bố mẹ chồng: “Anh ấy không thể chết được”. Cho đến tháng 2/1972, bố mẹ chồng nhận được giấy báo tử của chồng bà từ chiến trường B gửi về.
Bà Ngọc vẫn ao ước có một mảnh đất nhỏ để làm nơi thờ người chồng liệt sỹ
Bà kể: “Mọi người không dám nói với tui lúc nhận tin đó. Nhưng cái vẻ muộn sầu của bố mẹ chồng đã không thể giấu tui lâu được. Sau cũng vì ông phiền quá mà đâm bệnh. Trước lúc mất, ông gọi tui vào và nói: “Ngọc con, thằng Châu không còn nữa, đời con còn dài, chưa vướng bận gì. Cha mẹ đồng ý cho con đi bước nữa. Con hãy đi và lo lắng cho bản thân mình nghe con!”. Bà Ngọc chỉ biết nắm lấy tay bố chồng mà nghẹn đắng lòng. Trong sâu thẳm lòng mình, bà vẫn đinh ninh lời dặn dò của chồng trước lúc ra mặt trận. Không, bà không thể gục ngã trong đau buồn, bà phải vươn dậy làm chỗ dựa cho bố mẹ chồng đã già nua, ốm yếu. Hơn nữa, bà vẫn còn cháy bỏng một niềm tin, ông sẽ rũ bom đạn mà trở về bên bà. Hai người còn phải sinh con, phải cùng thấy chúng lớn lên, viết tiếp giấc mơ thuở thanh xuân của mình nữa chứ.
Những ngày tháng ấy, chiến tranh bom đạn ác liệt nhưng bà Ngọc luôn hăng hái đi đầu trong các phong trào địa phương, vì tiền tuyến. Bà Ngọc là Trung dội phó dân quân, đi đào kênh, mương, rồi đắp bờ lấy nước cho ruộng đồng, tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội. Bà nhớ, ngày kết nạp Đảng của mình dưới gốc cây dương liễu, bên kênh Nhà Lê. Bà là một trong số ít đảng viên được “kết nạp Đảng tại chỗ”, một cách bất ngờ và trang trọng.
Cuộc sống ngày một khó khăn, bà xin phép bố mẹ đi làm ở Cửa hàng mua bán hợp tác xã (phân phối chế độ cho nhân dân) để khuây khoả, cũng để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, năm nối năm... tuổi xuân của bà cứ mòn theo nỗi nhớ thương, niềm day dứt về phương Nam. Cho đến một ngày, bà giật mình nhận ra, mình đã xế bóng. Người đàn ông của bà cũng không về, bà cũng chẳng có lấy một mụn con. Bà lặng lẽ rời khỏi nhà chồng khi đã trọn đạo làm con với bố mẹ chồng.
Biết đi đâu về đâu? Mảnh đất đang ở cũng không phải mang tên mình, bà trở thành người không nhà, không cửa. Đã nhiều lần gửi ý kiến lên chính quyền xã, mong muốn xin được cấp một mảnh đất ở để thờ chồng nhưng vẫn không thấy kết quả hồi âm. Bất lực, bà đành ngậm ngùi về ở với chị gái nơi xóm nhỏ và xin chị được lập bàn thờ trong nhà để thờ chồng. Đáng thương hơn là chị gái của bà (bà Đậu Thị Thạch - PV) cũng là cô gái năm xưa từng hứa hôn với anh bộ đội làng bên và đã hơn 50 năm nay vẫn “thủ tiết chờ được cưới”… Có lẽ vì thế mà đôi mắt bà Thạch đã nhoà hẳn chăng? Sau lần đi mổ mắt, bà bị biến chứng, ảnh hưởng đến dây thần kinh nên toàn thân co rút, đi lại vất vả…
Ôi, chông chênh biết mấy, cái mái tranh khi mưa gió bão bùng. Mâm cơm của hai người vẫn thiếu hơi ấm. Nỗi buồn tựa vào nhau làm buồn đau như lại chất cao hơn. “Tui đã khổ, mà lại về để làm khổ chị. Nhưng cũng không biết đi đâu, về đâu nữa. Thương cho chị, thương cho em, tủi phận mình…” - Bà Ngọc nghẹn ngào. Tiền trang trải cuộc sống và thuốc thang trông cậy cả vào số tiền trợ cấp hàng tháng cho vợ liệt sỹ của bà Ngọc. So với số tiền trợ cấp ít ỏi thì những mất mát mà cả hai đã trải qua thật là quá lớn.
Mỗi năm cứ đến ngày 27/7, chính quyền địa phương lại đến nhà thắp hương cho liệt sỹ Châu (chồng bà) và lần nào bà cũng đều giãi bày ước muốn “được chính quyền địa phương quan tâm, cắt cho một mảnh đất ở”... Nhưng đã ba nhiệm kỳ thay thế chức chủ tịch UBND xã, vậy mà, bà vẫn chưa có đất thờ chồng...
Bà Đậu Thị Ngọc - người vợ liệt sỹ, nay đã 73 tuổi, cái tuổi “gần đất xa trời”, nhưng trước lúc ra đi vẫn luôn ước mơ “tìm được mộ chồng và có một mảnh đất dăm bảy thước để có nơi thờ chồng”. Hy vọng rằng, ước mơ ấy sẽ sớm trở thành hiện thực.
Kiều Nga
.