Bước đường sa ngã
Chúng tôi tìm gặp H.H.N theo sự giới thiệu của cán bộ Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II Nghệ An. Ấn tượng đầu tiên toát lên từ người thanh niên này là sự từng trải, khuôn mặt rắn rỏi với nước da cháy nắng của những buổi lao động trị liệu ngoài trời. Nhưng nó không dấu đi nét thông minh, hào hoa của chàng trai vốn là một sỹ quan Biên phòng, cán bộ ngành dầu khí, trước khi anh vào cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II.
H.H.N (SN 1976) quê ở huyện Nghi Lộc. Anh có 12 năm gắn bó với quân đội, đã tốt nghiệp Học viện Biên phòng ở Sơn Tây, là sỹ quan thuộc BĐBP tỉnh Nghệ An.
Bước ngoặt của cuộc đời đưa H.H.N đi vào con đường sa ngã sau khi anh rời quân đội, chuyển ngành vào làm việc tại một đơn vị trong ngành Dầu khí ở Vũng Tàu. Nói đúng hơn, bước ngoặt đó như là sự trớ trêu của định mệnh. Bởi một người đã từng trải qua những năm tháng tôi luyện trong quân ngũ, được gia đình hết lòng chăm lo, công việc ở cơ quan mới khá nhàn nhã, thu nhập cao. Đáng lẽ ra anh phải có một cuộc sống tốt đẹp với vợ hiền con ngoan. Thế nhưng, chỉ vì dính vào ma túy đá mà cuộc đời H.H.N bước sang một ngã rẽ đầy tối tăm.
Sau khi chia tay người vợ đầu và rời xa quê nhà vào Vũng Tàu xây dựng cuộc sống mới, H.H.N đã tạo dựng được một chỗ đứng vững chắc ở thành phố biển năng động. Dẫu thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn, vất vả, vì ban ngày đi làm, tối về đi học thêm ngành kinh tế.
Khi cuộc sống và công việc mới đã đi vào ổn định, vết thương lòng từ sự tan vỡ của cuộc hôn nhân đầu đã dần nguôi ngoai, H.H.N gặp được người con gái tâm đầu ý hợp, thấu hiểu và chia sẻ với anh những vất vả lo toan của cuộc sống cũng như nỗi buồn của một người đổ vỡ hôn nhân. H.H.N đang tiến rất gần đến một cuộc hôn nhân mới, một cuộc sống gia đình đầm ấm.
Cuộc sống thay đổi khiến con người ta thay đổi, nhưng sự thay đổi của H.H.N thật đáng trách. Công việc trong ngành dầu khí đưa lại cho anh nguồn thu nhập cao, dư giả tiền bạc nhưng anh lại không thể vượt qua chính mình để cưỡng lại được những cám dỗ của sự hưởng lạc, ăn chơi. Có nhiều tiền, sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài, H.H.N đã để mình bị cuốn vào dòng xoáy sa đọa từ lúc nào không hay.
Quán bar, vũ trường trở thành tụ điểm anh thường xuyên lui tới. Lúc đầu đơn giản chỉ có rượu và những cơn say. Rồi chính từ những cuộc vui chìm ngập trong men rượu ấy cùng với sự bốc đồng của những tay chơi đã đưa anh đến với ma túy đá.
Rượu, ma túy đá, quán bar hủy hoại H.H.N từng ngày, đẩy anh dấn sâu vào con đường tội lỗi. Từ nghiện ngập, anh trở thành nô lệ của những viên đá ma quỷ. Để rồi anh đã bán rẻ tương lai, sự nghiệp, linh hồn và thể xác cho những cơn phiêu du, những màn ảo giác ru ngủ chết người.
Và cái gì đến cũng đến. Trong chuyến về quê thăm mẹ ốm, H.H.N bị các chiến sỹ công an thuộc Phòng PC47 bắt quả tang khi đang sử dụng ma túy đá tại một phòng nghỉ khách sạn ở TP Vinh. Và đó cũng là ngã rẽ mới của cuộc đời anh sau hai năm sử dụng ma túy đá.
Sau ngày bị bắt, được gia đình, người thân mà đặc biệt là người bố tích cực vận động, thuyết phục, H.H.N đã vượt qua được mặc cảm, tự nguyện xin vào Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội II Nghệ An để cai nghiện với quyết tâm từ bỏ ma túy đá, khép lại những tháng ngày sống thác loạn để làm lại cuộc đời lầm lỗi.
Quyết tâm đoạn tuyệt “ma túy đá”
Ngồi trò chuyện với chúng tôi trên băng ghế đá trước dãy nhà ở của học viên cai nghiện sau buổi lao động trị liệu, H.H.N trải lòng: “Tôi vào đây đã được gần 18 tháng rồi, quãng thời gian điều trị cai nghiện, học tập tái hòa nhập cộng đồng theo quy định là hai năm sao thấy dài quá. Bây giờ chỉ còn biết từng ngày, từng giờ chờ đợi đến ngày ra khỏi Trung tâm. Điều tôi mong mỏi và cũng hy vọng là sau khi rời khỏi Trung tâm có thể hòa nhập tốt vào cộng đồng, được xã hội chấp nhận. Có như vậy gia đình, bố mẹ mới đỡ khổ. Tôi mới gần 40 tuổi, vẫn chưa muộn để làm lại cuộc đời”.
Giọng nói chứa đầy tâm trạng, H.H.N tiếp: “Hết thời gian điều trị ở Trung tâm, tôi sẽ vào lại Vũng Tàu, xây dựng gia đình với người bạn gái đang chờ đợi. Tiếp tục công việc ở cơ quan cũ, vì hiện tại, tôi nghỉ làm nhưng vẫn đóng bảo hiểm và Công ty sẽ tiếp nhận khi tôi trở lại công tác”.
Được trải lòng mình về những bước đường vấp ngã không đáng có, H.H.N tỏ ra phấn chấn hẳn lên, những tia sáng tràn đầy niềm tin ánh lên sau cặp mắt kính cận đang mở to nhìn về hướng quê nhà, nơi có bố mẹ thân yêu cũng đang trông chờ anh trở về từng ngày.
Sự chán nản vì “đã vào đây rồi còn gì để mất nữa đâu”, hay lúc chuyển sang tâm trạng e dè, thoáng lo sợ “em cũng từng là cán bộ, giữ gìn cho em với, đừng có chụp ảnh em” lúc mới gặp chúng tôi đã mất hẳn. Thay vào đó là sự cởi mở, thân thiện, khao khát được giãi bày tâm tư, nguyện vọng và những dự định trong tương lai của H.H.N.
Chúng tôi hiểu, sự quyết tâm, niềm tin yêu, hướng về cuộc sống ở tương lai sẽ là động lực lớn lao giúp H.H.N hoàn thành tốt những tháng ngày lao động và học tập còn lại. Và Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội II sẽ là điểm tựa tâm lý vững vàng để H.H.N tái hòa nhập cộng đồng khi anh quay trở lại.
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng có những lần vấp ngã. Nhưng sự vị tha, bao dung của cộng đồng, xã hội là điều mà những người như H.H.N cần. Xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, nhân văn hơn khi trao cho những người như H.H.N cơ hội sửa chữa sai lầm và đón nhận họ trở lại dựng xây một cuộc sống mới.
Lê Hoa
.