Vì mưu sinh, mỗi năm miền Tây xứ Nghệ có hàng chục cô gái bị rơi vào cạm bẫy của kẻ buôn người và bị lừa bán sang bên kia biên giới, bị ép
trong số rất nhiều cô gái bị bán ấy trở về mà tôi đã gặp, cuộc sống đã hồi sinh khi có người con trai dang rộng vòng tay đón nhận bằng tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ, nguyện ăn đời ở kiếp sau những bầm dập của phận người.
1. Một ngày đầu Xuân Nhâm Thìn 2012, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của cô bé Lang Thị Duyên (tên họ đã được thay đổi), nhân vật trong bài viết của tôi trước đó không lâu.
Em Ngân Thị Ứng trong ngày về với gia đình
Em mừng rỡ báo tin vui, ấy là em sắp tổ chức đám cưới. Xuân này, em chính thức làm dâu nhà người, đám cưới có hôn thú đàng hoàng, chú rể cũng là người đồng trang lứa, yêu thương em thật lòng chứ không phải như những lần “cưới hỏi” trước ở chốn đất khách quê người, em chỉ là nạn nhân, bị mua đi bán lại, rồi ép làm vợ người ta. Thấy em cười, tôi cũng vui lây vì sau bao giông gió phận người, sau rốt em cũng đã tìm được bến bình yên để neo lại.
Lang Thị Duyên sinh năm 1993 trong một gia đình dân tộc Thái trắng ở Quỳ Châu. Gia cảnh nghèo khó, em phải gác lại giấc mơ đèn sách, ở nhà phụ mẹ chăm em, kiếm tiền. Nghe theo lời dụ dỗ của ông chú họ, đôi chân Duyên rời bản về phố thị mưu sinh. Nhưng phẫn uất thay, cả anh em máu mủ ruột rà mà vì tiền, gã chú họ cũng nhẫn tâm bán đứt cháu của mình.
Thay vì tìm việc, ông chú này đã bán em sang Trung Quốc, đẩy vào nhà chứa. Sau một thời gian dài bắt em sống cảnh địa ngục trần gian, những kẻ buôn người đã bán em cho một người đàn ông Trung Quốc để làm vợ. Ấy là thời điểm giữa năm 2010. Sống với chồng hờ một thời gian, em đã tự tạo cơ hội trốn chạy khi thấy gã chồng này say rượu. Cuộc đào tẩu gian nan nhưng không kém phần li kì đã đưa em về lại với bản làng sau đúng 3 năm lưu đày, bị hành hạ thân xác.
Người con trai đã thông cảm và nguyện nắm tay Duyên đi suốt cuộc đời là Trần Văn Bắc, ở tỉnh Nam Định. Dạo ấy, sau khi từ bên kia biên giới trở về và dũng cảm đứng ra làm đơn tố cáo kẻ đã bán mình, một số cơ quan thông tấn báo chí đã đưa tin về trường hợp của Duyên.
Từ những kênh thông tin này, Bắc đã biết đến hoàn cảnh của thiếu nữ bị lừa bán nên tìm cách liên lạc, cảm thông, chia sẻ. Kể với tôi, Duyên cho biết, ngày đó, sau khi lật mặt được các má mì và bắt họ đền tội, em cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, xem như trở về được với bố mẹ là điều may mắn nhất.
Nhưng em không ngờ, hạnh phúc đã ào đến với em khi quá khứ buồn vẫn còn ám ảnh. “Bỗng dưng” nhận được lòng tốt của người lạ, Duyên vừa hạnh phúc vừa ngập ngừng e sợ. Quá khứ buồn vẫn đang là vết thương lòng nhức nhối cào xé tâm can em mỗi ngày, em sợ thêm một lần nữa bước chân phiêu du của mình lại lạc bước.
Nhưng cũng từ hôm ấy, vẫn chàng trai ấy và số máy ấy thường xuyên liên lạc với em, động viên em vượt qua giông bão đời người để hướng tới tương lai. Trải qua hai tháng trời giữ mối liên lạc, dù chưa một lần gặp mặt, giữa Duyên và người con trai đất Bắc đã như thuộc về nhau. Họ vừa gặp nhau mà đã thân quen như tiền kiếp.
Tình yêu đến bằng sự cảm thông chân thành, Bắc 23 tuổi, gia đình cũng nghèo nhưng điều đó chẳng liên quan gì đến việc anh yêu thương Duyên. Một ngày đầu Xuân 2012, sau buổi gặp mặt của hai gia đình, Bắc đưa Duyên về nhà mình ở Nam Định.
Bố mẹ của anh thân tình và cởi mở, họ đã xem em như con dâu trong gia đình khi xưng bố mẹ và gọi em bằng con một cách trìu mến. Cô gái nhỏ lặng người đi vì hạnh phúc và xúc động. Chính em cũng không ngờ mọi chuyện lại diễn ra nhanh như vậy, nhưng em đã đón nhận điều đó như món quà mà số phận đã bù đắp lại sau những thiệt thòi của cuộc đời.
Em Lang Thị Duyên
2. Niềm vui chưa dứt trước câu chuyện cô gái Thái bé bỏng vượt qua bao giông bão của tuổi vị thành niên, chống chọi với cạm bẫy và tìm cách trở về sau 3 năm bị đày đọa thì mới đây, chuyện về Ngân Thị Ứng, một nạn nhân trở về từ Trung Quốc sau khi bị lừa bán cũng đã tìm được hạnh phúc đã thôi thúc tôi tiếp tục chắp bút về cuộc đời kỳ lạ của họ. Ứng là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, vì gia cảnh nghèo nên lớp 5 đã phải bỏ học ở nhà phụ giúp bố mẹ lên rẫy.
Cuộc sống của xã nghèo Đôn Phục (Con Cuông) vốn đã có nhiều xáo trộn từ vài năm trở lại đây. Ứng chỉ là một trong số vài chục phụ nữ, trẻ em rơi vào diện nghi vấn bị lừa bán sang bên kia biên giới, nhiều trong số đó là các bé gái, nghỉ học giữa chừng để đi làm ăn xa, song làm gì và ở đâu thì ngay đến cả người nhà cũng không nắm được.
Nghe lời bạn rủ rê xuống thành phố làm việc, ăn ngon, mặc đẹp lại nhiều tiền, Ứng đã nghe theo mà không biết rằng, mình đã rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người. “Phố” nơi em đến là một bản làng ở biên giới Việt Trung, tỉnh ra thì mới biết mình đã bị gả bán, ép làm vợ một ông lão người Trung Quốc còn nhiều tuổi hơn cả ông nội của mình. Sống đời nô lệ từ tháng 8/2011 đến tháng 4/2012, nhờ sự mưu trí của bản thân cùng với một chút may mắn, Ngân Thị Ứng đã được giải thoát trở về cùng với hai người bạn của mình.
Trở về, Ứng như con chim sợ đậu cành cong sau những bầm dập của số phận. Được gặp lại bố mẹ, người thân với em là một niềm hạnh phúc lớn ngoài mong đợi và là may mắn hơn rất nhiều những số phận khác. Nhưng chính em cũng không ngờ đến, có một ngày em lại tìm được hạnh phúc cho chính mình.
Lương Văn Mày, một chàng trai của bản Hồng Điện đã đón nhận Ứng bằng tất cả sự cảm thông, chia sẻ. Sau phút nép mình e ngại, Ngân Thị Ứng đã cảm nhận được tình cảm chân thành ấy nên vui vẻ đón nhận. Xuân 2013 này, gia đình nhà trai đã mổ lợn để tổ chức một đám cưới nhỏ cho đôi trẻ, chính thức thông báo với cả bản rằng, từ nay Lương Văn Mày đã là chồng của Ứng và đến ở rể chờ hết thời gian “thử thách” sẽ làm đám cưới lớn, đón cô dâu về nhà chồng theo đúng phong tục tập quán của người Thái.
3. Tiền nhân vẫn thường bảo, “Họa trung hữu phúc, phúc trung hữu họa”, trong mỗi biến cố của cuộc đời mỗi người đều có những điều may mắn ẩn đằng sau đó. Câu chuyện về những thiếu nữ bị lừa bán làm nô lệ tình dục trở về từ bên kia biên giới tìm được hạnh phúc cho mình là một khúc ca khải hoàn về lòng tin, tình yêu và sự cảm thông, chia sẻ. Tôi biết, còn nhiều những mái ấm khác nữa được xây đắp sau giông bão cuộc đời tựa như em Duyên, em Ứng.
Và tôi cũng biết rằng, còn rất nhiều những người phụ nữ đang lưu lạc xứ người, cùng với đó là những ông chồng mất vợ, những ông bố, bà mẹ mất con. Để nỗi đau không thêm dài, cứ hãy tin rằng, cuộc sống luôn có những bất ngờ và món quà lớn nhất mà tạo hóa dành cho là mai kia, những người vợ, người chị ấy sẽ được trở về, xây lại mái ấm gia đình còn dang dở.
Thiên Thảo
.