Việc tăng tuổi nghỉ hưu là hợp lý song tiến trình thực hiện cần có sự đầu tư nghiên cứu thật kỹ lưỡng để tăng trách nhiệm cống hiến, bớt quyền lợi cá nhân.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu được quy định tại Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Theo đó, người lao động có trình độ chuyên môn cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định trước (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).
Cử nhân sẽ khó khăn trong xin việc khi tuổi về hưu được tăng lên
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ
Dự thảo này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm và ý kiến trái chiều của mọi người, đây sẽ là cơ hội và thách thức đối với người được tăng tuổi nghỉ hưu.
Tăng tuổi nghỉ hưu cho những người có trình độ chuyên môn cao là hợp lý, sẽ hạn chế được tình trạng lãng phí và chảy máu chất xám. Bởi những người làm trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu khoa học… thì độ tuổi 50 đến 60 hoặc cao hơn nữa mới đạt đến độ “chín” của nghề.
Thế giới đã cho thấy những công trình khoa học để đời, những người đạt giải Nobel hòa bình hay những giải thưởng khoa học cao quý khác phần lớn đều trên tuổi 60 và thực tế ở các nước phát triển tuổi nghỉ hưu thường vượt quá 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tuy nhiên, từ tuổi 60 đối với nam và 55 đối với nữ trở đi thường là giai đoạn phát sinh những vấn đề về sức khỏe.
Thực tế cho thấy, người Việt già là ốm yếu vì những thói quen trong sinh hoạt không điều độ, ít vận động và nguồn lương thực, thực phẩm không đảm bảo an toàn. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần thực hiện theo từng bước, bước đầu chỉ tăng 2 tuổi sau đó điều chỉnh tăng dần. Những lao động chân tay phải cho nghỉ theo quy định cũ, những người lao động đầu óc cần phải tăng tuổi nghỉ hưu.
Ở tỉnh ta, người trình độ chuyên môn cao chưa nhiều, lượng tiến sỹ, giáo sư rất hạn chế, công nhân tay nghề bậc cao chỉ chiếm 1%, trong khi đội ngũ quản lý chiếm khá lớn và để đánh giá quản lý giỏi hay kém rất khó vì chưa có một tiêu chí thống nhất.
Đây sẽ là nhóm được lợi nhiều nhất từ các “cơ chế bất thành văn” khi đang đương chức, bởi vậy không ít cán bộ giữ chức vụ cao đã bị phanh phui về việc khai gian năm sinh để né về hưu.
Việc cán bộ giữ chức vụ sẽ được tăng tuổi nghỉ hưu là bước cản cho cán bộ trẻ, bước cản cho những cử nhân đang thất nghiệp và chuẩn bị ra trường. Vẫn biết Nghệ An là đất học, mỗi năm có hàng chục nghìn học sinh đỗ các trường đại học, cao đẳng và chừng ấy ra trường.
Hiện, tỉnh ta có 7.000 cử nhân đang thất nghiệp, chưa kể trình độ cao đẳng, trung cấp, chính sách tăng lương sẽ là rào cản lớn đối với đội ngũ lao động trẻ này khi kinh tế tỉnh ta chưa có được những cú hích mạnh mẽ.
Trước thực tế đó, chúng ta cần rà soát và phân loại thật kỹ những đối tượng nằm trong quy định của Khoản 3, Điều 187 Bộ luật Lao động, nên chăng cần có những quy định cụ thể, chi tiết và từng trường hợp nằm trong diện được tăng tuổi nghỉ hưu như: Sức khỏe có đảm bảo không, đánh giá năng lực công tác qua từng năm, sự tín nhiệm của đồng nghiệp…
Bác Trần Văn Hải - Cán bộ hưu trí ở xã Hưng Lộc, TP Vinh cho biết: “Về hưu sẽ rất hụt hẫng, nên đây là cơ hội cống hiến của người lao động có trình độ cao, sẽ rất ít người từ chối cơ hội này vì từ chối chẳng khác nào tự nguyện xin từ chức. Tuy nhiên, hãy trao cơ hội này cho những người xứng đáng để nhận được nhiều hơn sự cống hiến vì sự phát triển chung”.
Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là thách thức và cũng là cơ hội, nhưng làm thế nào để phát huy được sự cống hiến, trách nhiệm chứ không vì lợi ích cá nhân là một việc quan trọng cần phải làm khi dự thảo có hiệu lực.
Ngọc Hùng
.