Cũng vì chưa có bất cứ công ty hay doanh nghiệp nào chuyên đào tạo, môi giới về nghề này, nên xung quanh chuyện về tìm người giúp việc ngày nay cũng lắm bi hài.
Ô sin vốn được coi là nghề thấp hèn trong xã hội. Nhưng đó là câu chuyện của ngày xưa. Thời đại ngày nay, ô sin đang là nghề hốt ra bạc và là mối bận tâm của không ít gia đình, đặc biệt là với những gia đình công nhân viên chức trẻ.
Thế nhưng, để tìm được người giúp việc vừa ý, đủ tin tưởng để giao tay hòm chìa khóa đặng quán xuyến việc nhà không phải là một công việc đơn giản bởi hiện nay, trên địa bàn chưa có dịch vụ đào tạo, môi giới ô sin mà chỉ là tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp.
Về vấn đề này, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đã có những công ty chuyên đào tạo, cung cấp người giúp việc thực sự. Người giúp việc được đào tạo bằng cấp, gia chủ cần ô sin sẽ ký hợp đồng với công ty, nếu xảy ra mất tài sản do ô sin gây ra sẽ được bồi hoàn.
Trong khi đó, ở địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh cũng như các tỉnh miền Trung, do dịch vụ này mới nở rộ nên nếu gia chủ cần người giúp việc, thường là tự mình liên hệ hoặc nhờ anh em, bạn bè. Đối tượng nhắm tới là những em bé tuổi tầm 14 - 15 hoặc các cụ bà tuổi dưới 70, sống ở các vùng thôn quê. Cũng bởi vậy, quanh chuyện thuê mướn ô sin này xảy ra không ít chuyện phức tạp, thậm chí là kéo theo cả hệ lụy.
Qua khảo sát trên dưới 10 hộ gia đình có thuê người giúp việc, chúng tôi được biết, hiện mức lương phải trả để ô sin đồng ý làm việc giao động từ 2,5 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài lương, người giúp việc còn được chủ nhà mua sắm quần áo, vật dụng cá nhân. Nhiều người giúp việc đã làm tốt phần việc của mình, được chủ nhà tin yêu. Thế nhưng, cũng không ít ô sin làm mình làm mẩy, hoặc trộm cắp tài sản, hoặc ngược đãi con cái gia chủ khiến họ rất phiền lòng.
Ô sin hiện nay đang trở thành nghề nhận được sự quan tâm hàng đầu của
các gia đình hiện đại - Ảnh minh họa
Gia đình anh Nguyễn Văn Trung và chị Hà Thị Phượng ở TP Hà Tĩnh, mới sinh cháu nhỏ chưa đầy năm. Hai vợ chồng là công nhân viên chức, nên suốt ngày tối mặt ở cơ quan, trong khi ông bà ở xa nên buộc phải chạy đôn chạy đáo đi tìm ô sin.
Được một người bà con giới thiệu, anh chị thuê bà Sâm, 72 tuổi, quê Hồng Lĩnh với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Sau một tháng thử thách, thấy bà này là người thật thà, chất phác, hai vợ chồng giao tất tật mọi việc nhà, từ cơm nước, giặt giũ đến chăm con cho bà Sâm. Được khoảng 3 tháng, hàng xóm ngạc nhiên thấy bà này xếp đồ xin về quê.
Sau hỏi ra mới hay, dù đã rất cố gắng nhưng bà vẫn làm không hết việc nhà. Ỉ lại có người giúp việc, hai vợ chồng chẳng đụng tay, đụng chân vào bất cứ việc gì, đã thế còn không cho ô sin dùng đến máy giặt, đến bữa cơm thì sau khi bà dọn lên, trông con cho hai vợ chồng ăn xong, bà mới ăn sau cùng.
Dù rất thương cháu bé, nhưng bị bóc lột quá đáng, bà lấy cớ con cháu không cho đi làm ô sin nữa nên đã xin nghỉ việc. Cũng đôi vợ chồng này, sau đó tìm được một người giúp việc khác, trẻ trung tháo vát hơn. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này đối xử tử tế hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, chị vợ phát hiện đồ đạc trong nhà cứ thế biến mất dần không dấu tích. Trước Tết Nguyên đán, sáng hôm trước khi ô sin xin về ăn Tết, đêm đó tình cờ chị ta mở tủ thì thấy vơi mất
2,7 triệu đồng. Trước khi tiễn ô sin về quê, hai vợ chồng đã kịp phát hiện ra thủ phạm của vụ trộm chính là người giúp việc. Ngoài ra, trong giỏ xe còn nhiều thứ lặt vặt khác như xà phòng, mắm muối và thậm chí là cả những chiếc móc quần áo! Ô sin thú nhận, đây không phải là lần đầu chị ta táy máy đồ đạc của gia chủ như thế.
Một trường hợp khác, gia đình anh chị Trần Tuấn và Lê Thị Phương Huyền ở TP Vinh, cũng là cán bộ công chức. Đứa lớn năm nay vào lớp 1, còn đứa bé mới hơn một tuổi. Những năm trước có bà ngoại cáng đáng chuyện nhà, nay bà phải về quê chăm ông bị ngã đau chân nên quáng quàng đi tìm người giúp việc. Cũng nhờ người giới thiệu, anh chị tìm được cô bé tên Lam, 16 tuổi quê Tân Kỳ.
Cũng như nhiều gia đình khác, anh chị này đã khoán trắng việc nhà, việc con cho cháu Lam. Được cái, con bé vất vả từ nhỏ nên rất được việc, lại thật thà nên không chỉ vợ chồng nhà chủ mà hai đứa trẻ cũng rất quý, sớm tối cứ quấn lấy ô sin. Thậm chí, từ việc tắm rửa, giặt giũ đến ăn uống, hai đứa trẻ này chỉ đòi mỗi chị Lam làm mà thôi. Chưa dừng lại ở đó, đêm ngủ, chúng cũng ngủ cùng với ô sin.
Ấy vậy nên mới có chuyện, có nhiều hôm Lam có việc về quê, xin nghỉ mấy hôm, cả đứa lớn lẫn đứa bé đều không chịu ăn, chịu ngủ khiến anh chị hết sức phiền muộn. “Hôm rồi nó bảo đang ôn thi để đi học nghề, dù trong lòng vẫn muốn cho cháu có cái nghề thật nhưng cứ trông nó thi đừng đậu để giúp cho gia đình thêm thời gian nữa”, chị Huyền thật thà phân trần.
Thuê được người giúp việc trong thời buổi này đã khó, để giữ được ô sin lại càng khó hơn. Một số người ý thức được vai trò của mình nên đã không ngừng hoạnh họe, ra yêu sách với chủ nhà. Ngoài việc đòi tăng lương, “giảm giờ làm”, còn đòi thêm điện thoại, quần áo và cả xe đạp điện để làm phương tiện đi lại.
Nhiều gia đình chịu không thấu đã “trảm”, nhưng cho nghỉ rồi lại phải uốn lưỡi nài nỉ trở lại làm vì tìm không ra người giúp việc. Những gia đình khá giả hơn một chút thì chấp nhận xuống nước, thuê hẳn hai người giúp việc, một chăm con và một làm việc nhà.
Thiết nghĩ, nhu cầu tìm người giúp việc trên địa bàn hiện đã trở thành thiết yếu, nếu có công ty hay tổ chức nào đứng ra chuyên cung ứng ô sin thì hoạt động này sẽ trở nên chuyên nghiệp hơn, người có nhu cầu cũng yên tâm hơn khi giao tay hòm chìa khóa cho người giúp việc, thay vì cứ phải tự mình tìm kiếm hoặc thông qua một vài “cò” ô sin như hiện nay.
Thành Thảo
.