Tiếp nối phẩm chất truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ trở về với quê hương ông đã có nhiều việc làm tích cực được chính quyền địa phương và nhân dân ghi nhận, trong đó tiêu biểu là đưa việc lễ tang thực hiện theo nếp sống mới.
Theo ông Sửu thì sự vận động phát triển kinh tế phải luôn đi đôi với việc thực hiện nếp sống văn hóa, đặc biệt là nếp sống mới trong việc lễ tang. Đây là vấn đề tâm linh nhạy cảm vì có nhiều phong tục từ ngàn xưa để lại đã ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân, nhất là những người mê tín và thầy cúng.
Ông Vương Đình Sửu |
Làm thế nào để vận động mọi người bỏ đi các tập tục lạc hậu như để người chết trong nhà nhiều ngày, tổ chức cúng bái, ăn uống dài ngày; cha mẹ chết con phải nằm đường để người quá cố đi qua, làm ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Đây là việc rất khó vì đụng chạm đến tâm linh không dễ gì bỏ ngay được.
Trước hết ông đưa vấn về này ra chi bộ thảo luận và bàn bạc, phân tích rõ cái hay cái tốt khi bỏ đi các thủ tục lạc hậu và đưa cái văn minh, giảm chi phí, phiền hà vào công việc tang lễ để mọi người nhận thức thấu tình đạt lý đồng thuận với quần chúng nhân dân để thực hiện. Đồng thời tổ chức họp các cụ cao tuổi, tranh thủ ý kiến và được các cụ thống nhất đồng tình ủng hộ để đưa việc tang vào nếp sống mới.
Qua đó, dựa vào hương ước, quy ước của khối tiến tới triển khai vận động quần chúng nhân dân, phân tích kỹ cái nên bỏ, cái nên làm một cách chí tình, chí lý, vận động thuyết phục cùng với việc phân tích kỹ điều hơn lẽ thiệt, cái hay, cái dở nên dần dần mọi người nhận thức được và tự giác thực hiện. Công việc này bản thân ông tự khởi xướng từ đầu năm 2010, đến nay đã trở thành nề nếp tự giác.
Việc ma chay ở khối 3 luôn thực hiện theo nếp sống mới. Khi có người chết, khối trưởng lập tức thông báo tin buồn lên loa truyền thanh của khối cho mọi người biết để đến chia buồn động viên gia đình. Đồng thời, tiến hành lập ban lễ tang, viết điếu văn, thông báo giờ viếng, đưa tang và những việc cần thiết.
Các đoàn thể, phụ nữ thì phục vụ nước nôi dọn dẹp giúp gia đình, các cụ tổ chức làm nhà tang, còn những người trong độ tuổi lao động có sức khỏe thì đào huyệt. Đến lúc đưa tang, tổ chức các lễ nghi theo phong tục, đảm bảo tôn nghiêm và kết hợp đan xen hài hòa giữa phong tục tập quán của hai dân tộc Kinh và Thái thể hiện trên điếu văn đầy xúc động và nỗi niềm thương tiếc người quá cố.
Hiện nay việc đưa tang không được rải tiền vàng mã trên đường phố đã được Sở Văn hóa thể thao và Du lịch hướng dẫn bổ sung vào quy ước để thực hiện.
“Để đưa việc tang vào nếp sống mới đảm bảo văn minh, tôn nghiêm, tôn trọng người quá cố, trước hết cần tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, thôn bản biết cách tổ chức lễ tang theo một chương trình, thủ tục thống nhất, đảm bảo hài hòa giữa các phong tục tập quán của các dân tộc sống trong cùng một thôn bản, khối, xóm mà vẫn đảm bảo được tính tâm linh. Nhằm giảm đi các phong tục, hủ tục lạc hậu, gây tốn kém cho gia đình và họ hàng tang chủ” - ông Sửu cho biết.
Ngọc Anh - Đức Thắng
.