Cách đây tròn 32 năm về trước, vào năm 1982, từ Việt Nam 12 cô gái thuộc diện ưu tú và con gia đình chính sách đã được cử sang Liên Xô làm công nhân may. Trong thời gian sống ở trời Âu, họ đã được người phụ nữ Anh hùng Xô Viết tên là Nina Alecxeepva cưu mang, đỡ đầu và nhận làm con nuôi. Năm 1986, những đứa con nuôi này đã chia tay mẹ để về nước. Phương trời cách biệt, mãi đến đầu năm 2013, họ mới có dịp được đón mẹ sang thăm trong một cuộc hội ngộ xuyên thế kỷ cảm động lòng người.
Chuyện về người mẹ Nga và 12 đứa con Việt
Một ngày đầu năm 2013, tình cờ chứng kiến được cuộc gặp gỡ xuyên thế kỷ của người mẹ Nga và 12 đứa con nuôi Việt diễn ra tại Sân bay Vinh (Nghệ An) đầy cảm động, người viết bài này cũng đã không kìm nén được cảm xúc của mình nên đã lần theo địa chỉ của những đứa con nuôi đặc biệt này để tìm hiểu nguồn cơn.
Những nam thanh, nữ tú ngày nào còn lạ lẫm khi lần đầu tiên đặt chân sang trời Âu, nay đã lên chức ông, chức bà, người Nam kẻ Bắc nhưng tất cả đều vẹn nguyên tình cảm biết ơn sâu sắc dành cho người mẹ Nga Nina sau gần 30 năm trời cách biệt.
Mở đầu câu chuyện khi được gặp lại người mẹ nuôi, chị Lê Thị Hòa (tên Lê Na, 49 tuổi, hiện đang công tác tại một cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh) không khỏi bồi hồi: “Hôm đó trời rét như cắt da, cắt thịt nhưng được tin mẹ Nina Alecxeepva sang thăm, chúng tôi ai cũng háo hức kéo ra sân bay đón mẹ mà lòng rạo rực. 27 năm không gặp mẹ mà lúc xuống sân bay mẹ vẫn nhớ, đọc tên từng đứa khiến chúng tôi òa khóc như những đứa trẻ”.
Cuộc gặp xuyên thế kỷ của mẹ Nina Alecxeepva và các con Việt
Đoạn, câu chuyện ngược về quá khứ của 27 năm trước được cưu mang nơi xa xứ đã được chị Hòa cũng như các anh chị em khác lật giở ký ức. Đã lâu lắm rồi, nhưng những tình cảm mẹ Nina dành cho các chị vẫn còn ấm áp, nguyên vẹn như thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Thời điểm đó là vào năm 1982, mười hai người con gái quê Nghệ Tĩnh tuổi vừa mới mười tám, đôi mươi thuộc diện thanh niên ưu tú, gia đình chính sách được cử sang Nga (Liên Xô cũ) làm công nhân tại nhà máy Dệt ở thành phố Orekhovo duevo. Tại đây, mọi người được bố trí làm tại một tổ máy.
Lần đầu tiên đi xa, tuổi lại đang còn trẻ, ngoại ngữ thì bập bõm dăm ba câu nên mấy chị em cứ ngơ ngơ ngác ngác giữa chốn đông người. Có chị còn bật khóc vì thấy tủi thân. Trong hoàn cảnh đó, thương cho các cô cậu thanh niên trẻ, chị Nina Alecxeepva lúc bấy giờ đã là một anh hùng Lao động Liên Xô đã nhận giúp đỡ, chỉ bảo công việc cho từng người.
“Ngay từ lúc mới vào nhận nhiệm vụ, biết chúng tôi ở nước khác đến không biết tiếng Nga, mẹ Nina rất nhẹ nhàng dạy bảo cho chúng tôi từng tý. Mẹ dẫn chúng tôi về nhà cho chúng tôi sưởi ấm, cho ăn, ở ngay trong chính ngôi nhà riêng chật hẹp nhưng ấm cúng của mẹ. Mẹ quý, yêu thương chúng tôi như con trong nhà và đặt cho mỗi đứa mỗi cái tên Nga. Đón nhận tình cảm đó, chị em chúng tôi cũng coi bà như là người mẹ thứ hai của mình”. Chị Hạnh, một trong những người con nuôi của mẹ Nina đang sinh sống tại TP Vinh (Nghệ An) kể lại.
Chính mẹ Nina đã trở thành người mẹ thứ hai chăm lo cho 12 anh chị em, từ miếng ăn giấc ngủ đến công việc trong suốt 5 năm ròng sống xa xứ, mưu sinh trên đất nước Nga Xô viết anh hùng. Đến năm 1986, hết thời hạn làm việc, 12 đứa con nuôi chia tay mẹ Nina trong bịn rịn, lưu luyến.
Cuộc gặp gỡ xuyên hai thế kỷ sau 27 năm xa cách
27 năm trôi qua kể từ lúc chia tay ở phương trời Âu, mười hai đứa con Việt của mẹ Nina, mặc dù luôn nhớ về mẹ và mong ước được đón mẹ tới thăm từng ngày mới được trùng phùng trong niềm hân hoan khôn xiết. Vì nhiều lý do khác nhau, cuộc sống gia đình của những người con nuôi mỗi người một nơi. Họ phải bận bịu, lo toan công việc gia đình không thăm mẹ được.
Về phần mẹ Nina Alecxeepva, khi chia tay các con mẹ không lấy chồng, sống độc thân một mình cho đến ngày nghỉ hưu. Một ngày cuối năm 2012, khi nỗi nhớ nhung đã biến thành động lực thôi thúc, mẹ Nina Alecxeepva quyết định sang Việt Nam một lần để biết được về đất nước, con người Việt cũng như cuộc sống của những đứa con nuôi mình trưởng thành thế nào sau nhường ấy năm xa mẹ.
Về phần những đứa con nuôi Việt Nam, khi nhận được tin mẹ sang thăm, mọi người ai cũng phấn chấn, rạo rực cả lên. Chưa thể tụ hội ngay được vì tính chất công việc của từng người, chị cả Đa Sa đã phân công những người đang công tác tại Hà Nội đón mẹ Nina ngay tại Sân bay Nội Bài. Còn những đứa con đang sống ở Vinh đón mẹ tại sân bay Vinh, sau đó đại gia đình dự yến tiệc trùng phùng tại thành phố Hà Tĩnh. Nghe tin mẹ nuôi sang thăm, những đứa con của mẹ đang công tác tại Quảng Bình và TP Hồ Chí Minh cũng đã kịp bay ra hội ngộ.
“Mười hai đứa, sau khi về nước mỗi đứa làm mỗi việc, nhiều nơi khác nhau nhưng khi mẹ sang thăm đứa nào cũng sắp xếp để được đón mẹ. Giây phút hạnh ngộ tại sân bay, mẹ con chúng tôi lại ôm nhau khóc như 27 năm về trước, song lần này không phải khóc biệt ly mà là những giọt nước mắt sung sướng, hạnh phúc”, chị Đa Sa nhớ lại giây phút được gặp lại mẹ Nina Alecxeepva của mình trên đất nước Việt Nam.
Dù mẹ Nina chỉ lưu lại Việt Nam được một thời gian ngắn song nhìn thấy những đứa con khỏe mạnh, thành đạt và đặc biệt là được thỏa chí một lần đến đất nước Việt Nam xinh đẹp, nữ anh hùng lao động Liên Xô này đã rất xúc động. Chia tay, các chị cũng hứa sẽ dành cho mẹ một món quà đặc biệt trong tương lai gần, ấy là sẽ trở lại đất nước Nga để gặp mẹ, để tình Việt - Nga thêm hữu hảo, đậm đà.
Thiên Thảo
.