Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26109-gap-nguoi-20-nam-lai-xe-cho-2-doi-chu-tich-nuoc-392670/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201302/26109-gap-nguoi-20-nam-lai-xe-cho-2-doi-chu-tich-nuoc-392670/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Gặp người 20 năm lái xe cho 2 đời Chủ tịch nước - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 09/02/2013, 08:03 [GMT+7]
26109

Gặp người 20 năm lái xe cho 2 đời Chủ tịch nước

Ông là Nguyễn Văn Mùi, người gần 10 năm lái xe cho Bác Hồ và 11 năm lái xe cho Bác Tôn.
 
Nhiệm vụ cao cả
Trong chuyến ra Hà Nội vào những ngày trời thủ đô mưa Xuân lất phất, tôi tìm đến người lái xe năm nào cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nhà ông không khó tìm, ngay tại khu tập thể Văn phòng Chính phủ ở ngõ 4, phố Phương Mai, quận Đống Đa. Trời gần quá trưa, ông vẫn niềm nở đón khách lạ vào thăm trong bộ quần áo giản dị, cái bắt tay đầm ấm.
 
Nhắc về nghiệp “lái xe”, ông như được sống lại với một thời được làm nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả của cuộc đời mình. Và, ký ức cứ hiện về với người từng cầm vô lăng lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng với một tình cảm cởi mở, gần gũi, chân tình.
Ông Nguyễn Văn Mùi cùng kỷ vât
 
“Lớn lên, tôi đã sớm phải nếm cảnh khổ đau, bị cướp bóc của thực dân Pháp. Là con út trong gia đình có 7 anh em nhưng cũng như bao lớp thanh niên khác, tuổi 17 tôi đã tham gia du kích, cùng toàn dân đứng lên chống Pháp. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, thực dân Pháp trắng trợn quay trở lại xâm lược nước ta lần nữa. Quê tôi cũng bị giặc Pháp đàn áp, bóc lột.
 
 
 
Lúc này, Đảng và Bác Hồ quyết tâm không chịu làm kiếp nô lệ nên phát động toàn dân kháng chiến, trường kỳ kháng chiến. Năm 1949, cũng như các anh chị em trong làng, tôi tình nguyện tham gia vào đội quân du kích địa phương đoàn kết đánh giặc. Rồi hưởng ứng chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không để Pháp bóc lột, đầu năm 1950, tôi lên chiến khu Việt Bắc tham gia hoạt động cách mạng.
 
Như được sống lại những ngày tháng hào hùng và hạnh phúc, ông Mùi trò chuyện với chúng tôi như người thân quen trong một nhà: Khi lên đến Việt Bắc, lạ nước, lạ đất, trong những ngày đầu bỡ ngỡ ấy, cơ duyên đã đến với mình khi gặp lại chính người anh trai cả trong gia đình đang làm ở xưởng đúc tiền cho Chính phủ ta kháng chiến.
 
Được anh trai dìu dắt vào làm công nhân xưởng đúc tiền một thời gian thì bước sang năm 1950, chiến thắng Chiến dịch biên giới, lúc này Chính phủ ta chuyển sang tiêu tiền giấy nên chàng thanh niên Nguyễn Văn Mùi đành phải chuyển sang bộ phận vận tải cho cách mạng.
 
Trong thời gian ở Ban kiểm tra 12 của Chính phủ, với bản tính chăm chỉ, siêng năng và cầu thị trong học hỏi, năm 1952, Nguyễn Văn Mùi trở thành người lái xe. Và, cơ duyên nữa lại đến với chàng lái xe trẻ Nguyễn Văn Mùi. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán hiệp định Giơ-ne-ver, lập lại hoà bình ở Đông Dương, đồng chí Vũ Hoàng, lãnh đạo Ban kiểm tra 12 đã “nhắm” vào cậu thanh niên quê gốc Nam Định này để lái xe trong đội hình tháp tùng Bác Hồ và Chính phủ về tiếp quản Hà Nội.
 
Chuyến đi năm ấy, đoàn xe có 4 chiếc Gat-69 và 3 xe Gat 51 (Bác Hồ đi trong nhóm xe Gat 69) về thủ đô Hà Nội. Khoảng hơn 9 giờ ngày 19/9/1954, đoàn đi qua tỉnh Phú Thọ đến đường rẽ vào Đền Hùng, Bác yêu cầu dừng nghỉ, tập hợp bộ đội lại nói chuyện. Và tại đây, Bác đã có câu nói nổi tiếng: “Các vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
 
Năng động, chắc chắn, linh hoạt đến từng việc làm nên năm 1961, một cơ duyên quan trọng nữa lại đến với Nguyễn Văn Mùi khi chính đồng chí Vũ Hoàng đã giao cho anh một nhiệm vụ hết sức đặc biệt: Trở thành người lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là trọng trách cao cả đến với lái xe Nguyễn Văn Mùi và cũng là cơ duyên may mắn của cuộc đời người lái xe như ông.
Vinh dự được gần gũi người cha già của dân tộc!
Đến bây giờ, khi đã về vui thú điền viên với gia đình, mỗi lần nhắc lại quãng thời gian lái xe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Mùi vẫn thường xem đó là kỷ niệm thiêng liêng nhất của cuộc đời. Và cũng là niềm vinh dự của một người từng theo cách mạng, theo Bác Hồ từ thuở còn thanh niên. Vẫn cái dáng to cao, vừa trò chuyện bên ấm trà nóng trong căn nhà khu tập thể văn phòng Chính phủ, ông Mùi vừa tâm sự với chúng tôi rất nhiều về kỷ niệm khi gần gũi với Bác Hồ gần 10 năm trời.
 
“Ngày đó, tôi được giao phụ trách lái chiếc xe Gát do Liên Xô (cũ) sản xuất để chở Bác Hồ đi công vụ. Sau này, nước bạn Liên Xô có tặng Người một chiếc xe Zít-nanh-đơ, xe này sản xuất cho các nguyên thủ thời ấy nên rất sang, xe có cả kính chắn đạn. Tuy nhiên, Bác không thường xuyên đi xe này bởi vì xe sang quá đi công vụ sợ nhiều người để ý rồi không gây được sự thân thiện với đông đảo đồng bào cũng như quần chúng nhân dân lao động.
 
Vì vậy, tuy Văn phòng Chính phủ có ý định đổi xe cho Bác nhưng Người một mực không muốn đi xe sang rồi sau này chuyển sang đi xe Pô - Pê - đa” - ông Nguyễn Văn Mùi kể. Ông Mùi bảo, gần 10 năm lái xe cho Bác Hồ, một ngày không thể kể hết được những việc làm, mỗi hành động, cử chỉ từ nhỏ đến lớn đều toát lên vẻ giản dị, cẩn thận và liêm khiết của Người. Hình ảnh của Bác đều để lại không chỉ cho ông Mùi mà còn tất thảy những người dân bình thường niềm kính trọng cao đẹp nhất. Kể cả lúc đi công tác gặp các cụ già, em nhỏ, người kém may mắn, Bác Hồ đều dành những tình cảm nâng niu đặc biệt cho họ.
 
Rồi chuyện lo cái ăn, chỗ ngủ cho những chiến sỹ đang ngày đêm chịu rét, chịu đói đều hiện lên trong tâm trí của Người. Rồi xuống cơ sở, Bác không quên thăm hỏi ân cần người dân và động viên nhân dân hăng hái tham gia lao động sản xuất để giảm bớt đói nghèo và góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Nhiều năm liền lái xe cho Bác Hồ đã để lại cho ông Mùi những kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong cuộc đời. Cho đến khi Bác Hồ đi vào cõi vĩnh hằng (năm 1969), ông Nguyễn Văn Mùi còn là người vinh dự được cử đứng túc trực bên linh cữu của Người.
 
Tháng 10/1969, sau khi Bác Hồ mất, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục tín nhiệm ông Nguyễn Văn Mùi lái xe cho Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. “Thấy tôi đã gần 10 năm lái xe cho Bác Hồ mà không để xảy ra sai sót nào, Văn phòng Chính phủ lại tiếp tục tín nhiệm tôi lái xe cho Bác Tôn thêm 11 năm nữa. Cũng như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức tính giản dị của Bác Tôn đã để lại trong tôi những hình ảnh đẹp đẽ, thân ái” - ông Mùi tâm sự.
 
Cũng trong thời gian này, dù đã nhiều năm kinh nghiệm lái xe đưa đón Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng ông Mùi không cho phép mình chủ quan trong mỗi vòng bánh xe lăn khi đưa đón Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Cũng như những năm Bác Hồ còn sống, Bác Tôn là người sống rất giản dị và gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Phục vụ Bác Tôn, ông Nguyễn Văn Mùi có nhiệm vụ quản lý 2 chiếc xe, một chiếc Volga và chiếc Commăngca.
 
Chỉ trừ trường hợp phải đi tiếp khách nước ngoài, Bác Tôn mới sử dụng chiếc Volga cho lịch sự, còn phần lớn đi lại làm việc trong nước, Bác sử dụng chiếc Commăngca cho bình dân, gần gũi với quần chúng lao động. Sau ngày Chủ tịch Tôn Đức Thắng mất, ông Nguyễn Văn Mùi còn lái xe cho các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng như bác Nguyễn Lương Bằng, Võ Chí Công, Đỗ Mười… trong suốt thời gian dài cho đến khi về nghỉ hưu.
 
Gần 20 năm lái xe cho 2 đời Chủ tịch nước, đó là quãng thời gian quý giá mà ông Nguyễn Văn Mùi vinh dự được gần gũi, học tập rất nhiều từ nhân cách của Bác Hồ và Bác Tôn. Bây giờ tuổi đã ngoài 80 nhưng ông Nguyễn Văn Mùi vẫn còn tinh anh trong mỗi hành động, vẫn là tấm gương sáng của gia đình và khối phố.

Trần Ngọc Thái
.