Hành trình đến với tộc người Đan Lai nơi thượng nguồn sông Giăng quả là đầy khó khăn nguy hiểm. Nhưng đổi lại được cái cảm giác vào rừng sâu, sông lớn, sẽ là cuộc thám hiểm thú vị cho những ai dũng cảm. Khung cảnh nơi đây đẹp thơ mộng với những vách đá cao, từng hàng cây nghiêng mình bên sông nước mênh mông, thế nhưng cũng mang lại cho người ta không ít cảm giác hãi hùng.
Bởi tại những khúc sông uốn gấp đều có xoáy nước rất sâu như muốn nuốt chửng mọi thứ. Nước réo tung bọt trắng xóa khiến con thuyền dập dềnh rồi nghiêng ngả như muốn lật úp, mọi người ngồi trên như nín thở chỉ mong vượt qua thác ghềnh một cách an toàn.
Đan Lai có tục “ngủ ngồi”
Chiếc thuyền máy chạy hết tốc lực vậy mà sau 6 giờ đồng hồ chúng tôi mới đến được bản Cò Phạt khi mặt trời vừa xế vách núi. Trước mắt, Cò Phạt hiện ra với những mái nhà tranh, chẳng khác nào những “tổ chim” treo trên vách núi. Màn đêm buông xuống, bên bếp lửa bập bùng, bà con dân bản tụ tập đông vui đón khách.
Chúng tôi chuẩn bị ăn cơm tối với mọi người. Món ăn chính là cá sông Giăng, người ta đem một mớ cá, con to nhất bằng ngón tay cái đang nhảy tong tóc trong chiếc rổ đan bằng nứa, bất ngờ đổ ụp chúng vào nồi nước có bỏ gia vị của rừng đang sôi sùng sục.
Chỉ khoảng 15 phút sau là vớt cá ra. Già làng bảo ăn cả con mới ngon và bổ dưỡng. Ăn vào lúc đầu thấy hơi đắng, nhưng nhai kỹ sẽ cảm nhận được vị ngọt của cá tươi thật ngon miệng. Trong bữa ăn, già làng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về truyền thuyết Đan Lai rằng: "Ngày ấy xa xưa lắm, người Đan Lai sống tại vùng cao rừng rậm của huyện Thanh Chương ngày nay, gần người Kinh như anh em ruột thịt. Một hôm có sứ giả triều đình mang lệnh vua ban rằng trong vòng 30 ngày, dòng họ La phải làm xong cho nhà vua 9 chiếc thuyền liền chèo bằng vàng.
Người dân Đan Lai ở bản Cò Phạt được tổ chức khám bệnh miễn phí
Trưởng tộc gọi mọi người tới mặt ai cũng biến sắc, bởi lấy đâu ra vàng mà dựng thuyền liền chèo trong một thời gian ngắn như vậy. Biết không thể làm được, nên tất cả dòng họ kéo nhau trốn vào rừng sâu. Họ đi suốt 69 ngày, vượt qua 15 ngọn núi, 9 con khe và bơi qua sông nơi thượng nguồn sông Giăng bây giờ. Khi cảm thấy quan quân triều đình không thể tìm tới được nữa mọi người dừng lại định cư. Một thời gian dài sau đó, có một ông thầy tướng thông chữ Hán đi qua bản, đã giải mã về 9 con thuyền liền chèo bằng vàng như sau: Vùng đất nơi dòng họ La sinh sống có loại tre màu vàng, cứng như thép, lấy làm nan đan thuyền và gắn tay chèo lên mạn thuyền đẹp như thuyền bằng vàng.
Do sứ giả truyền đạt không đủ ý, hiểu sai ý Vua, dòng họ La đã phải bỏ quê hương, nơi chôn rau cắt rốn ra đi trốn vào chốn rừng sâu nước độc, thay tên đổi họ, cách biệt với xã hội loài người văn minh. Và từ đó, tộc người Đan Lai ra đời. Cứ thế năm này qua năm khác, họ sống chui lủi trong rừng sâu núi thẳm, ngủ trong hốc đá, săn bắt cá, đào các loại củ rừng ăn qua ngày. Cho đến một ngày mùa thu cách đây chưa lâu, các chiến sỹ biên phòng khi đi tuần tra biên giới đã phát hiện ra tộc người Đan Lai”.
Đến Cò Phạt rồi mới biết người Đan Lai có lắm chuyện lạ, nếp sống rất khác thường, khó lý giải. Cụ ông La Pí Xuân đã 65 tuổi, tóc vẫn còn xanh, tuy người nhỏ thó nhưng cụ vẫn khỏe và nhanh như con thú rừng. Trong màn đêm đặc quánh, bên bếp lửa bập bùng, cụ kể về quá khứ với cái giọng rền rĩ như trong mơ rằng: “Các già làng ở đây, ngày cũng như đêm đều dùng chiếc gậy chống cằm “ngủ ngồi” trước cửa hoặc gần bếp lửa. Đây là kiểu ngủ có phản ứng nhanh như đang còn thức để chống ma rừng và phòng thú dữ tấn công. Khi người ta ngủ ngồi, tay cầm vũ khí, thú dữ nhìn vào cứ ngỡ là người còn thức nên chúng sẽ bỏ đi. Mà ai chống gậy “ngủ ngồi” sức khỏe rất dẻo dai và có thể đánh lại được con hổ, con báo, kể cả lũ gấu.
Sống ở vùng rừng núi âm u đầy rẫy thú dữ, nếu ai nằm duỗi chân tay ngủ sẽ bị thú dữ ngoặm cổ kéo đi...”. Bắt nguồn từ đó mà cho đến nay, người Đan Lai vẫn có tục “ngủ ngồi”. Họ còn duy trì lắm hủ tục lạc hậu như hôn nhân cùng dòng tộc, huyết thống, có lẽ vì thế mà hàng trăm gia đình Đan Lai tại các bản Cò Phạt, Búng, Bu đều chung một họ La và có vóc dáng thấp bé. Nạn “tảo hôn” đang là câu chuyện rất đỗi bình thường ở vùng đất nơi rừng sâu nước thẳm này. Có những cô bé mới bước vào tuổi mười ba, mười bốn đã “con bồng con bế”.
Người Đan Lai có tục “ngủ ngồi”
Ngạc nhiên hơn, người dân còn có tục “đẻ ngồi” và lạ thay những đứa trẻ vừa cất tiếng khóc chào đời đều được mẹ chúng đưa đi ngâm nước suối. Đã có thời kỳ số trẻ mới sinh ra bị chết rất nhiều. Người dân ở đây nằm ngủ không có màn, tối đến muỗi rừng bay từng đàn như ong vỡ tổ nên rất dễ lây bệnh. Khi có người bị bệnh tật đau ốm, người dân cho là bị ma nhập nên họ làm lễ cúng để đuổi con ma rừng đi, rất nhiều người vì thế mà phải chết oan.
“Nền văn minh” đã đến
Ban đêm, ở Cò Phạt giống như trong truyện cổ tích, ánh sáng le lói hắt ra từ những ngôi nhà trên sườn núi, khiến người ta có cảm giác bản làng nơi thượng nguồn sông Giăng thật huyền bí. Bản Cò Phạt có gần trăm ngôi nhà đều lợp bằngtranh lụp xụp. Dân số ngót nghét vài trăm người, do đói cái ăn nên người nào người nấy teo tóp, xanh xao, thấp lè tè.
Người dân cho biết, trước đây chưa lâu, quanh năm suốt tháng không được bữa ăn no nên họ phải vào rừng sâu đánh bắt cá, dùng cung tên săn bắn thú rừng và hái lượm hoa quả, măng rừng hoặc đào củ khoai, củ chuối kiếm ăn qua ngày. Nhiều người đi săn bắt phải dựng tạm lều dọc bờ sông Giăng để trú ngụ hàng tháng trời. Hầu hết người lớn, trẻ em ở đây đều thành thạo đánh bắt các loại cá. Có thể nói, nhờ dòng sông Giăng mà người Đan Lai có thực phẩm ăn qua ngày, chống chọi với đói nghèo “bủa vây” một cách khủng khiếp.
Kể từ ngày được các chiến sỹ biên phòng đi tuần tra phát hiện ra tộc người Đan Lai, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, người dân đã biết khai hoang làm đồng ruộng, biết trồng lúa nước tự túc lương thực. Được cán bộ các ngành giúp đỡ đưa khoa học kỹ thuật nông nghiệp sản xuất trồng cây lúa nước, trồng khoai, sắn sản lượng tương đối khá, người Đan Lan đã “đổi đời” như một giấc mơ kỳ diệu.
Cô giáo Phan Thị Hồng quê tận huyện Yên Thành, tình nguyện lên cùng ăn, cùng ở với bà con Đan Lai để dạy chữ cho các em. Cô nói giọng cảm động: “Điều vui mừng là thế hệ con cháu người Đan Lai đã được tới trường học chữ. Hệ thống trường lớp từ mầm non, tiểu học ở đây đã được Nhà nước đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp.
Tuy buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn do các em không chịu đến lớp, thậm chí nhiều phụ huynh còn cho rằng, học chữ không no được cái bụng nên không cho con em đến trường. Nhưng bằng tinh thần trách nhiệm của những người “gieo chữ”, thầy cô giáo không quản ngại khó khăn, dày công vận động thuyết phục, nên dần dần các em đã đến trường học”.
Già làng La Văn Phi, người cao khoảng 1,5m thuộc dạng cao lớn nhất tộc Đan Lan nói: “Cuộc sống bà con Đan Lai ở đây cũng đã dần thay đổi, nhờ thừa hưởng cái văn minh của con người thành phố. Có điện thắp sáng, có cái tivi và cái đài rađio nghe được tiếng nói về chủ trương, chính sách của Nhà nước rồi, nghe được bài hát người Kinh nữa”.
Nói xong ông cười hả hê để lộ hàm răng đã rụng gần hết. Theo lộ trình đầu tư, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa, người Đan Lai đã và đang từng bước được di dời đến những vùng đất mới, hứa hẹn một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tạm biệt Cò Phạt trong ráng Xuân đỏ rực góc trời, già làng và đàn em nhỏ cùng các thầy cô giáo lưu luyến chia tay chúng tôi như người thân thích ruột thịt. Thương lắm Cò Phạt! Chúng ta cùng chung tay vì tình thương cộng đồng dân tộc Việt, hãy giúp bà con tộc người Đan Lai thoát khỏi hủ tục đói nghèo và lạc hậu.
Lê Hoa
.