Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25527-nu-thanh-nien-vao-long-ho-lam-pho-chu-tich-xa-393117/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25527-nu-thanh-nien-vao-long-ho-lam-pho-chu-tich-xa-393117/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nữ thanh niên vào lòng hồ làm phó chủ tịch xã - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 15/01/2013, 08:09 [GMT+7]
25527

Nữ thanh niên vào lòng hồ làm phó chủ tịch xã

Lương Thị Vân Anh (SN 1985), trú tại xã Thanh Sơn (huyện Thanh Chương); tốt nghiệp Khoa Kinh tế Phát triển Nông nghiệp của Trường ĐH Kinh tế Huế, với tấm bằng loại khá. Cơ hội việc làm ở thành phố hoặc miền xuôi không có gì khó; nhưng nữ thanh niên người dân tộc Thái này đã vào nơi núi rừng xa xôi, hẻo lánh để làm Phó Chủ tịch UBND xã.
 
Mất nửa ngày chạy thuyền máy ngược lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ chúng tôi mới tới được trung tâm của xã Hữu Khuông (thuộc huyện miền núi Tương Dương). Hay tin ở xã nghèo này có nữ thanh niên năng nổ, trẻ nhất Nghệ An làm Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi gõ cửa phòng thì được biết, chị đang vào bản làng hướng dẫn cho bà con dân tộc Khơ mú sản xuất và chăn nuôi.
 
Chỉ còn cách ngồi chờ cho đến khi trời chập choạng mới thấy chị về lại trung tâm của xã. Bên ngọn nến mờ tỏ, nữ Phó Chủ tịch xã Hữu Khuông đã kể cho chúng tôi bao câu chuyện vui, buồn!
 
Nữ thanh niên dân tộc Thái vào lòng hồ làm Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông
 
Được biết, Lương Thị Vân Anh sinh ra trong một gia đình dân tộc Thái, nhà có 3 chị em gái, chị đầu đã tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH TP Hồ Chí Minh, em gái tốt nghiệp Trường CĐSP Nghệ An đang chờ việc làm. Bố mẹ trước đây đều là cán bộ của xã Hữu Dương, nhưng sau khi xã này bị “xóa sổ” để phục vụ cho việc xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ, gia đình đã kéo nhau xuống huyện Thanh Chương sinh sống.
 
Bắt đầu lên lớp 10, Vân Anh đã rời xa gia đình để ra Hà Nội theo học phổ thông ở trường Nội trú Trung ương. Sau 3 năm gắn bó với Thủ đô, cô bé đã vào miền đất Cố đô để theo học Trường ĐH Kinh tế Huế. Vân Anh tâm sự, vì sớm tự lập cuộc sống nên thời gian đã cho em nhiều trải nghiệm hơn một số bạn bè cùng trang lứa.
 
Khi còn là sinh viên, Vân Anh đã biết đứng ra lập nhóm đi bán hàng kiếm tiền giúp người khuyết tật. Mặc dù cuộc sống bốn năm trên đất Cố đô là những ngày tháng hết sức chật vật nhưng Vân Anh đã vượt qua và khi ra về còn có tấm bằng ĐH loại khá trong tay.
 
Chia tay đất Huế, một lần nữa cô gái Thái trở lại với Thủ đô Hà Nội vào làm việc cho một công ty tư nhân. Tuy mức lương không cao lắm nhưng cũng không thấp đối với một sinh viên mới ra trường như cô.
 
Vân Anh tâm sự: Tưởng đã an phận trên đất Thủ đô, nhưng rồi cuộc đời đưa em bước sang ngã rẽ mới, khi vô tình đọc được tờ báo Tiền phong có đề cập đến đề án của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với nội dung đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về làm phó chủ tịch xã.
 
Thấy đề án thiết thực, kết hợp tính cách thích phiêu lưu mạo hiểm, thích trải nghiệm cuộc sống, Vân Anh đã nộp hồ sơ dự tuyển. Rất may, trong số 170 sinh viên, chọn lấy 16 người để phân bổ về 3 huyện miền núi Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong (Nghệ An) thì trong đó có em.
 
Sau khi có quyết định, biết về xã Hữu Khuông (thuộc huyện miền núi Tương Dương) là một xã khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An từ trước tới nay, nhưng Vân Anh vẫn tự tin vào lòng hồ để đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với đồng bào. Vân Anh cho biết, địa bàn xã Hữu Khuông có đặc thù riêng, là xã duy nhất sót lại trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
 
Người dân xã Hữu Khuông đã biết tới những mô hình sản xuất hiệu quả
 
Không đường, không điện thắp sáng, không sóng điện thoại di động (kể cả điện thoại bàn), không chợ búa… nên điều kiện sống của bà con còn hết sức khó khăn. Tuy còn trẻ, nhưng với những gì học được trên giảng đường đại học và tích lũy kinh nghiệm cuộc sống, Vân Anh đã đem hết khả năng, sáng tạo của mình ra để cùng với chính quyền địa phương phục vụ đồng bào. Tuy thời gian gắn bó với đồng bào vùng sâu này chưa được bao lâu, nhưng nữ Phó chủ tịch xã nhỏ nhắn này đã được bà con bản làng yêu mến.
 
Được biết, ngoài việc đi lại khó khăn, Hữu Khuông còn là xã rất khó trong sản xuất cũng như chăn nuôi. Vì ngoài địa hình núi rừng phức tạp, nơi đây còn luôn phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt. Hơn nữa, Hữu Khuông còn là xã tập trung gần như một trăm phần trăm đồng bào dân tộc Khơ mú, Thái, Mông nên bà con vẫn quen tập quán sản xuất cũ.
 
Lúc mới đặt chân lên đất Hữu Khuông, chưa mấy ai tin nữ Phó chủ tịch xã này, nhưng sau đó thấy Phó chủ tịch xã trồng rau, trồng lúa, trồng ngô, trồng sắn… bà con bắt đầu trồng theo; hoặc thấy Phó chủ tịch xã chặt củi làm chuồng chăn nuôi lợn đen, gà đen, vịt bầu, cá lồng… đồng bào cũng làm theo.
 
Nữ Phó chủ tịch xã Vân Anh tâm sự, muốn bà con làm gì thì trước tiên mình phải làm trước đã, khi ấy họ mới theo. Vì thế, từ khi nữ Phó chủ tịch xuất hiện, xã Hữu Khuông bắt đầu nổi lên nhiều mô hình sản xuất kinh tế mới. Thay vì trồng trọt và chăn nuôi theo tập quán cũ, nay Vân Anh đưa ra mô hình sản xuất mới để bà con áp dụng làm theo nên bắt đầu cho kết quả rõ rệt. Đáng chú ý như: Mô hình nuôi cá lồng, vịt bầu, lợn đen, gà đen và nhất là mô hình trồng lúa nước.
 
Cũng vì điều kiện xa nhà nên từ khi vào lòng hồ, Vân Anh mới chỉ về thăm bố mẹ được hai lần. Trong câu chuyện vui vẻ, bỗng thấy nữ Phó chủ tịch xã chùng nét mặt, phảng chút buồn hiện ra. Vân Anh cũng đã từng có bạn trai, nhưng vì công việc không phù hợp với người yêu ở miền xuôi nên anh ấy đã “giã từ” em đi lấy vợ.
 
Giờ mong muốn nhất của Vân Anh là đem hết năng lực của mình để phục vụ đồng bào nơi đây. Mới nửa năm trời nhưng Vân Anh xác định đây là quê hương của mình. Nếu sau khi thời hạn của đề án chấm dứt, còn dược dân tin, dân mến và được chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện cho em cống hiến thì Vân Anh xin gắn bó với mảnh đất “rừng thiêng nước độc” này cho đến suốt đời.

Phan Sáng
.