Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25484-viec-tuyen-truyen-kem-da-gay-hieu-lam-dang-tiec-393152/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25484-viec-tuyen-truyen-kem-da-gay-hieu-lam-dang-tiec-393152/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Việc tuyên truyền kém đã gây hiểu lầm đáng tiếc - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 13/01/2013, 08:00 [GMT+7]
25484

Việc tuyên truyền kém đã gây hiểu lầm đáng tiếc

Mấy ngày vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc một số cán bộ, bác sỹ, kỹ thuật viên thuộc Trường Đại học Y khoa Vinh đến hai xã vùng sâu của huyện Quỳ Hợp là xã Châu Tiến và Châu Hồng để lấy máu của học sinh, gây nên những phản ứng cho phụ huynh, các cấp, các ngành và dư luận xã hội.
 
Để rộng đường dư luận, với mục đích giúp độc giả hiểu rõ hơn "sự thật" về việc làm này, vừa qua phóng viên Báo Công an Nghệ An đã có chuyến thực tế, tìm hiểu tại địa phương cũng như trao đổi với các tập thể, cá nhân liên quan để làm sáng tỏ.
 
Đề án khả thi
 
Ngày 24/12/2011, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 5697/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các đề tài, dự án khoa học - công nghệ cấp tỉnh năm 2012. Theo đó, trong số 38 đề tài được triển khai, Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ bệnh Thalassemia và một số yếu tố liên quan ở trẻ em dân tộc Thái và Mông ở Nghệ An" được chuyển giao kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh Thalassemia cho Trường ĐH Y khoa Vinh do Tiến sỹ Nguyễn Cảnh Phú - Phó Hiệu trưởng làm chủ nhiệm. Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, gây thiếu máu do tán huyết bẩm sinh, bệnh mang tính chất di truyền và nguy hơn nữa là làm suy thoái giống nòi.
 
 TS. Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh cho rằng: Quá trình triển khai để thiếu sót về công tác tuyên truyền
 
"Bắt tay" vào thực hiện, Trường ĐH Y khoa Vinh đã tổ chức 2 đoàn lấy 1.250 mẫu máu để phục vụ đề tài vào ngày 17 và 20/12/2012. Đây là đề tài có tính thực tiễn cao được Trường ĐH Y khoa Vinh phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương và một số giáo sư, nhà khoa học đầu ngành để thực hiện.
 
Những người được tham gia là những kỹ thuật viên xét nghiệm đã được tập huấn rất kỹ, trang thiết bị được Bệnh viện Nhi Trung ương cung cấp. Khi lấy máu, ngoài việc ghi đầy đủ tên tuổi thì các cháu còn được đánh mã số để theo dõi chặt chẽ. Các mẫu máu tiếp tục được bảo quản trong tủ lạnh với độ âm rất lớn rồi sau đó được chuyển đến phòng xét nghiệm đặc biệt của Bệnh viện Nhi Trung ương.
 
Theo yêu cầu của đề tài, việc triển khai được tiến hành đối với 1.250 mẫu máu ở lứa tuổi học sinh bậc Tiểu học và THCS. Mỗi học sinh tùy theo thể trạng mà được lấy từ 1 đến 2ml (từ 1 đến 2cc). Quy trình lấy máu được tuân thủ chặt chẽ theo yêu cầu, có người giám sát từ phía đoàn công tác và từ phía nhà trường.
 
Chị Hà Thị Năm (29 tuổi), trú ở bản Pòng, kinh doanh hàng hóa ở chợ Châu Hồng, là mẹ của em Trương Thị Thảo Sương (HS lớp 4C, Trường Tiểu học Châu Hồng), cho biết: “Cuối tháng vừa rồi, sau khi con gái đi học về thấy có biểu hiện khác thường về sức khỏe, tôi có hỏi con thì được trả lời là sáng nay nhà trường và đoàn bác sỹ có gọi con lên văn phòng để lấy máu ở hai cánh tay xét nghiệm. Thấy sức khỏe con không được tốt vợ chồng tôi cũng lo lắng nhưng khi tìm hiểu rồi sau này được cán bộ xã thông báo là lấy máu phục vụ nghiên cứu về nòi giống dân tộc Thái nên tôi cũng yên tâm. Mấy ngày qua nghe dân bàn tán nhiều về việc này, họ nói là nhà trường cấu kết với tổ chức nào đó để lấy máu bán, tôi cũng bất an nhưng tin chắc rằng không có chuyện đó”.
 
Phụ huynh của học sinh được lấy máu xét nghiệm trao đổi với phóng viên
 
Biết việc triển khai thực hiện đề tài khoa học của các thầy giáo là ý nghĩa nhưng anh Trương Văn Ních ở bản Nậm Tiu, Châu Hồng, bố của hai em Trương Mạnh Quỳnh và Trương Quỳnh Giang (HS Trường THCS Hồng Tiến) cũng băn khoăn: “Khi hai con tôi đi học về trình bày lại tôi cũng ngạc nhiên. Giá như cấp trên làm việc này mà thông báo tuyên truyền đến cho gia đình biết thì hay hơn. Vì đây là việc làm tốt, cũng vì mục đích quan tâm sức khỏe của con em chúng tôi”.
 
Ý kiến người trong cuộc
 
Trao đổi với phóng viên ngày 8/1, bà Phan Thị Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định: “Trên tinh thần và chủ trương của UBND tỉnh, sự chỉ đạo của các ngành liên quan, huyện Quỳ Hợp được hội đồng triển khai đề tài chọn lấy hai xã Châu Hồng và Châu Tiến làm đối tượng thực hiện. Thời điểm đoàn tiến hành do thầy Phú dẫn đầu đã làm việc với UBND huyện, các phòng liên quan. Chúng tôi cho rằng, đây là một nghiên cứu khá mới và có ý nghĩa thực tiễn cao. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, công tác tuyên truyền chuẩn bị chưa được tốt cho nên để xảy ra nhiều ý kiến không tốt của dư luận. Sau đó, người đứng đầu 2 xã đã nói rõ với người dân và được họ đồng tình”.
 
Để hiểu rõ hơn về sự việc, nhằm làm sáng tỏ hơn nội dung mà người dân băn khoăn, ngày 9/1, trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Vinh thẳng thắn: “Việc dư luận phản ánh về những "khuất tất" của nhóm nghiên cứu và lấy máu xét nghiệm của học sinh ở hai xã trên do thầy Nguyễn Cảnh Phú - Phó Hiệu trưởng làm Chủ nhiệm đã ảnh hưởng rất lớn.
 
Đứng về trách nhiệm quản lý và công việc chuyên môn ngành y tế, tôi cho rằng không có chuyện để xảy ra sự tắc trách và sai sót như một số báo chí đã nêu. Đề tài mà chúng tôi đang nghiên cứu có ảnh hưởng rất lớn về mặt khoa học cũng như thực tiễn. Hiện nay một số tỉnh như Hòa Bình, Sơn La đã triển khai và có kết quả tốt, riêng với Nghệ An thì đây là bước khởi đầu.
 
Sau khi có dư luận cho rằng, đoàn xét nghiệm dùng 3-4 mẫu cho một kim tiêm, tôi đã kiểm tra số xiranh. Kết quả là số xiranh để thực hiện lớn hơn số xiranh dùng lấy mẫu cho học sinh, cho nên không có chuyện đó xảy ra.
 
Hơn nữa, trong dự toán của Đề án được phê duyệt, sau khi lấy mẫu máu ở học sinh không có "chế độ" bồi dưỡng sức khỏe nhưng chúng tôi đã cố gắng bằng mọi cách tìm kinh phí để mua sữa cho các cháu uống là đối tượng sau khi được lấy máu.
 
Cũng phải nói rằng: "Trước khi tổ chức cho các đoàn đi tại cơ sở, chúng tôi có trong tay một lực lượng đảm bảo về chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp. Các nhân viên, kỹ thuật viên, bác sỹ được tập huấn đầy đủ về cách tiếp xúc, ứng xử với bà con người dân tộc, nhất là đối với các cháu; khám sàng lọc và kỹ thuật lấy máu, bảo quản máu. Cho nên lại càng khẳng định không có chuyện làm ẩu như thế được. Chúng tôi thấy rằng, công tác tuyên truyền của trường, của huyện, các xã, trạm y tế và ngay cả những người được giao chưa được đầy đủ nên để xảy ra sự hiểu nhầm”.
 
"Gần đây dư luận xôn xao về việc này và cho rằng đoàn thực hiện đề án đã về địa phương “lấy máu của học sinh… bằng xô”, “Một kim tiêm dùng cho 4 học sinh” được đăng tải trên báo chí là hoàn toàn sai, gây nên tâm lý bất an và mất ANTT ở địa phương” - TS. Tài nói thêm.
 
Bác sỹ Hoàng Văn Hảo - Phó GĐ Sở Y tế Nghệ An cho hay: Trong quá trình kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, chúng tôi phát hiện một số lượng rất nhiều các cháu học sinh người dân tộc Thái và HMông ở Nghệ An bị thiếu máu do tán huyết bẩm sinh.
 
Vì vậy, Ban chương trình KHCN chăm sóc sức khỏe nhân dân đã tham mưu cho UBND tỉnh giao cho Trường Đại học Y khoa Vinh nghiên cứu đề tài này, nhằm xác định tỉ lệ, nguyên nhân gây bệnh và đề xuất các giải pháp chữa trị, phòng tránh”. Tuy nhiên, việc triển khai còn để xảy ra một số thiếu sót đã ảnh hưởng lớn đến dư luận cũng như đánh giá lệch lạc về đề án. Đây là một nghiên cứu hết sức quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn trong đời sống.

Xuân Thống
.