Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25475-thuong-tiec-nha-bao-nha-van-le-quy-ky-393160/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201301/25475-thuong-tiec-nha-bao-nha-van-le-quy-ky-393160/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thương tiếc nhà báo, nhà văn Lê Quý Kỳ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 11/01/2013, 09:08 [GMT+7]
25475

Thương tiếc nhà báo, nhà văn Lê Quý Kỳ

Là học sinh miền Nam, từ sau ngày đất nước bị chia cắt, nhà văn Lê Quý Kỳ được gửi ra miền Bắc học văn hóa. Từ năm 1956, Lê Quý Kỳ đã sống, học tập trong tình thương, đùm bọc, sẻ chia từng tấm áo, bát cơm, củ khoai của bà con xứ Nghệ.
 
Năm 1963, tốt nghiệp Đại học sư phạm Vinh cùng lứa với nhà văn Bá Dũng, nhà thơ Xuân Hoài, Lê Quý Kỳ xin về công tác tại Báo Nghệ An. Anh chia sẻ tâm tư với mọi người rằng mong đền đáp ân nghĩa với mảnh đất gió Lào rát bỏng đã nuôi nấng, chăm chút anh trong tình cảnh đằng đẵng xa cha, mẹ, người thân ở Phú Lộc, Thừa Thiên đang chịu sự kìm kẹp của chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.
 
Về Báo Nghệ An chưa bao lâu, anh đã phải gồng mình cùng quân dân Nghệ An chống trả cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc vào khu 4 của Không quân, Hải quân Mỹ. Anh trở thành phóng viên chiến tranh, xông xáo, có mặt hầu hết những trọng điểm bắn phá khốc liệt như phà Bến Thủy, Cầu Cấm, ga Mỹ Lý, phà Hoàng Mai, rú Trét trên tuyến đường 15A vào ngã ba Đồng Lộc.
 
Nhà báo, nhà văn Lê Quý Kỳ (trái) và nhạc sỹ Trần Hoàn
tại Đại hội VHNT Nghệ An lần thứ 7 - Ảnh: Đăng Việt
 
Những phóng sự hôi hổi sức sống chiến tranh nhân dân trên mặt trận bảo đảm giao thông của nhà báo Lê Quý Kỳ xuất hiện đều đặn trên trang nhất báo Nghệ An, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân và Đài tiếng nói Việt Nam.
 
Lê Quý Kỳ có phong cách tác nghiệp, tiếp nhận nguồn tư liệu, chắt lọc tư liệu, xây dựng đề cương bài viết rất công phu. Sổ tay phóng viên của anh ngồn ngộn sự kiện, lớp lớp tư liệu, rậm rạp chi tiết tính cách nhân vật. Anh khắt khe với chính bài viết của mình và đồng nghiệp không chỉ ở trong bản thảo mà ngay cả khi tờ báo đã phát hành.
 
Tờ báo đến tay anh, không ít lần bị gạch đỏ ở những câu chữ, số liệu không chuẩn, gây khó chịu cho bạn đọc. Đồng nghiệp đỏ mặt tự ái nhưng Lê Quý Kỳ dường như không sửa được cái tật vừa xem, vừa gạch, tìm kiếm lỗi phạm ngữ pháp, chính tả dù chỉ một mẩu tin chưa đầy năm mươi từ. Anh đeo đuổi một phong cách, bút pháp, quan điểm làm báo mà không phải ai cũng học được.
 
Phải vậy chăng mà trong đạn bom, Lê Quý Kỳ vẫn kiên nhẫn viết bài ca ngợi một điển hình đầu tiên, táo bạo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi ở hợp tác xã nông nghiệp Quỳnh Hồng, Hưng Thái mà thời ấy lãnh đạo tỉnh còn có vị phê phán, thậm chí cho tác giả không thực tế, không tưởng.
 
Bỏ ngoài tai những dè bỉu, khích bác, ngăn trở, Lê Quý Kỳ vẫn ăn dầm ở dề với Quỳnh Hồng, Hưng Thái hàng năm trời, cùng chủ nhiệm Cao Lục, Hoàng Quốc Đông xây dựng mô hình thâm canh lúa kết hợp thả cá ruộng, chăn nuôi lợn tập trung hàng nghìn con trong những năm 1966, 1967 bom đạn ngút trời.
 
Ấy thế rồi chân lý được kiểm chứng từ thực tiễn sinh động. Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật ở hợp tác xã Ba Tơ (Hưng Thái), Hồng Long (Quỳnh Hồng) được Tổng Bí thư Lê Duẩn đến tận nơi kiểm tra rồi cho nhân rộng điển hình toàn miền Bắc lúc bấy giờ. Hai chủ nhiệm được nhà báo Lê Quý Kỳ phát hiện và viết bài ủng hộ là Cao Lục và Hoàng Quốc Đông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ cả nước có chiến tranh.
 
Làm báo nhưng Lê Quý Kỳ lại mê mải theo nghiệp văn bởi như có lần trao đổi với người viết bài này là “báo” không thể chuyển tải hết được những gì mà đời sống đích thực của sự kiện, con người, xã hội, những mối quan hệ trái ngang cần phải thể hiện, chuyển tải ở một cấp độ, hình thức cao hơn, đầy đặn hơn.
 
Quả vậy, với vốn sống dày dặn, sự tích cóp chi li từng mảng tư liệu, nhân vật, sự kiện, góc khuất, mặt trái ở một vùng đất mà anh gắn bó máu thịt, trải nghiệm hơn bốn mươi năm cầm bút, Lê Quý Kỳ đã kịp cho ra đời tiểu thuyết “Cơn Giông”, truyện ký “Ngõ sau thành phố”, truyện ký “Nuôi con thời đánh Mỹ”, tập truyện ngắn “Vĩ Thanh”… chưa kể cuốn lý luận phê bình “Đường biên Văn học, tản mạn văn chương”. Tiểu thuyết “Cơn Giông” được trao giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương đã đưa anh vào Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Lê Quý Kỳ với tư cách nhà báo, nhà văn đều hoàn chỉnh một tư chất, nhân cách thẳng thắn, trung thực đến độ bất chấp phương hại tới bản thân. Bài viết của anh đụng chạm đến quyền lợi, vị thế của lãnh đạo tỉnh, bị gác lại ở báo địa phương, anh tìm cách đăng báo Trung ương. Không thể nêu trọn vẹn vấn đề tiêu cực trong một bài phóng sự điều tra, anh chuyển sang viết ký văn học.
 
Từng công tác, sinh hoạt nghề nghiệp với anh ở Báo Nghệ An từ năm 1969 cho tới khi nghỉ hưu, tôi nhận ở anh một phong cách làm báo chỉn chu, thấu đáo, khoa học, biện chứng, khách quan khi xem xét, phản ánh một sự kiện, một nhân vật sao cho tác phẩm có sức thuyết phục cao. Đọc anh, dù là một mẩu tin bao giờ cùng tìm thấy tính phản biện, ít khi anh “khen một chiều”.
 
Những ngày gần đây anh quên nhớ thất thường, vợ con anh phải đeo bám, sợ anh đi lạc.
 
Lối anh đi, nơi anh đến duy nhất là Trụ sở Báo Nghệ An số 3 - Lê Nin và Hội văn học Nghệ An. Sau cơn bạo bệnh, anh ra đi vào cõi vĩnh hằng ngày Tân Mùi áp Tết Quý Tỵ (5/1/2013). Trong cuộc đời làm báo, làm văn hơn nửa thế kỉ của nhà văn, nhà báo Lê Quý Kỳ, bạn đọc xứ Nghệ ngẫm ngợi về anh giống như người dự báo những “Cơn Giông” biến cố về cuộc đời, về con người mà anh không biết hay anh thanh thản chấp nhận mọi rủi ro, thua thiệt về mình.
Vinh - Ngày đưa tiễn anh Lê Quý Kỳ
05/1/2013

Văn Hiền
.