Đã có 2 cây cầu treo được làm, nhưng cứ lũ về là cả 2 chiếc cầu lại bị cuốn trôi đi. Cách đây hơn 1 tháng, cây cầu tạm đã được bà con nơi đây tự “thiết kế” và “thi công” bằng những cọc gỗ và tre nứa ghép lại. tuy nhiên giải pháp này chỉ giải quyết được một số khó khăn trước mắt và nguy hiểm từ chiếc cầu này có thể chờ chực “nuốt” bất cứ ai đi qua đây. Một mùa mưa nữa lại về, người dân nơi đây đang mong ngóng một cây cầu mơ ước.
Nằm trên địa bàn xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, bản Khe Nả và Khe Ngạu là một trong những bản có 100% người dân tộc Thái sinh sống. Hai bản cách nhau một con sông nên việc đi lại, giao thương của 2 bản với các địa bàn khác hết sức khó khăn.
Trước đây khi chưa có cầu, dân bản đi lại chủ yếu bằng đò, từ khi 2 cây cầu treo được xây dựng việc đi lại của người dân và các em học sinh đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, cây cầu thứ nhất do xây, thiết kế thấp nên cứ mưa lũ dâng cao thì cuốn rác ở nơi khác về rồi cuốn cầu theo rác.
Không có cây cầu việc đi lại của bà con dân bản gặp rất nhiều khó khăn, mọi sinh hoạt, mua bán, trao đổi hàng hoá đều bị động. Do đó, một cây cầu thứ 2 đã được xây dựng lên. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng thì cây cầu thứ 2 lại tiếp tục bị cuốn trôi trong đợt lũ tháng 8 năm ngoái.
Cầu treo cũ bị lũ cuốn trôi chỉ còn lại chân cầu
Chị Lương Thị Phủy, ở bản Khe Ngạu nói: “Ngồi bên này sông, nhìn cái cầu trôi mà chúng tôi chỉ biết khóc òa lên, như bị mất đi đôi chân, buồn lắm”.
Bản Khe Ngạu nổi tiếng với một số loại nông sản như ngô, chuối và đặc biệt là cà ngọt. Vì không có cầu treo để chuyên chở nên người dân chỉ biết “bế” nông sản sang sông qua chiếc cầu “tạm” để nhập cho lái buôn.
Cầu tạm làm bằng tre nứa phục vụ nhu cầu đi lại của bà con
Với 154 hộ dân sinh sống một ngày có cả trăm người qua lại, người lớn đi lại đã vất vả, trẻ em đi học lại càng vất vả bội phần. Trong khi đó cầu lại không có lan can, chỉ cần sẩy chân là không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Văn Toản - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Trôi cầu là việc ngoài ý muốn, chúng tôi đã cố gắng khắc phục tạm thời những khó khăn trước mắt. Chúng tôi cũng đề nghị lên các cơ quan chức năng xin hỗ trợ kinh phí và có kế hoạch xây dựng một cây cầu treo kiên cố. Vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện vừa có thông báo đến năm 2013 sẽ xây lại cầu treo phục vụ cho việc đi lại của bà con”.
Hiện nay, bà con đang “cõng” cát qua bản Khe Ngạu để xây nhà cộng đồng, giá như có chiếc cầu thì công việc sẽ dễ dàng hơn. Và nguy hiểm hơn là những khi lũ về có thể cuốn trôi bất cứ những ai đang đi trên cầu tạm. Nên bà con vùng miền núi nơi đây đang mong ngóng một chiếc cầu treo là điều dễ hiểu.
Việt Hùng
.