Riêng tiêu chảy cấp do Rotavirus thì tần suất mắc ở các nước phát triển và kém phát triển tương tự nhau, thường xuất hiện ở trẻ dưới 2 tuổi, bệnh thường xảy ra rải rác trong cả năm.
Các dấu hiệu thường gặp
Tiêu chảy: Trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều nước trên 3 lần/ngày có thể tới 9 - 10 lần hoặc hơn, thời gian có thể kéo dài tới 5 - 6 ngày.
Nôn: Tiêu chảy do Rotavirus thường nôn nhiều hơn tới trên 80% số trẻ mắc. Trẻ có thể nôn một vài lần/ngày, cũng có trẻ nôn liên tục tự nhiên hoặc sau khi ăn uống vì thế làm cho trẻ mất nước và chất điện giải nhanh.
Sốt: Hầu hết chỉ sốt nhẹ hoặc sốt vừa. Rất hiếm gặp trường hợp sốt cao do được điều trị sớm.
Với các triệu chứng trên làm trẻ mệt mỏi, có dấu hiệu mất nước từ nhẹ tới vừa khoảng 60 - 70% như môi khô, khát nước, da khô nếp nhăn lâu mất, đi tiểu ít, khóc không có nước mắt.
Chữa thế nào?
Trước hết phải coi tất cả những trường hợp tiêu chảy cấp do bất kỳ nguyên nhân nào cũng có thể đưa đến mức độ nặng gây tử vong, do đó cần điều trị tích cực ngay từ đầu và luôn theo dõi trẻ.
Thuốc điều trị
Bù nước và điện giải là cấp cứu đầu tiên: Tốt nhất là uống oresol (ORS). Hiện nay có nhiều loại gói và viên oresol khác nhau pha trong 200ml, 250ml hay trong 1.000ml, vì vậy phải chuẩn bị dụng cụ đong nước cho phù hợp với các hướng dẫn ghi trên gói ORS, dụng cụ sạch sẽ, rửa tay trước khi pha. Dung dịch ORS đã pha chỉ dùng trong 24 giờ. Khi cho trẻ uống cần chú ý:
Với trẻ dưới 2 tuổi cho uống từng thìa nhỏ cách nhau 1 - 2 phút.
Trẻ lớn hơn cho uống từng ngụm bằng cốc.
Nếu trẻ nôn, đợi 10 phút sau đó uống chậm hơn.
Liều lượng ORS được tính như sau: (xem bảng)
Những năm gần đây, nhờ nghiên cứu mới về phân loại mất nước và điều trị, ngoài việc sử dụng ORS với độ thẩm thấu thấp còn được bổ sung kẽm (Zn) 10mg/ngày đã mang lại kết quả rất tốt.
Việc sử dụng kháng sinh để trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ sẽ do chỉ định của bác sĩ phù hợp với bệnh.
Thuốc là vi sinh vật giúp ổn định tạp khuẩn ruột. Trong ruột già chúng ta có rất nhiều vi khuẩn gọi là hệ tạp khuẩn ruột. Khi hệ này bị rối loạn, vi khuẩn có ích bị chết đi, một số vi khuẩn gây bệnh tăng sinh sẽ dẫn đến tiêu chảy. Thuốc loại này là các chế phẩm chứa các vi sinh vật có ích như: tế bào men (levure như Saccharomyces cerevisiae), vi khuẩn (Lactobacillus acidophilus, vi khuẩn loại bifidus...) nhằm tái lập lại cân bằng của hệ tạp khuẩn ruột.
Thuốc là chất hấp phụ: chất hấp phụ là chất trơ về mặt hóa học và có cấu trúc đặc biệt có khả năng hút giữ vi khuẩn, độc tố vi khuẩn, siêu vi, khí sinh ra trong ống tiêu hóa là những thứ làm kích thích niêm mạc và sau đó được thải ra ngoài kéo theo các chất mà nó hút giữ. Chất hấp phụ không hòa tan và không hấp thụ nên dùng tương đối an toàn và có cơ chế tác dụng như vừa kể, nên chất hấp phụ thích hợp điều trị tiêu chảy có kèm trướng bụng và do đường tiêu hóa bị nhiễm độc (ngộ độc thức ăn, nhiễm khuẩn).
Chất hấp phụ được dùng trị tiêu chảy phổ biến là hợp chất vô cơ như smectite, attapulgite, đặc biệt là than hoạt. Khi sử dụng thuốc là chất hấp phụ cần lưu ý, chỉ sử dụng thuốc này trước hoặc sau khi uống các loại thuốc khác cần sự hấp thu vào máu ít nhất 2 giờ, bởi vì chất hấp phụ không được hấp thu sẽ cản trở sự hấp thu của thuốc uống cùng với nó.
Tóm lại, trong điều trị tiêu chảy có nhiều loại thuốc và có khá nhiều điều phức tạp cần lưu ý. Trước khi tính đến việc dùng thuốc cầm tiêu chảy, bao giờ cũng phải nghĩ đến việc bù nước và chất điện giải, tức dùng gói oresol. Nêu lưu ý tránh dùng thuốc nằm trong nhóm thuốc làm liệt nhu động ruột. Ví dụ, paregoric chứa cao thuốc phiện (gây nghiện), chống chỉ định đối với trẻ dưới 5 tuổi. Diphenoxylat, loperamid là thuốc tổng hợp không gây nghiện, ít tác dụng hơn nhưng vẫn tránh dùng ở trẻ dưới 2 tuổi. Không sử dụng thuốc chống nôn.
Chế độ dinh dưỡng
Tiếp tục cho trẻ ăn hoặc tiếp tục bú mẹ khi trẻ đang bú. Nếu không được bú sữa mẹ thì cho ăn như thường lệ, thức ăn cần được nấu kỹ và nghiền nhỏ. Nếu trẻ đang uống sữa bột thì nên chuyển sang loại sữa dành riêng cho trẻ tiêu chảy không có đường lactose. Khi trẻ đã có một trong các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần hơn, phân nhiều nước hoặc có máu nhầy khi bị lỵ trực khuẩn, nôn liên tục, khát nước nhiều, ăn uống kém và sốt cần đưa trẻ tới ngay các cơ sở y tế.
Để không bị tiêu chảy
Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, ăn uống hợp vệ sinh, giữ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh suy dinh dưỡng, cho trẻ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy.